Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Sốp Cộp có 386 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 56 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 23 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 16 bếp ăn tập thể và 7 cơ sở sản xuất thực phẩm. Huyện đã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh và nhân dân.

Báo Sơn LaBáo Sơn La12/05/2025


Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp kiểm tra vệ sinh ATTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xã Sốp Cộp. 

Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) huyện và tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP tại các xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm.

Ông Lường Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Trung tâm đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tập trung kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP tại các trường học có bếp ăn tập thể, nhất là nguồn thực phẩm; điều kiện vệ sinh tại khu vực sơ chế, chế biến, ăn uống, tủ lưu mẫu thức ăn...

Từ năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã đã kiểm tra gần 300 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể; đã phát hiện, xử lý 7 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 triệu đồng, với các lỗi không niêm yết giá sản phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng quy định...

Chị Lò Thị Ngân, chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bản Sốp Cộp, xã Sốp Cộp, cho biết: Nhà hàng mua thực phẩm từ các cơ sở uy tín trên địa bàn và có hợp đồng cam kết đảm bảo ATTP. Gia đình còn tự trồng rau, chăn nuôi phục vụ hoạt động kinh doanh. Quá trình chế biến, nhà hàng tiến hành ghi sổ kiểm định 3 bước về kiểm tra nguyên liệu trước, trong và sau khi chế biến; nhân viên luôn thực hiện các quy định trong quá trình chế biến thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà hàng.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp test nhanh các mẫu thực phẩm chế biến tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. 

Từ năm 2024 đến nay, tổ chức gần 20 buổi tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép về đảm bảo vệ sinh ATTP; phát hơn 50 lượt bài truyền thông trên loa phát thanh của các xã, bản, hướng dẫn nhân dân thay đổi thói quen ăn uống không hợp vệ sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Lò Thị Anh, bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh, chia sẻ: Được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, gia đình đã thực hiện việc chế biến thức ăn đảm bảo ăn chín, uống sôi; giữ bếp, dụng cụ chế biến sạch sẽ; sử dụng nguồn nước sạch. Nhờ vậy, sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình luôn được đảm bảo.

Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, huyện Sốp Cộp chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất kinh doanh và ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn...

Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-jT65XZaHg.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm