Theo báo cáo từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, công tác dân số giai đoạn 2020-2025 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Sau sáp nhập, TPHCM vẫn là đô thị đông dân nhất cả nước với 14.002.598 người (theo điều tra dân số giữa kỳ năm 2024). Mật độ dân số đạt khoảng 2.067 người/km², đứng thứ hai cả nước, sau Hà Nội.
Mặc dù dân số ổn định, tổng tỷ suất sinh của TPHCM năm 2024 chỉ đạt 1,43 con mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tăng nhẹ so với mức 1,39 con năm 2022 nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Sau sáp nhập, TPHCM vẫn là đô thị đông dân nhất cả nước và thuộc nhóm địa phương có mức sinh thấp nhất (Ảnh minh hoạ: Thúy Hường).
Mức sinh thấp kéo dài khiến TP.HCM đối mặt với nguy cơ già hóa dân số nhanh. Theo số liệu, dân số trên 60 tuổi năm 2022 đã chiếm 11,03% tổng dân số, và xu hướng này tiếp tục gia tăng.
Tuổi thọ trung bình của người dân thành phố năm 2024 đạt 76,6 tuổi, cao hơn mức trung bình cả nước là 74,7 tuổi. Tuổi thọ cao cho thấy chất lượng chăm sóc y tế và đời sống tại TPHCM đã được cải thiện, song cũng đặt ra nhiều thử thách về kinh tế trong tương lai.
Bên cạnh đó, công tác sàng lọc và tư vấn sức khỏe sinh sản cũng đạt nhiều thành tựu. Năm 2024, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,6%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,98%.
Đặc biệt, 92,5% thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được truyền thông, tư vấn về sức khỏe trước hôn nhân, góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát ở mức hợp lý, đạt 106,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, giảm so với mức 112,6 năm 2021, cho thấy các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã phát huy hiệu quả.
Hiện, ngành y tế TPHCM nỗ lực trong việc tham mưu chính sách giải quyết vấn đề mức sinh thấp.
Cuối năm ngoái, HĐND ban hành nghị quyết quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ công tác dân số, trong đó hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Ngoài ra, học sinh ở tất cả cấp học trên địa bàn thành phố cũng được hỗ trợ miễn học phí.
Trong Đề án Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân TPHCM và một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030, một số chính sách cũng được đưa ra nhằm đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và chất lượng, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Một số chính sách đáng chú ý có thể kể đến gồm thanh niên chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe và tiêm vaccine phòng ngừa bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ, tăng cường sàng lọc trước và sau sinh, cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản; tăng cường tư vấn tâm lý, phòng ngừa bệnh học đường và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Theo một khảo sát của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại 14 quốc gia gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Italia, Hungary, Đức, Thụy Điển, Brazil, Mexico, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Ma-rốc, Nam Phi và Nigeria, cứ 5 người thì có 1 người tin rằng họ không thể đạt được quy mô gia đình như mong muốn. Trong số đó, đa phần sẽ có ít con hơn dự định, một số khác lại nhiều hơn ý muốn.
Đặc biệt, giới trẻ bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về tương lai, cùng với những mối quan ngại về biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt tăng cao, chuẩn mực giới mang tính định kiến, khủng hoảng nhà ở, áp lực công việc và bất ổn toàn cầu đã trở thành những rào cản lớn đối với việc xây dựng một gia đình.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dan-so-tphcm-on-dinh-sau-sap-nhap-muc-sinh-van-thap-nhat-ca-nuoc-20250713115521912.htm
Bình luận (0)