“Leng keng” gieo Hà Nội mới từ di sản xưa

Tôi gặp anh Nguyễn Dân Huy (sinh năm 1979, tại phường Ba Đình, TP Hà Nội) khi anh đang tỉ mỉ sắp xếp mâm cỗ truyền thống, chuẩn bị cho chương trình văn hóa sắp tới. Vừa chăm chút từng món ăn, anh vừa say sưa chia sẻ với tôi về ý nghĩa các hương vị, quy tắc ứng xử trên mâm cơm Việt. Trong ánh mắt rạng rỡ và giọng nói nhiệt thành, có thể cảm nhận rõ tình yêu anh dành cho văn hóa truyền thống.

“Bố tôi là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Dân Quốc, nên từ 3 tuổi, tôi đã làm quen với đạo cụ sân khấu, say mê phụ bố vẽ phông nền, thêu phục trang, chuẩn bị cho các vở kịch, chèo. Âm thanh, sắc màu của sân khấu nghệ thuật cứ thế ngấm vào máu. Từ đó, tôi yêu và luôn muốn hiểu sâu hơn về văn hóa Việt”, anh Huy kể.

Anh Nguyễn Dân Huy hiện là Phó chủ tịch UBND phường Ba Đình (TP Hà Nội). Ảnh: Hải Ly 

Không theo đuổi con đường biểu diễn nghệ thuật như cha, anh Huy mang tình yêu văn hóa vào công việc quản lý nhà nước. Năm 2015, khi nhận chức vụ Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Trúc Bạch cũ (nay là phường Ba Đình, Hà Nội), anh Huy tìm hiểu về lịch sử địa phương và nhận ra quanh hồ Trúc Bạch là những lớp trầm tích văn hóa dày đặc nhưng chưa được khai thác và lan tỏa xứng tầm. Từ đó, người cán bộ trẻ luôn trăn trở tìm những cách tiếp cận mới để di sản có thể “sống” trong cộng đồng.

Là người con Hà Nội, lớn lên cùng ký ức về 5 tuyến tàu điện chạy khắp phố phường xưa, anh Huy ấp ủ ý tưởng kết nối các di tích, làng nghề và không gian văn hóa quanh hồ Trúc Bạch thành hành trình trải nghiệm. Dự án “Tuyến tàu điện số 6” được hình thành từ đó, tái hiện hơi thở Hà Nội xưa trong hình hài mới mẻ.

 

“Dự án “Tuyến tàu điện số 6” được tôi phát triển với 2 hướng chính. Ở “Leng keng di sản”, chúng tôi dựng 8 toa tàu, mỗi toa mang một chủ đề riêng để du khách trực tiếp trải nghiệm và tương tác với di sản văn hóa, lịch sử, ẩm thực Hà Nội, cũng như Việt Nam. Với “Leng keng tới trường”, tôi vận động cộng đồng quyên góp, sửa chữa xe đạp và gửi tặng học sinh vùng cao”, anh Huy nhấn mạnh.

Năm 2022, anh Nguyễn Dân Huy giới thiệu toa tàu đầu tiên với chủ đề trà Việt trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội. Tại đây, phong tục mời trà của người Việt được tái hiện sinh động bằng hình thức trình bày mới lạ, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Mô hình nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực, trở thành tiền đề để lãnh đạo quận Ba Đình tạo điều kiện cho dự án mở rộng.

Cuối năm 2023, tại sự kiện “Đêm Trúc Bạch”, dự án “Tuyến tàu điện số 6” chính thức ra mắt. Từ đó, anh Huy tiếp tục hoàn thiện các toa khác với nhiều chủ đề đặc sắc như: “Lúa-Thóc-Gạo”; “Bếp-Chạn-Mâm”; “Phở-Bún-Sợi”; “Café-Cà phê-Coffee”; “Trà và thú vui bát nhã”.

Chỉ trong thời gian ngắn vận hành thử nghiệm, dự án đón nhiều vị khách đặc biệt như: Đại sứ Phần Lan, Đại sứ New Zealand, Đại sứ Cuba tại Việt Nam, ông Hồ An Phong-Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,... Những góp ý thẳng thắn, khách quan từ khách mời giúp các toa tàu hoàn thiện hơn về nội dung và cách tiếp cận. Đến nay, tuyến tàu chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức, phục vụ người dân và du khách trong hành trình khám phá một Hà Nội đậm đà bản sắc.

Trong hành trình ấy, anh Huy đã trải qua nhiều khó khăn. Phát triển văn hóa và du lịch chỉ là phần nhỏ trong nhiệm vụ của cán bộ quản lý nhà nước, vì thế anh Huy phải tranh thủ thời gian rảnh để nghiên cứu, rong ruổi khắp nơi sưu tầm hiện vật, kiến thức dân gian và tinh hoa ẩm thực cổ truyền.

 

Toa Trà và thú chơi bát nhã đưa du khách vào không gian thưởng trà thanh tao, nơi hội tụ tinh hoa trà Việt và 8 thú tao nhã của giới chí sĩ đất Kinh kỳ. Ảnh: Nhân vật cung cấp   

“Thời gian đầu, nhiều kiến trúc sư khuyên tôi dừng lại, nhiều người cũng ngăn cản vì thấy dự án không khả thi nhưng tôi vẫn làm. Mỗi ngày hoàn thiện một ít, từng bước dựng nên hình hài của dự án”, anh Huy nhớ lại.

Khi toa tàu thứ 3 hoàn thiện, dự án bắt đầu lan tỏa sức hút. Người dân mang đến những kỷ vật thời bao cấp để đóng góp cho dự án. Các nghệ nhân, chuyên gia văn hóa, đầu bếp,... cũng chủ động tham gia. Ý tưởng khởi đầu từ cá nhân dần trở thành công trình chung của cộng đồng, di sản văn hóa được đánh thức qua sự góp sức trong đời sống đương đại.

 “Leng keng” nâng bước em tới trường

Nếu “Leng keng di sản” là tiếng gọi ngược về quá khứ, thì “Leng keng tới trường” lại là tiếng chuông vang về phía tương lai, nâng bước trẻ em nơi vùng cao. Tháng 8-2024, khi dự án “Leng keng di sản” dần ổn định, anh Nguyễn Dân Huy tiếp tục dành tâm huyết cho “Leng keng tới trường”.

“Ở Hà Nội, nhiều gia đình có xe đạp cũ không sử dụng, bỏ thì phí mà cho cũng khó vì ít người còn dùng đến. Trong khi đó, ở các địa phương vùng cao, chiếc xe đạp lại giúp các em rút ngắn quãng đường đến trường, tiếp cận tri thức dễ dàng hơn. Từ thực tế đó, tôi vận động người dân quyên góp xe đạp còn sử dụng được, tiến hành sửa chữa, sơn vẽ cho mới rồi trao tặng học sinh khó khăn”, anh Huy chia sẻ.

Từ đó, mỗi cuối tuần, góc phố ven hồ Trúc Bạch lại trở thành điểm hẹn của những tấm lòng thiện nguyện. Xe đạp cũ được người dân mang đến, thợ sửa xe sẽ kiểm tra, thay thế linh kiện, bảo dưỡng.

Sau khi bảo đảm vận hành tốt, những chiếc xe được sơn vẽ lại bởi sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, học sinh, người dân và du khách. Ảnh: NVCC

Cứ gom đủ 30-40 chiếc, anh Huy lại cùng cộng sự mang xe đến các điểm trường vùng cao để trao tận tay học sinh. Chỉ sau chưa đầy 1 năm, “Leng keng tới trường” đã tổ chức 3 chuyến đi tới Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang, trao tặng 120 xe đạp cùng hàng nghìn ba lô, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn.

 

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, “Leng keng tới trường” đã nhận được Huy chương bạc trong cuộc thi Happy Việt Nam 2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức. Tháng 4-2025, đội ngũ phát triển dự án “Leng keng tới trường” vinh dự là 1 trong 100 điển hình tiêu biểu trong chương trình “Việc tử tế” của Đài Truyền hình Việt Nam, được Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt, biểu dương.

 

Thời gian tới, anh Huy dự kiến phối hợp với các trường học để xây dựng điểm tiếp nhận xe đạp cố định, vừa mở rộng nguồn lực, vừa giáo dục cho học sinh tinh thần sẻ chia và đồng cảm với những bạn khó khăn hơn mình. Bên cạnh đó, anh tiếp tục hoàn thiện 3 toa tàu còn lại của “Leng keng di sản”, giới thiệu về văn hóa Trúc Bạch, ẩm thực đường phố và tinh hoa gia vị Việt.

Người cán bộ hết lòng vì cộng đồng

Theo anh Nguyễn Dân Huy, một cán bộ quản lý nhà nước không nên chỉ dừng lại ở vai trò ban hành chủ trương, truyền thông theo hình thức. “Quan trọng nhất, mình phải là người trực tiếp làm. Người dân chỉ đồng hành khi họ tin tưởng. Và niềm tin ấy chỉ đến khi họ thấy cán bộ không đứng ngoài cuộc, mà là người bắt đầu, dẫn dắt và xắn tay cùng làm”, Phó chủ tịch UBND phường Ba Đình chia sẻ.

 

Năm 2019, anh thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Kết nối yêu thương”, nhằm kết nối cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn cùng chung tay chăm lo cho trẻ em và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó tới nay, CLB nhận chăm sóc thường xuyên gần 20 em nhỏ và cụ già neo đơn.

Kể từ năm 2019 đến nay, anh Huy luôn nuôi dưỡng 3 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Khi các em đủ 18 tuổi, anh tiếp tục nhận chăm lo cho một trường hợp mới. Không chỉ hỗ trợ chi phí hằng tháng, anh còn dành thời gian quan tâm, động viên, giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống.

 

Dưới nhịp leng keng vọng về từ ký ức, anh Nguyễn Dân Huy không chỉ khơi dậy chiều sâu di sản giữa lòng Hà Nội, mà còn gieo hy vọng nơi rẻo cao bằng những chiếc xe đạp nghĩa tình. Mỗi sáng kiến, mỗi hành động đều bắt nguồn từ sự gắn bó chân thành với nhân dân. Ở người cán bộ ấy, trách nhiệm không nằm trên cương vị, mà hiện hữu trong từng việc làm thiết thực.

TRẦN HẢI LY

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguyen-dan-huy-nguoi-can-bo-tam-huyet-voi-di-san-het-long-vi-cong-dong-836343