Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm. -Ảnh: T.Long
Bức tranh muôn màu về OCOP
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tỉnh Quảng Trị hiện có 373 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao gồm đũa gỗ Quảng Thủy của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy; Khe Sanh Coffee của HTX Nông sản Khe Sanh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe cao cà gai leo của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân; ngoài ra còn có 77 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Chương trình OCOP mở ra một “sân chơi” lớn, minh chứng cho sự đa dạng về tiềm năng, thế mạnh của nông sản, đặc sản các địa phương, vùng miền. Nếu có hướng khai thác phù hợp, hiệu quả sẽ tác động tích cực đến thu nhập, việc làm và đời sống cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng trong và ngoài nước.
Khởi nghiệp từ năm 2018, HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm do chị Nguyễn Thị Giang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc đã tạo lập nên thương hiệu “Dược liệu Thanh Bình” với 9 sản phẩm OCOP cung cấp cho thị trường, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực 4 sao chế biến sâu từ các loại cây dược liệu bản địa như cà gai leo, thìa canh, chè vằng, rau má, lá lốt, gừng, nghệ... Để nâng cao năng suất, sản lượng, HTX không ngừng đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín từ trồng nguyên liệu, sản xuất, đóng gói sản phẩm đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, một trong những thương hiệu mạnh ở tỉnh với các sản phẩm OCOP chuyên về nấm ăn và nấm dược liệu, cây dược liệu. Trong 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao của HTX có 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) quốc gia, 1 sản phẩm CNNTTB khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh thì việc duy trì sản xuất phải gắn liền với xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP. Ngoài nỗ lực của các chủ thể OCOP, cần thiết có định hướng, hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan và hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm... từ đó góp phần lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH MTV An Nông với chuỗi cửa hàng nông sản sạch nhiều năm qua trở thành một địa chỉ phân phối, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty chia sẻ: An Nông cam kết tiếp tục lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tiêu biểu để giới thiệu tới khách hàng. Sản phẩm giới thiệu trong hệ thống cửa hàng An Nông phải là sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã bao bì đẹp, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP này phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Qua 8 năm thực hiện chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP từ hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ; hỗ trợ in ấn bao bì, đăng ký thương hiệu sản phẩm đến xúc tiến thương mại, giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế... Từ đó, góp phần lan tỏa giá trị các sản phẩm OCOP”, Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới, Phó chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ thêm. |
Cần thay đổi tư duy sản xuất
Tỉnh Quảng Trị mới hình thành tạo ra một thị trường lớn hơn cho các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, như: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng; người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn; dây chuyền sản xuất dần trở nên lạc hậu; vùng nguyên liệu bị thu hẹp; nguồn lực lao động chất lượng cao còn thiếu...
Chế biến sản phẩm khoai deo tại Công ty TNHH Linh Huệ, phường Đồng Thuận. -Ảnh: T.Long
Ông Lý Minh Luyến, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Quảng Trị cho biết: “Hiện tại, 50 tổ chức thành viên của hiệp hội liên kết chặt chẽ với nhau, giúp nhau trong sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh phương châm “làm thật, sản xuất thật, tâm thật, hàng thật, sản phẩm thật”, hiệp hội thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX thành viên nhanh chóng thay đổi tư duy nhằm thích nghi môi trường mới, trong đó vấn đề minh bạch về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, đăng ký thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa)... phải được đặt lên hàng đầu”.
Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm Nguyễn Thị Giang bày tỏ: “Khi thị trường mở rộng, HTX đối mặt với một số thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là việc mở rộng vùng nguyên liệu sạch. Hiện tại HTX chỉ mới quy hoạch được vùng nguyên liệu khoảng 12ha, chưa tương xứng với quy mô sản xuất”.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay thay đổi so với trước, chợ truyền thống bị thu hẹp dần; thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử lên ngôi, đòi hỏi các chủ thể OCOP phải thay đổi trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển sang giao dịch điện tử, quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP trên không gian mạng”.
Ngô Thanh Long
Nguồn: https://baoquangtri.vn/san-pham-ocop-san-choi-lon-thach-thuc-nhieu-195631.htm
Bình luận (0)