Singapore không đa dạng về khí hậu, biên độ giao động nhiệt thấp, nhiều mưa, tiết trời nóng ẩm quanh năm nên không lý tưởng để nuôi bò sữa vốn thích hợp với khí hậu ôn đới mát mẻ, khô ráo.
Vì những lý do trên, việc phát triển ngành sữa ở Singapore được cho là tốn kém chi phí, sản lượng thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế. Trên thực tế, Singapore nhập khẩu trên 90% lượng thực phẩm tiêu thụ nội địa nói chung cũng như sữa và sản phẩm sữa nói riêng.
Theo kết quả tính toán dựa trên nguồn số liệu thương mại của UNComtrade có thể thấy trong giai đoạn 2019-2023, Singapore nhập khẩu trung bình 300 nghìn tấn sữa và sản phẩm sữa mỗi năm (tương đương khoảng 900 triệu USD/năm về giá trị), trong đó lượng tiêu thụ nội địa ước đạt khoảng 245 nghìn tấn/năm (tương đương khoảng 670 triệu USD/năm), còn lại là tái xuất tới các thị trường khác.
Với chính sách đa dạng hóa nguồn cung, Singapore hiện đạng nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ nhiều quốc gia, trong đó có: Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan và một số nước châu Âu.
Đồng thời, Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực nên Singapore cũng tái xuất sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu đến nhiều thị trường, trong đó có: Nhật Bản, Bangladesh, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, UAE, v.v.
Về chủng loại sữa và sản phẩm sữa được nhập khẩu vào thị trường Singapore trong giai đoạn 2019-2023, Top 3 bao gồm:
Nhóm 040221 (Sữa và kem sữa ở dạng rắn, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo ữa trên 1,5%) liên tục là nhóm có giá trị nhập khẩu vào Singapore cao nhất, đạt trung bình khoảng 190 triệu USD/năm.
Nhóm 040210 (Sữa và kem sữa ở dạng rắn, có hàm lượng chất béo sữa tối đa 1,5%) có giá trị nhập khẩu trung bình đạt khoảng 177 triệu USD/năm.
Nhóm 040120 (Sữa và kem sữa không cô đặc, không thêm đường, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1% đến tối đa 6%) có giá trị nhập khẩu trung bình trên 100 triệu USD/năm.
Ở chiều xuất khẩu, đối với sữa và sản phẩm sữa, trong giai đoạn 2019-2023, xuất khẩu của Singapore nổi bật có Nhóm 040221 (Sữa và kem sữa ở dạng rắn, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1,5%) là có giá trị xuất khẩu trung bình hàng đạt trên 120 triệu USD/năm. Các nhóm khác có giá trị xuất khẩu trung bình đều dưới 20 triệu USD/năm. Như vậy có thể thấy, ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, Nhóm 040221 là nhóm hàng có tiềm năng nhất trong thương mại sữa và sản phẩm sữa với Singapore.
Các quy định, tiêu chuẩn về sữa (bao gồm cả quy định về việc sử dụng sữa hoàn nguyên, nhãn mác,…)
Quy định chung về nhãn mác:
Theo Luật Quản lý thực phẩm của Singapore (Singapore Food Regulations) được sửa đổi, bổ sung lần gần nhất trong tháng 01/2025 bởi Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (Singapore Food Agency – SFA)[1], các quy định liên quan đến nhãn mác của sữa và sản phẩm từ sữa gồm có:
Yêu cầu ghi nhãn bắt buộc:
Các thực phẩm đóng gói, bao gồm sữa và sản phẩm từ sữa, phải có nhãn với thông tin rõ ràng, dễ đọc, bằng tiếng Anh.
Phải ghi tên thông thường của sản phẩm, danh sách thành phần (với thành phần nhiều nhất xếp trước), định lượng tịnh, tên và địa chỉ nhà sản xuất/nhập khẩu, và nước xuất xứ. Từ ngày 30/01/2026, phải có thêm số nhận dạng lô sản xuất.
Với sữa và sản phẩm từ sữa, nếu có chứa lactose thì phải ghi chú rõ trên nhãn là “milk and milk products (including lactose)”. Từ ngày 30/01/2026, việc ghi thành phần có khả năng gây dị ứng trên bao bì cũng sẽ trở thành quy định bắt buộc. Đồng thời, sản phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học và có chứa dị nguyên thì cũng phải ghi rõ dị nguyên đó.
Mặc dù vậy, từ ngày 30/01/2026, các thực phẩm đóng gói có diện tích bề mặt <10cm² được phép không hiển thị đầy đủ các nội dung theo quy định nếu thông tin đó được cung cấp đầy đủ cho người mua hàng bằng tài liệu giấy hoặc trên website.
Thông tin dinh dưỡng và tuyên bố dinh dưỡng:
Nếu ghi nhãn có tuyên bố dinh dưỡng thì bắt buộc phải có bảng thông tin dinh dưỡng theo mẫu quy định[2].
Đối với các tuyên bố như là “nguồn năng lượng” hay “nguồn protein tuyệt vời”, thì ngoài việc trên bảng thông tin dinh dưỡng phải ghi chú mức dinh dưỡng cụ thể (về năng lượng, hàm lượng protein, và phần trăm calo từ protein), còn cần ghi chú cụ thể về lượng tiêu thụ hằng ngày (tối thiểu 300kcal nếu là “nguồn năng lượng” hoặc tối thiểu 10g protein nếu là “nguồn protein tuyệt vời”).
Nếu sữa ở dạng bột hoặc sữa đặc, cần ghi rõ định lượng dùng để tính hàm lượng dinh dưỡng[3]. Ví dụ: Sữa bột có lượng tham chiếu để tính hàm lượng vitamin/khoáng chất là 60g; Sữa bột mạch nha là 30g; Sữa đặc là 180g.
Ngoài ra, các loại sữa hay sản phẩm sữa, nếu có thêm vitamin A, vitamin D hoặc khoáng chất thì việc bổ sung đó không được làm tăng hàm lượng vitamin A lên quá 750 mcg hoạt tính retinol theo lượng tham chiếu theo quy định, cũng không được làm tăng hàm lượng vitamin D lên quá 10 mcg cholecalciferol, hoặc bất kỳ khoáng chất nào lên quá 3 lần lượng cho phép hàng ngày.
Quy định cấm/hạn chế trong quảng cáo, ghi nhãn:
Không được đưa ra tuyên bố sai lệch, gây hiểu nhầm hoặc mang tính y tế. Ví dụ: sữa giúp ngăn ngừa bệnh.
Các từ như “nguyên chất” hoặc “hữu cơ” chỉ được sử dụng nếu có bằng chứng rõ ràng và được chứng nhận theo hệ thống được chấp thuận.
Không được quảng cáo, ghi nhãn là thực phẩm “bổ sung vitamin” hay “khoáng chất” nếu thực tế sản phẩm chỉ chứa không quá 1/6 các chất này trong lượng dùng hàng ngày.
Không được ghi nhãn rằng thực phẩm được “tăng cường”, “bổ sung”, “làm giàu” hoặc ám chỉ rằng sản phẩm là “nguồn tuyệt vời” của các chất dinh dưỡng nếu thực tế sản phẩm chỉ chứa không quá 50% các chất này trong lượng dùng hàng ngày.
Ghi hạn sử dụng và ngày sản xuất: Sữa và sản phẩm từ sữa phải ghi rõ “ngày hết hạn” hoặc “ngày sử dụng tốt nhất” và một số thông tin khác tùy theo chủng loại sản phẩm (theo nội dung ngay sau đây).
Phân loại sản phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật:
Singapore có sự phân loại cụ thể về sữa và các sản phẩm của sữa theo tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định tại các Điều từ 93-129 của Luật Quản lý thực phẩm của Singapore, cụ thể như sau:
Sữa tươi/nguyên liệu (Raw milk/Fresh milk):
Sữa tươi/nguyên liệu: phải có hàm lượng chất khô không béo từ 8,5% trở lên và chất béo sữa từ 3,25% trở lên, đồng thời không được thêm nước, sữa đặc/sấy khô/hoàn nguyên/gầy, phẩm màu hoặc bất kỳ chất nào khác.
Sữa tươi/nguyên liệu là nhóm hàng cấm kinh doanh (cấm nhập khẩu, bán hoặc quảng cáo) tại Singapore.
Sữa tiệt trùng (Pasteurised milk):
Sữa tiệt trùng: có nhiệt độ xử lý từ 62,8-65,6°C trong từ 30 phút trở lên, hoặc từ 72-73,5°C trong từ 15 giây trở đên và làm lạnh ngay xuống không quá 4,4°C và được đóng gói vô trùng.
Sữa tiệt trùng phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa UHT:
Sữa UHT, còn gọi là Sữa tươi tiệt trùng được xử lý theo công nghệ nhiệt độ siêu cao: được xử lý ở nhiệt độ từ 135°C trở lên trong từ 02 giây trở lên và được đóng gói vô trùng.
Sữa UHT phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa tiệt trùng (Sterilised milk):
Sữa tiệt trùng: phải được gia nhiệt từ 100°C trở lên và đủ lâu để tiêu diệt vi sinh vật, và phải được đóng kín tuyệt đối.
Sữa tiệt trùng, trừ loại đóng hộp, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa đồng nhất (Homogenised milk):
Sữa đồng nhất: là sữa đã được xử lý bằng nhiệt và được chế biến theo cách phá vỡ các hạt bơ và khiến chúng phân bố đều khắp sữa.
Sữa đồng nhất chỉ được chứa các chất ổn định được phép.
Sữa đồng nhất, trừ loại đóng hộp, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa hoàn nguyên/tái tổ hợp (Reconstituted milk/Recombined milk):
Sữa hoàn nguyên/tái tổ hợp: được pha từ chất sữa với nước, hoặc với sữa nguyên liệu hoặc cả hai, phải có hàm lượng chất khô không béo từ 8,5% trở lên và chất béo sữa từ 3,25% trở lên.
Trên nhãn phải ghi rõ là “Sữa hoàn nguyên” hoặc “Sữa tái tổ hợp”.
Sữa hoàn nguyên/tái tổ hợp, trừ loại đóng hộp, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa đặc không đường (Evaporated milk/Unsweetened Condensed milk):
Sữa đặc không đường: phải có hàm lượng chất khô không béo từ 28% trở lên và chất béo sữa từ 8% trở lên.
Sữa đặc không đường có thể được cho thêm muối natri, kali, canxi của các axit citric, cacbonic, orthophosphoric, phosphoric, vitamin và các chất ổn định được phép.
Sữa đặc có đường (Sweetened condensed milk):
Sữa đặc có đường: có hàm lượng chất khô không béo và chất béo sữa tương tự như sữa đặc không đường (nêu trên) và có thể có thêm đường và vitamin nhưng lượng natri hexametaphosphate không được vượt quá 2000 ppm.
Sữa bột (Dried milk):
Sữa bột hay sữa bột nguyên kem (có thể có nhiều tên khác như: Milk powder/Dried whole milk/Dried full cream milk/Full cream milk powder): có hàm lượng chất béo sữa từ 26% trở lên và độ ẩm không quá 5%.
Sữa bột có thể có thêm vitamin và các chất nhũ hóa được phép.
Nhãn của sữa bột phải theo quy định khắt khe hơn[5], trong đó quan trọng nhất là việc phải ghi tên gọi cụ thể của sữa (như: Milk powder/Dried whole milk/Dried full cream milk/Full cream milk powder), đồng thời phải ghi tổng thể tích tương đương khi pha ra ở đơn vị lít (This tin/receptacle contains the equivalent of ... litres of milk).
Sữa bột bán kem (Dried half cream milk):
Sữa bột bán kem: là sữa ở dạng bột hoặc dạng rắn, còn lại sau khi tách nước và một phần chất béo sữa ra khỏi sữa hoặc kem, có hàm lượng chất béo sữa từ 14% trở lên và độ ẩm không quá 5%.
Sữa bột bán kem không được có thêm thành phần nào khác ngoài vitamin.
Nhãn của sữa bột bán kem cũng phải theo quy định tương tự đối với Nhãn của sữa bột, trong đó trong đó quan trọng nhất là việc phải ghi tên gọi cụ thể của sữa (là dried half cream milk), đồng thời phải ghi tổng thể tích tương đương khi pha ra ở đơn vị lít.
Thêm vào đó, Nhãn của sữa bột bán kem còn phải có thêm dòng “Đảm bảo 14% bơ sữa” (Guaranteed 14% butter fat).
Sữa gầy (Skimmed milk/Separated milk/Defatted milk):
Sữa gầy: khi ở dạng bột không được chứa quá 0,5% chất béo sữa và khi được pha ra thì phải chứa từ 9% chất khô trở lên.
Nhãn của sữa gầy cũng phải theo quy định tương tự đối với Nhãn của sữa bột, trong đó: phải được ghi rõ tên gọi tương ứng với dạng của sữa (dạng bột phải ghi là skimmed milk powder, dạng lỏng phải ghi là skimmed milk), và đều phải có dòng “Không phù hợp cho trẻ nhỏ” (unfit/unsuitable for babies/infants), đồng thời nếu sữa gầy ở dạng bột thì phải ghi tổng thể tích tương đương khi pha ra ở đơn vị lít.
Sữa pha béo (Filled milk):
Sữa pha béo: là bất kỳ loại sữa, kem hoặc sữa gầy nào, có hoặc không cô đặc/dạng bột/sấy khô/được pha trộn hoặc kết hợp với bất kỳ chất béo sữa hoặc dầu nào khác ngoài chất béo sữa, để sản phẩm thu được là sản phẩm bắt chước hoặc giống với sữa hoặc sản phẩm từ sữa.
Nhãn của sữa pha béo cũng phải theo quy định tương tự đối với Nhãn của sữa bột, trong đó: phải được ghi rõ tên gọi tương ứng với dạng của sữa (dạng khô phải ghi là Dried filled milk, dạng lỏng phải ghi là Filled milk), và đều phải có dòng “Không phù hợp cho trẻ nhỏ” (Unfit/unsuitable for babies/infants), đồng thời nếu sữa pha béo ở dạng khô thì phải ghi tổng thể tích tương đương khi pha ra ở đơn vị lít.
Thêm vào đó, sữa pha béo ở dạng lỏng, trừ loại đóng hộp, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa có hương vị (Flavoured milk):
Sữa có hương vị: là sữa ở dạng lỏng được làm từ sữa nguyên chất, sữa bột, sữa gầy hoặc sữa bột gầy, có chứa chất tạo hương vị. Sữa có hương vị có thể chứa muối, chất tạo ngọt bao gồm chất tạo ngọt được phép[6], chất tạo màu được phép[7] và chất ổn định được phép và phải chứa không từ 2% chất béo sữa trở lên.
Nhãn của sữa có hương vị phải có dòng chữ “Sữa có hương vị” được đặt ngay trước hoặc sau tên của hương vị. Từ “Có hương vị” (Flavoured) và tên của hương vị phải đảm báo có cỡ chữ tối thiểu bằng cỡ chữ và cùng màu với chữ cái của từ “sữa”.
Thêm vào đó, sữa có hương vị, trừ loại đóng hộp, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa lên men (Lactobacillus milk drink/Cultured milk):
Sữa lên men: là sữa dạng lỏng được tạo ra bằng phương pháp lên men sữa tiệt trùng, trong đó một phần chất béo sữa có thể được loại bỏ và nước có thể được thêm vào cùng với các vi khuẩn để sản xuất axit lactic. Sữa lên men có thể chứa các chất tạo màu và hương liệu được phép nhưng phải có hàm lượng chất khô không béo từ 3% trở lên.
Nhãn của sữa uống lên men phải có dòng chữ “Sữa lactic” or “sữa lên men”, đồng thời phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa bột mạch nha (Malted milk powder):
Sữa bột mạch nha: là sữa ở dạng bột được tạo ra bằng cách kết hợp sữa với chất lỏng tách ra từ hỗn hợp mạch nha lúa mạch xay và tinh bột, có hoặc không thêm muối, natri bicarbonate hoặc kali bicarbonate, nhằm đảm bảo hoạt động của enzyme tự do của chiết xuất mạch nha. Sữa bột mạch nha phải được loại bỏ nước, và phải chứa hàm lượng chất béo sữa tối thiểu 7,5% và độ ẩm không quá 3,5%.
Sữa bột mạch nha có thể chứa các chất tạo hương vị được phép.
Kem sữa (Cream):
Kem sữa: là một thành phần của sữa mà trong đó phần lớn chất béo sữa đã được cô đặc. Kem sữa phải có hàm lượng chất béo sữa trên 35% và không được có thêm chất nào khác.
Kem sữa, trừ loại đóng hộp tiệt trùng, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Kem sữa đồng nhất (Homogenised cream):
Kem sữa đồng nhất: là kem sữa được xử lý nhiệt để phá vỡ và phân bố lại các giọt chất béo sữa bơ đều khắp sữa thay vì nổi lên bề mặt. Kem sữa đồng nhất chỉ được chứa các chất nhũ hóa và chất ổn định được phép.
Cũng giống như kem sữa, kem sữa đồng nhất, trừ loại đóng hộp tiệt trùng, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Kem sữa hoàn nguyên (Reconstituted cream/Recombined cream):
Kem sữa hoàn nguyên: là sản phẩm được tổng hợp từ các chất thành phần sữa với nước hoặc sữa hoặc cả hai. Cũng giống như kem sữa, kem sữa hoàn nguyên phải có hàm lượng chất béo sữa trên 35% và không được có thêm chất nào khác.
Nhãn của Kem sữa hoàn nguyên phải có dòng chữ “Kem sữa hoàn nguyên”, trong đó từ “hoàn nguyên” phải đảm báo có cỡ chữ tối thiểu bằng cỡ chữ và cùng màu với chữ cái của từ “kem sữa”.
Kem sữa hoàn nguyên, trừ loại đóng hộp tiệt trùng, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Kem sữa đặc (Thickened cream):
Kem sữa đặc: là kem sữa đã được xử lý nhiệt, có hoặc không thêm đường, chất nhũ hóa và chất ổn định được phép, sucrate vôi hoặc rennet và chứa gelatin ăn được.
Kem sữa đặc, trừ loại đóng hộp tiệt trùng, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Kem sữa giảm béo (Reduced cream):
Kem sữa giảm béo: phải có hàm lượng chất béo sữa từ 18% đến không quá 35%.
Kem sữa giảm béo, trừ loại đóng hộp tiệt trùng, phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Kem sữa chua (Sour Cream):
Kem sữa chua: là các loại kem sau khi được tiệt trùng thì được lên men bằng vi khuẩn acid lactic để tạo vị chua.
Kem sữa chua phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Bơ (Butter):
Bơ: là sản phẩm béo có nguồn gốc hoàn toàn từ sữa, các sản phẩm thu được từ sữa hoặc cả hai và chủ yếu ở dạng nhũ tương của nước trong dầu. Bơ cần có hàm lượng chất béo sữa từ 80% trở lên, hàm lượng nước không quá 16%, và chất không béo không quá 2%.
Bơ chỉ được có thêm muối, phẩm màu thực phẩm, vi khuẩn axit lactic, vi khuẩn tạo màu không gây nguy hại, nước và các chất được phép.
Phô mai nói chung (Cheese):
Phô mai là sản phẩm rắn hoặc bán rắn thu được bằng cách đông tụ casein của sữa, sữa tách kem, kem hoặc bất kỳ hỗn hợp nào giữa chúng với rennet, pepsin hoặc axit.
Phô mai có thể chứa men chín, vi khuẩn tạo axit vô hại, nấm mốc đặc biệt, gia vị, lysozyme hoặc chất tạo hương vị được phép, chất chống đóng bánh, chất tạo màu hoặc chất bảo quản hóa học nhưng không được chứa bất kỳ chất béo sữa nào khác ngoài chất béo sữa.
Đối với Phô mai, Natamycin chỉ được dùng ngoài vỏ với hàm lượng không được vượt quá 1 mg/dm², và không được thấm sâu quá 5mm tính từ bề mặt. Natamycin cũng không được dùng kèm với axit sorbic.
Phô mai Cheddar (Cheddar cheese):
Phô mai Cheddar: phải có hàm lượng chất khô không béo từ 48% trở lên và độ ẩm không quá 39%.
Phô mai khuyết danh (Unnamed cheese):
Phô mai khuyết danh: có thể được bán không theo tên gọi hoặc phân loại nhưng cũng phải có hàm lượng chất khô không béo từ 48% trở lên và độ ẩm không quá 39%.
Phô mai kem sữa (Cream cheese):
Phô mai kem sữa: được làm từ kem sữa hoặc từ sữa đã được thêm kem, trong đó hàm lượng chất béo sữa phải từ 65% trở lên và độ ẩm không được vượt quá 55%.
Phô mai nghiền/nhũ hóa (Processed cheese/Emulsified cheese):
Phô mai nghiền/nhũ hóa: là loại được nghiền, nhũ hóa và tiệt trùng có độ ẩm không quá 45%, hàm lượng muối nhũ hóa không quá 3% và chất béo sữa từ 45% trở lên.
Phô mai phết/dạng sệt (Cheese spread/Cheese paste):
Phô mai phết/dạng sệt là phô mai đã được tiệt trùng, có độ ẩm không quá 60%, hàm lượng muối nhũ hóa không quá 3% và chất béo sữa từ 45% trở lên.
Sữa chua (Yoghurt):
Sữa chua: được làm bằng cách lên men sữa tiệt trùng mà trước khi tiệt trùng có loại bỏ một phần chất béo sữa hoặc thêm sữa đặc/chất khô không béo, với sự hiện diện của vi khuẩn Lactobacillus bulgaricus và một hoặc nhiều loại vi khuẩn sau đây: Streptococcus thermophilus, Lactobacillus acidophilus, Bacterium yoghurtii.
Sữa chua có thể chứa đường và chất tạo màu và chất tạo hương được phép, và phải chứa tối thiểu 8,5% chất khô không béo.
Sữa chua có thể bao gồm các loại cơ bản là sữa chua ít béo – chứa tối thiểu 2% chất béo sữa; sữa chua giảm béo – chứa tối thiểu 2% chất béo sữa; sữa chua không béo – chứa tối thiểu 0,5% chất béo sữa; và sữa chua gầy – chứa tối thiểu 0,5% chất béo sữa. Sữa chua không thuộc các loại cơ bản trên thì phải chứa tối thiểu 3,25% chất béo sữa.
Sữa chua cũng phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Sữa chua trái cây (Fruit yohurt):
Sữa chua trái cây: là sữa chua được trộn với trái cây, thịt trái cây, trái cây thái lát hoặc nước trái cây, có hoặc không có đường, chất bảo quản được phép hoặc chất tạo màu được phép.
Sữa chua trái cây phải chứa tối thiểu 8,5% chất khô không béo, tối thiểu 1% chất béo sữa, và tối thiểu 5% trái cây hoặc nước trái cây.
Sữa chua trái cây cũng phải được ghi ngày sử dụng tốt nhất.
Bơ thanh lọc/Bơ lạt (Ghee/Ghi):
Bơ thanh lọc/Bơ lạt: là chất béo tinh khiết thu được từ quá trình khử nước và chất khô không béo từ bơ hoặc kem sữa. Bơ thanh lọc/Bơ lạt phải đảm bảo có độ ẩm không quá 0,3%, hàm lượng axit béo tự do (tính theo đơn vị oleic acid) không quá 3%, giá trị Reichert tối thiểu 23,5%, giá trị Polenske trong ngưỡng từ 1,5-4, và số butyro trong ngưỡng từ 42-45 (ở 40°C).
Bơ thanh lọc/Bơ lạt chỉ được chứa thêm axit citric hoặc chất chống oxy hóa được phép theo mô tả và tỷ lệ theo quy định[8].
Các từ “Bơ thanh lọc” hay “Bơ lạt” (Ghee hoặc Ghi), dù viết riêng lẻ hay kết hợp với các từ khác, đều không được sử dụng trên bất kỳ nhãn hàng hay mô tả của mặt hàng nào khác trừ mặt hàng Bơ thanh lọc/Bơ lạt đã được định nghĩa.
Kem sữa lạnh (Ice-cream):
Kem sữa lạnh: là chế phẩm đông lạnh từ sữa hoặc kem sữa hoặc các sản phẩm từ sữa trong đó một phần hoặc toàn bộ chất béo sữa có thể được thay thế bằng chất béo hoặc dầu ăn khác, có hoặc không thêm đường.
Kem sữa lạnh phải chứa hàm lượng chất béo tối thiểu 5% và chất khô không béo tối thiểu 7,5%.
Kem sữa lạnh thực phẩm (Dairy ice-cream/Full cream-ice/Dairy cream-ice)
Kem sữa lạnh thực phẩm: là chế phẩm đông lạnh từ sữa hoặc kem hoặc các sản phẩm từ sữa có hoặc không thêm đường.
Kem sữa lạnh thực phẩm phải chứa hàm lượng chất béo tối thiểu 10% và chất khô không béo tối thiểu 7,5%.
Sữa lạnh (Milk ice):
Sữa lạnh: được định nghĩa là thực phẩm đông lạnh chứa hàm lượng chất béo tối thiểu 2,5% và chất khô không béo tối thiểu 7%.
Tráng miệng đông lạnh (Frozen Confections):
Tráng miệng đông lạnh: là chế phẩm đông lạnh từ nước và một hoặc nhiều loại thực phẩm không gây nguy hại bao gồm chất khô không béo, cùi trái cây, nước ép trái cây, các loại hạt hoặc đậu, có hoặc không thêm đường, chất tạo hương vị/chất tạo màu/chất ổn định được phép.
Tráng miệng đông lạnh có thể bao gồm các loại nước đá, kem sữa đá, kem que.
Quy định trong quản lý nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa
Ngoài quy định tại Luật Quản lý thực phẩm (Singapore Food Regulations), việc quản lý nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Singapore còn được điều chỉnh tại Đạo luật Thương mại thực phẩm (Sale of Food Act 1973)[9], được sửa đổi bổ sung lần gần nhất trong năm 2020 và có hiệu lực từ 31/12/2021, đồng thời theo một số quy định thuộc thẩm quyền của SFA. Trong đó, có các điểm đáng chú ý như sau:
Cấm nhập khẩu sữa tươi nguyên chất (Raw milk/Fresh milk) như đã nêu trên.
Từ ngày 20/04/2021, miễn trừ kiểm tra hành chính đối với phô mai chế biến có độ ẩm không quá 50% (mức này trước đó là 45% nhưng được SFA nâng lên).
Chỉ có đơn vị được cấp phép nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa mới được bán thương mại nhóm hàng này tại thị trường nội địa và mỗi lô hàng cũng phải có giấy phép nhập khẩu riêng.
Sữa nước tiệt trùng (Pasteurised liquid milk) được xếp vào danh mục thực phẩm chế biến rủi ro cao (high risk processed food) trong Chương trình Quản lý nguồn gốc (Regulated Source Programme) của SFA[10]. Do đó, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thông thường, các lô hàng sữa nước tiệt trùng nhập khẩu có thể sẽ được yêu cầu cung cấp thêm một số trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận nhà máy/Giấy chứng nhận xuất khẩu/Giấy chứng nhận sức khỏe (do cơ quan hữu quan của nước xuất khẩu cấp), Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm (như HACCP, GMC, v.v.)
Thêm vào đó, trong năm 2025, Đạo luật An toàn và An ninh thực phẩm (Food Safety and Security Act 2025)[11] đã được trình dự thảo lên Tổng thống Singapore trong tháng 02/2025 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2028. Nếu Đạo luật này có hiệu lực, sẽ có một số quy định mới trong quản lý nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Singapore được áp dụng như sau:
Áp dụng hệ thống cấp phép hai cấp độ cho nhập khẩu thực phẩm (kể cả sữa và sản phẩm từ sữa), gồm có: Giấy phép nhập khẩu (có thời hạn tối đa 5 năm) đối với nhà nhập khẩu; và Giấy phép nhập khẩu cho từng lô hàng.
Yêu cầu giữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc chi tiết (bao gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, nhà phân phối) và yêu cầu nhà sản xuất phải có quy trình thu hồi sản phẩm (product recall), trong đó phải thông báo cho SFA trong vòng 24 giờ nếu đưa ra quyết định thu hồi sản phẩm.
Tình hình nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam
Theo số liệu của UN Comtrade, trong giai đoạn 2019-2023, Singapore nhập khẩu trung bình khoảng 2,5 triệu USD/năm giá trị (tương đương khoảng 344 tần/năm) sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Singapore cũng xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa sang Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 7,4 triệu USD/năm (tương đương khoảng 2,1 nghìn tấn).
Tuy vậy, nhìn chung thương mại song phương về sữa và sản phẩm sữa giữa Singapore và Việt Nam chưa thực sự cho thấy sự ổn định. Trong khi xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam có xu hướng giảm dần trong cả giá trị và khối lượng thì nhập khẩu từ Việt Nam đang tạm duy trì được về giá trị nhưng cũng đang giảm dần về khối lượng.
Về chủng loại, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu của Singapore đối với sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam nổi lên Nhóm 040630 (Phô mai đã chế biến trừ Phô mai dạng bào/dạng bột) đạt giá trị vượt trội, trên 2,3 triệu USD/năm. Ngoài nhóm này, hiện chỉ có 03 nhóm khác có kim ngạch trên 10 nghìn USD và đáng kể là Nhóm 040490 (Các sản phẩm khác có thành phần sữa tự nhiên n.e.s.), Nhóm 040120 (Sữa và kem sữa không cô đặc, không thêm đường, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1% đến tối đa 6%) và Nhóm 040299 (Sữa và kem sữa ở dạng khác, có thêm chất tạo ngọt). Do vậy, Nhóm 040630 có thể được xem là nhóm có tiềm năng nhất để phát triển, trên cơ sở nhóm này cũng thuộc Top 4 các sản phẩm sữa xuất khẩu của Singapore ra thế giới và hiện Việt Nam đang là nhà cung ứng Nhóm 040630 đứng thứ 7 cho thị trường Singapore (chỉ sau 06 đối tác lớn là Australia, New Zealand, Pháp, Italy, Hoa Kỳ, Anh).
Số liệu cũng cho thấy Nhóm 040221 (Sữa và kem sữa ở dạng rắn, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo ữa trên 1,5%) là nhóm mà Singapore trao đổi chính với thế giới, thì gần như không nhập khẩu nhóm này từ Việt Nam, mà lại xuất nhóm này sang Việt Nam với giá trị năm 2023 đạt trên 2,3 triệu USD, đã chiếm đến hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Singapore sang Việt Nam trong năm 2023 (4,2 triệu USD).
Thương vụ Việt Nam tại Singapoe cho biết thêm, Singapore là thị trường có tiêu chuẩn cao, tuy không phát triển ngành công nghiệp sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa, Singapore có các quy định quản lý chất lượng mặt hàng sữa và sản phẩm sữa rất rõ ràng, chặt chẽ.
Thị trường Singapore là thị trường nhỏ và có sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn tới từ các nước có ngành sản xuất sữa và sản phẩm sữa mạnh và lâu năm như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Hà Lan, v.v., Bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về thành phần, về ghi nhãn sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến các yêu cầu khác, như các giấy chứng nhận quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm (như ISO, HACCP, Organic USDA/EU, Halal.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/quan-ly-chat-luong-nganh-sua-cua-singapore.html
Bình luận (0)