Cơ hội cho gạo Việt
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt hơn 20,24 tỷ USD, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 10,52 tỷ USD, tăng 10,69% so với cùng kỳ năm 2025; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt hơn 9,68 tỷ USD, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2024. 5 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản là 886,08 triệu USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Nhật là: Dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, cà phê, rau quả, hạt điều... Ngược lại nhập khẩu về: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, vải các loại...
Đánh giá về dư địa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, cùng với hàng điện tử, dệt may, thủy hải sản... gạo cũng là mặt hàng tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật.
Ông Minh cho biết, hiện nay thị trường gạo Nhật Bản đang có nhiều biến động. Giá gạo liên tục tăng cao có lúc vượt mốc 4.200 Yên/5 kg, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo tại Nhật tăng cao chính là cơ hội cho gạo Việt Nam.
“Gạo Việt Nam trước đây chưa vào thị trường Nhật Bản nhiều do những quy định về đấu thầu gạo và những thách thức đến từ thương mại gạo ở Nhật. Cùng với đó, thuế nhập khẩu gạo tại Nhật ở mức rất cao (341 Yên/kg).
Nhưng gần đây giá gạo tại Nhật Bản tăng cao, vì vậy cơ hội cho gạo Việt Nam có thể nhập khẩu theo hình thức ngoài hạn ngạch. Với hình thức ngoài hạn ngạch thì dù có trả mức thuế 341 Yen/kg, cộng thêm chi phí thì doanh nghiệp nhập khẩu vẫn có giá bán tốt ra thị trường” - ông Minh chia sẻ.
Thông tin thêm về thị phần gạo Việt Nam tại Nhật, Tham tán Tạ Đức Minh cho biết, năm 2023 Nhật Bản nhập khoảng 250 tấn gạo từ Việt Nam chiếm thị phần khoảng 0,05%. Năm 2024, Việt Nam đã xuất sang Nhật Bản khoảng 2.500 tấn gạo - đây là con số ấn tượng, tương đương khoảng 0,7% thị phần trong tổng gạo nhập khẩu của Nhật.
Hiện nay, thị trường Nhật Bản đang ưa chuộng gạo ST25 của Việt Nam - sản phẩm được nhận giải thưởng gạo ngon nhất thế giới. Ngoài ra, do thói quen tiêu dùng, người Nhật thích dùng gạo Japonica và Việt Nam cũng trồng được. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật quan tâm đến gạo lứt, gạo tám thơm... bởi nhu cầu sử dụng của người Việt Nam tại Nhật.
Để chinh phục thị trường Nhật, gạo Việt Nam cần tuân thủ quy định về kiểm dịch, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ tiêu về vùng trồng, chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lưu lượng về các chất nông dược, độ bóng và độ ẩm của gạo, gạo nguyên hạt hay gạo vỡ... và gần đây nhất, gạo Việt Nam cần đáp ứng thêm chỉ tiêu trồng theo phương thức phát thải thấp.
Lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam tại Nhật
Chia sẻ về cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vào thị trường Nhật, ông Minh cho biết, gạo Nhật Bản bán trên thị trường đang được chia thành 2 mức giá đối với gạo cũ và gạo mới. Giá gạo cũ có thể giảm, nhưng giá gạo mới không giảm. Trong khi đó, gạo Việt Nam xuất sang Nhật đều là gạo mới, như vậy mức giá bán ra tại Nhật ngang bằng với giá gạo mới.
Chưa kể, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Nhật đã lên tới 600.000 người và đa số họ sử dụng gạo sản xuất từ Việt Nam. Ngoài ra giá gạo của Việt Nam sản xuất trong nội địa Việt Nam có giá thành hấp dẫn hơn so với nhiều thị trường trên thế giới. Cùng với đó, gạo Việt Nam có thể sản xuất 1 năm 3 vụ, giúp tăng sản lượng, giá thành hấp dẫn, dễ cạnh tranh.
Cùng với lợi thế về giá, Tham tán Tạ Đức Minh cho rằng, các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định CPTPP hay RCEP mà hai nước Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên đã và đang mang đến những lợi ích thuế quan rõ ràng hơn so với các thị trường không có FTA với Nhật.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Gạo Việt Nam vẫn thiếu vùng trồng lớn để sản xuất ra lượng gạo ổn định; chưa có kho lưu trữ gạo đủ lớn, logistics vận chuyển còn hạn chế. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát tốt dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...
Để tăng lượng gạo xuất khẩu sang Nhật cần phải nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến hạt gạo. “Giới khoa học, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam để đưa công nghệ của Nhật Bản áp dụng vào quá trình trồng, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần tăng giá trị hạt gạo, giá bán cũng sẽ cao hơn” - ông Minh chia sẻ.
Ngoài ra, để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, không chỉ là chất lượng, doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu, đóng gói bao bì... để hấp dẫn người tiêu dùng Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản ưa chuộng sản phẩm có khối lượng nhỏ, vì vậy, cần chia nhỏ sản phẩm để phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Nhật.
Trong xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần gắn sản phẩm với câu chuyện, đó có thể là thông điệp mà chủ thể muốn truyền tải phần giá trị cốt lõi đến với khách hàng.
“Một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất vào chúng. Đó có thể là những câu chuyện về các giá trị văn hóa đặc trưng hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm, quá trình hình thành và phương châm hoạt động của doanh nghiệp” - Tham tán Tạ Đức Minh khuyến nghị.
Như vậy, với những lợi thế về chất lượng, giá cả và các ưu đãi từ các hiệp định thương mại, gạo Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu và câu chuyện giá trị sản phẩm để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường này.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/gia-gao-tai-nhat-ban-tang-co-hoi-cho-hang-viet-3365948.html
Bình luận (0)