Kinh tế Việt Nam khởi sắc
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 từ 6% lên 6,9%, sau khi kinh tế quý II tăng vượt kỳ vọng và các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ đạt kết quả tích cực.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP quý II tăng 7,96%, vượt xa mức dự báo của Bloomberg (6,85%) và UOB (6,1%). Nhờ đó, tăng trưởng 6 tháng qua đạt 7,52%, mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu năm 2011.
UOB nhận định, xuất khẩu tăng mạnh trước thời điểm Mỹ áp thuế là động lực chính giúp kinh tế bứt tốc, với kim ngạch nửa đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ. Sau kết quả đàm phán thương mại thuận lợi với Mỹ, ngân hàng này cho rằng "giai đoạn căng thẳng nhất đã qua" và dự báo xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng vừa phải.
Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ được dự báo tăng 5%, thấp hơn mức tăng 23% của năm 2024 nhưng cao hơn nhiều so với mức giảm 20% trong ước tính trước đó. Với các thị trường khác, mức tăng kỳ vọng là 10%, gần tương đương năm 2024 (11,3%). Tính chung, xuất khẩu năm 2025 có thể tăng 8,5%, thấp hơn so với mức 14% năm trước.
Dựa trên các yếu tố này cùng tác động tích cực từ sản xuất và dòng vốn FDI, UOB điều chỉnh mô hình dự báo, nâng tăng trưởng GDP Việt Nam thêm 0,9 điểm phần trăm.
UOB hiện dự báo GDP quý III và IV tăng khoảng 6,4%, FDI giải ngân cả năm đạt khoảng 20 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là tăng trưởng trên 8%. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam vẫn "lội ngược dòng, đạt kết quả tích cực", và việc đạt mức tăng tối thiểu 8% trong 6 tháng cuối năm là khả thi.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có cái nhìn thận trọng hơn. Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 công bố giữa tháng 6, tổ chức này nhận định Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài hạn quan trọng.
Theo OECD, Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, nước này dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại leo thang và sự bất định chính sách là những rủi ro lớn có thể làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam.
OECD đánh giá kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng sau đại dịch, với GDP tăng 7,1% trong năm 2024, vượt mục tiêu đề ra. Động lực chính đến từ tiêu dùng trong nước ổn định, khi chi tiêu hộ gia đình tăng 6,7% nhờ thu nhập và việc làm cải thiện.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại, còn 6,2% trong năm 2025 và 6% năm 2026, do ảnh hưởng từ những biến động trong thương mại toàn cầu. Các mức thuế mới từ Mỹ, tác động đến khoảng 1/3 hàng xuất khẩu của Việt Nam, được cho là sẽ làm giảm đáng kể triển vọng thương mại. Ước tính, thuế suất hiệu quả đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ có thể tăng thêm khoảng 3 điểm phần trăm...
Về dài hạn, OECD cho rằng nâng cao năng suất lao động là yếu tố then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Giai đoạn dân số vàng đang dần qua đi, nên tăng trưởng cần dựa nhiều hơn vào hiệu quả sử dụng vốn và lao động.
Dù năng suất lao động của Việt Nam tăng nhanh hơn nhiều nền kinh tế trong khu vực, nhưng xét về giá trị tuyệt đối vẫn còn thấp. Một điểm nghẽn lớn là sự liên kết giữa khối doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn lỏng lẻo. Tính đến năm 2020, gần 48% giá trị xuất khẩu đến từ đầu vào nhập khẩu, cho thấy phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn hoạt động tách biệt với chuỗi cung ứng trong nước.
Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam (Ảnh: Nam Anh).
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2025 và 6,2% năm 2026. Dù vậy, tổ chức này cũng lưu ý rằng triển vọng của toàn khu vực ASEAN+3 phụ thuộc nhiều vào các chính sách thương mại từ phía Mỹ.
Ở góc nhìn khác, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống còn 5,8% cho năm 2025 và 6,1% cho năm 2026. WB cho rằng việc điều chỉnh phản ánh tác động của rào cản thương mại gia tăng, sự suy yếu trong triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như niềm tin giảm sút trong các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,4% năm 2025 và giảm còn 4% năm 2026. Theo IMF, khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN, đang chịu tác động đáng kể từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, IMF cho rằng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn có thể tận dụng cơ hội để tái cơ cấu mạng lưới thương mại và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GDP Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng 6,6%, và đạt 6,5% vào năm 2026. Dự báo này được đưa ra trước khi Mỹ công bố mức thuế quan mới vào ngày 2/4.
3 trụ cột chính thúc đẩy kinh tế phát triển
PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho biết, trước đây, để đạt 1% tăng trưởng GDP, Việt Nam cần tới 3% tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong năm 2024, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 2%, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng đã được cải thiện.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% và GDP 8% trong năm 2025, tức duy trì tỷ lệ 2% tín dụng cho mỗi 1% GDP, ông Huân nhận định đây là mục tiêu đầy thách thức. Đặc biệt nếu so với giai đoạn 2018-2022, khi nền kinh tế - mà cụ thể là bất động sản chiếm tỷ trọng tín dụng lớn, khiến nền kinh tế cần lượng vốn cao hơn để đạt mức tăng tương đương.
Năm 2024 đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng, đó là dòng vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất - lĩnh vực có hiệu suất sử dụng vốn cao hơn, thay vì đổ vào bất động sản hay các khu vực kém hiệu quả. Điều này giúp tăng trưởng GDP ít phụ thuộc hơn vào quy mô tín dụng, và tỷ lệ 2% tín dụng đổi lấy 1% tăng trưởng GDP trở nên khả thi hơn.
Xuất khẩu vẫn giữ vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Hải Long).
Tuy nhiên, theo ông Huân, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, điều kiện tiên quyết là dòng vốn tín dụng phải tiếp tục được phân bổ hợp lý vào các lĩnh vực có hiệu quả cao như sản xuất - kinh doanh.
Ông cũng nhấn mạnh 3 trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa, trong đó xuất khẩu vẫn giữ vai trò then chốt. Triển vọng xuất khẩu năm nay sẽ phụ thuộc vào môi trường thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Nếu Việt Nam giữ được vị thế ổn định và tránh bị áp thuế, xuất khẩu sẽ có dư địa tăng trưởng lớn.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI có thể gia tăng đáng kể khi các tập đoàn quốc tế tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh rủi ro từ các thị trường như Trung Quốc hay Mexico. Khi đó, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm đầu tư, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá, vốn là một trong những rủi ro vĩ mô lớn trong năm nay.
Tóm lại, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần tận dụng tốt các tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế, duy trì định hướng tín dụng hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và khơi thông tiêu dùng nội địa.
Dưới góc nhìn tổ chức kinh tế trong nước, ông Bùi Thành Trung - Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) - trong một sự kiện mới đây nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và có nhiều tín hiệu tích cực.
Dẫn số liệu từ Cục Thống kê, ông Trung cho biết tăng trưởng GDP 6 tháng qua đạt 7,52%, trong đó quý I đạt 6,93% và quý II tăng vọt lên 7,96%. Theo ông, đây là minh chứng cho thấy đà phục hồi của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đang diễn ra bền vững. Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.
Ông đánh giá Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát. Với mục tiêu lạm phát cả năm dao động từ 4 đến 4,5%, mức trung bình 6 tháng đầu năm chỉ ở khoảng 3,6% là hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Ông tin tưởng rằng Việt Nam có thể giữ lạm phát dưới ngưỡng 4% trong năm nay.
Một điểm sáng khác là tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 8,3%, trong khi tăng trưởng huy động đạt 6,1% - mức cao nhất trong vòng 5 năm kể từ sau dịch Covid-19. Dự kiến đến cuối năm 2025, tín dụng sẽ tăng trưởng ở mức 16-17%.
Ông Trung cho rằng với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại, nếu GDP 6 tháng cuối năm đạt khoảng 8,5%, thì mục tiêu tăng trưởng 8% cho cả năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
Dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhieu-to-chuc-quoc-te-nang-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-20250710074425806.htm
Bình luận (0)