Từ người thợ cơ khí trở về làng gắn bó với rối nước
Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai sinh ra và lớn lên tại làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Đồng Ngư, phường Song Liễu, tỉnh Bắc Ninh) - nơi gắn bó với nghệ thuật rối nước. Tuổi thơ ông từng chan hòa trong tiếng trống hội, những làn điệu Quan họ và hình ảnh những con rối gỗ bên ao làng. Dù từng có nhiều năm theo nghề cơ khí, tâm trí ông chưa khi nào nguôi ngoai tình yêu với sân khấu rối nước. Ông chia sẻ: “Có những lúc tôi tự hỏi, bản thân mình có đang để tuổi trẻ trôi qua lãng phí hay không? Với mong muốn được cống hiến cho quê hương, tôi tạm gác lại công việc kỹ sư, quyết định trở về quê, bắt đầu hành trình gìn giữ nghệ thuật truyền thống của xứ Kinh Bắc - Rối nước Đồng Ngư”.
Trở lại phường rối nước Đồng Ngư từ năm 2000, ông không chỉ gắn bó với các buổi diễn mà còn ấp ủ giấc mơ lớn hơn: Xây dựng một không gian bảo tồn văn hóa tổng thể. Sau nhiều năm tích góp, vận động, năm 2009, ông khởi công xây dựng Khu bảo tồn Văn hóa Dân gian Luy Lâu với diện tích hơn 6.000m². Đây là một không gian văn hóa đa dạng, từ sân khấu rối nước, nhà chứa Quan họ, không gian làng nghề truyền thống đến các khu trải nghiệm làm rối, làm tranh Đông Hồ, ẩm thực xưa…
|
Mười năm là một chặng đường đáng tự hào. Năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng bằng khen vì những đóng góp xuất sắc trong việc triển khai và tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong suốt giai đoạn 2008 - 2018. Ngoài ra, còn hàng loạt những giải thưởng đáng tự hào khác của phường, xã, địa phương trao tặng.
Thời điểm khu bảo tồn vừa khánh thành giai đoạn đầu vào năm 2019 cũng là lúc đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến mọi hoạt động bị ngưng trệ. Kể về những khó khăn ngày đó, ông chia sẻ: “Anh em nghệ nhân không có cơ hội biểu diễn, thu nhập không có, tinh thần cũng xuống. Nhưng chúng tôi động viên nhau, coi đây là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại mọi thứ. Trong thời gian ấy, chúng tôi sửa sang lại sân khấu, làm lại các con rối bị hỏng, sáng tác thêm vài tích trò mới, chuẩn bị cho những ngày được đón khán giả trở lại”.
Mang bản sắc Kinh Bắc vào từng tích trò
Điều đặc biệt trong múa rối nước Đồng Ngư là sự kết hợp giữa nghệ thuật rối nước và dân ca Quan họ - nét đặc sắc không nơi nào có được. Theo ông Lai, ở nhiều phường rối khác trong cả nước, phần âm nhạc thường được phụ họa bằng chèo, trong khi ở Đồng Ngư, khán giả được thưởng thức cả múa rối và các làn điệu Quan họ, tạo nên không gian biểu diễn đậm chất Bắc Bộ.
Nghệ thuật múa rối nước kết hợp cùng làn điệu Quan họ là nét độc đáo của làng Đồng Ngư nói riêng và Bắc Ninh nói chung. |
“Các tích trò và câu hát Quan họ đều gắn với tranh Đông Hồ, với văn hóa dân gian mà người xem, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ tiếp cận. Tôi luôn tin rằng, để khán giả yêu mến rối nước thì tích trò phải gần gũi, vui nhộn mà vẫn truyền tải được thông điệp văn hóa”, ông bày tỏ.
Trong không gian biểu diễn truyền thống của làng, sân khấu thủy đình đặt ngay giữa ao, đôi liền anh - liền chị không đứng bên cánh gà, mà ngồi ngay hai bên bờ nước, hát đối đáp trực tiếp trong khi các tích trò rối diễn ra trước mắt khán giả. Những làn điệu như “Ngồi tựa song đào”, “Người ơi người ở đừng về”, “Cây trúc xinh”... vang lên tha thiết, quyện hòa vào chuyển động của con rối, tạo nên một không gian trình diễn vừa sinh động, vừa đậm chất trữ tình xứ Kinh Bắc.
Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn những tích trò truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai cùng các cộng sự luôn nỗ lực sáng tạo thêm nhiều tiết mục mới, nhằm tăng tính hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu khán giả đương đại. Theo ông, muốn thu hút giới trẻ đến với nghệ thuật rối nước thì người làm nghề cần chủ động rút ngắn khoảng cách, làm mới hình thức thể hiện mà không làm phai nhạt bản sắc vốn có.
Những tích trò mới được thêm vào nhằm thu hút khán giả ở nhiều độ tuổi đến với múa rối nước Đồng Ngư. |
Gieo mầm di sản cho hôm nay và mai sau
Bên cạnh múa rối, khu bảo tồn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như học làm tranh dân gian Đông Hồ, thưởng thức Quan họ, tham gia trò chơi dân gian… Những điều ấy khiến Luy Lâu không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa mà còn là nơi “sống cùng di sản”.
“Tôi mong khu bảo tồn sẽ trở thành điểm đến thường xuyên của học sinh, sinh viên và du khách quốc tế, nơi người trẻ được học, được thử, được hiểu về văn hóa ông cha bằng chính trải nghiệm thật”, ông tâm sự.
Hằng ngày, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai vẫn đều đặn biểu diễn, giảng dạy, mang hơi thở xứ Kinh Bắc gần hơn tới công chúng. Đối với ông, múa rối nước Đồng Ngư không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống, mà còn là một phần máu thịt, một mạch chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ của văn hóa Kinh Bắc. Trong mỗi con rối ông tạc, mỗi tích trò ông viết, là hình bóng của một làng quê yên bình, là câu chuyện của cha ông để lại, là tiếng vọng của những mùa hội đã qua. Múa rối nước không đơn thuần để trình diễn mà là để kể lại ký ức của làng, gìn giữ cái hồn của đất Bắc Ninh.
Các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thích thú với trải nghiệm hóa thân thành các “liền chị” trong dân ca Quan họ. |
Không dừng lại trong nước, ông cũng đang tích cực kết nối với các đơn vị nghệ thuật quốc tế để đưa rối nước Đồng Ngư đến với bạn bè thế giới qua biểu diễn giao lưu, hội thảo và triển lãm. Khu bảo tồn hiện đã nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo tồn di sản. Nhưng với ông Nguyễn Thành Lai, phần thưởng quý giá nhất vẫn là ánh mắt lấp lánh của những đứa trẻ sau tấm mành rối, là tiếng vỗ tay giòn giã mỗi khi buổi diễn khép lại. “Không có gì vui bằng việc thấy truyền thống không bị quên lãng. Khi còn người xem, còn người học, thì nghệ thuật dân gian vẫn còn sống”, ông khẳng định.
Giữa dòng chảy sôi động của thời đại, người nghệ nhân ấy vẫn âm thầm giữ vững “mái chèo” của mình, dựng nên một không gian văn hóa nơi những tích trò xưa được kể lại bằng tất cả trái tim, niềm tin và ý chí không khuất phục trước gian khó. Với cộng đồng, ông là nghệ nhân tận tụy. Với thế hệ trẻ, ông là người thầy, người khơi nguồn cảm hứng. Và với văn hóa Kinh Bắc, ông xứng đáng được xem là người gìn giữ căn cốt, chiếc cầu bền bỉ nối liền quá khứ với hiện tại và mai sau.
Bài, ảnh: NGỌC ANH
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguyen-thanh-lai-hanh-trinh-bao-ton-va-phat-trien-mua-roi-nuoc-dong-ngu-836246
Bình luận (0)