
Đô thị trên biển đông
Những năm trước đây, Đặc khu Phú Quý còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng nay đã khác, khi đặt chân lên đảo nhiều căn nhà mới xây dựng khang trang mọc lên, hàng chục nhà hàng, khách sạn hiện đại có sức chứa hàng trăm người luôn phục vụ du khách. Nhiều người lâu nay chưa về lại Phú Quý đều ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của đảo. Đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng như: hạ tầng công sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, thiết chế văn hóa, bến cảng, các tuyến đường đôi, đường vành đai, đường liên xã, kè chống biển xâm thực, chống xói lở, khu neo đậu tàu thuyền phòng trú bão, trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hệ thống phong điện… với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư trong những năm gần đây. Nhiều du khách đến đây đã ví von rằng “Phú Quý như một đô thị hiện đại giữa biển đông”. Đặc biệt là hoạt động giao thông đường bộ, đường biển, thương mại dịch vụ, cung ứng điện năng, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất kinh doanh của nhân dân được phát triển mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiện nay Phú Quý đang tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để xây dựng Đặc khu Phú Quý xứng tầm là trung tâm kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng Phú Quý trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Đây chính là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ của Đặc khu Phú Quý nhiệm kỳ 2020 -2025.

Phát huy lợi thế từ biển
Đặc khu Phú Quý ngoài lợi thế để phát triển kinh tế biển, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Đây là lợi thế để Phú Quý vừa phát triển kinh tế biển, vừa phát triển du lịch xanh. Ngoài đánh bắt hải sản, với lợi thế là vùng biển sâu, sạch, thời gian qua Đặc khu Phú Quý đã tập trung phát triển thủy sản nuôi theo hướng bền vững. Tính đến nay, trên địa bàn Đặc khu có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, với diện tích 14.484,9 m2, trong đó có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2, 11 hồ chắn với diện tích nuôi trồng là 5.183,9 m2. Các loại hải sản chủ yếu cá mú, cá bớp, tôm hùm... năng suất nuôi trung bình hàng năm đạt khoảng 100 tấn. Ngoài ra, Đặc khu Phú Quý còn có hàng chục cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Năng lực tàu thuyền của Đặc khu Phú Quý hiện có 1.735 chiếc/7.540 lao động, trong đó thuyền công suất trên 90CV được 594 chiếc, bao gồm thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 130 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 32 ngàn tấn, riêng năm 2024 đạt trên 36 ngàn tấn. Với rất nhiều lợi thế trong đánh bắt, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Đặc khu Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Mục tiêu của Đề án đến năm 2030, xây dựng Đặc khu Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước. Đây là kỳ vọng của Đặc khu để tiếp tục xây dựng Đặc khu Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc của quần đảo Trường Sa. Phát triển du lịch xanh của Đặc khu Phú Quý cũng là một lợi thế bởi giữa đại dương mênh mông, ẩn mình một hòn đảo nhỏ bé yên bình với làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn cùng những danh lam thắng cảnh hữu tình mà không nơi nào có được. Quanh đảo bãi biển nào cũng vậy đều trong xanh, những rặng san hô đầy màu sắc và không gian tĩnh lặng, tạo nên một điểm đến lý tưởng để khám phá. Đặc biệt là những xóm chài ven biển yên bình trên đảo mang đến cho du khách những bức ảnh tuyệt đẹp, tái hiện và được hoà mình với không khí ấm áp, chân thật của những ngư dân làng chài. Với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đặc khu Phú Quý đã tập trung vào phát triển du lịch, cùng với đó là phát triển thêm các dịch vụ khác. Với phương châm là, Đảng bộ, chính quyền và nhân Đặc khu Phú Quý cùng phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nội dung văn hóa sâu sắc, ưu tiên phát triển du lịch bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, con người Phú Quý.


Xây dựng đặc khu vững mạnh về mọi mặt
Trong thời gian qua, Trung ương và địa phương luôn quan tâm đến Đặc khu Phú Quý - mảnh đất tiền tiêu, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó Phú Quý được tổ chức thành Đặc khu trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Chính vì thế vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền Đặc khu sẽ có những đổi mới. Theo đó, vai trò, vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và những nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng, phát triển Phú Quý vẫn được duy trì, kế thừa và tiếp nối. Những kết quả đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đặc khu Phú Quý đã đạt được trong thời gian qua phải khẳng định rằng bắt nguồn từ việc toàn Đảng bộ và nhân dân của Đặc khu đã triển khai, đồng thuận và quyết tâm cao để tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng sát đúng, phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động của địa phương. Mục tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đặc khu Phú Quý lúc này là phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tích cực huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, đưa Đặc khu Phú Quý phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển và du lịch. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để tiếp nối những thành quả đã đạt được trong những năm vừa qua, Đặc khu Phú Quý sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình. Một lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đặc khu Phú Quý phải tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện theo hướng phát triển kinh tế biển, trọng tâm là nuôi trồng, khai thác chế biến hải sản, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm tránh trú bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển khu vực duyên hải trung bộ. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, là căn cứ hậu phương vững chắc cho quần đảo Trường Sa. Đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Tin tưởng rằng trong một tương lai không xa Phú Quý sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn hơn, trở thành một Đặc khu giàu đẹp, vững mạnh về mọi mặt, người dân có đời sống thịnh vượng, hạnh phúc, đúng với tên gọi là Phú Quý.
Nguồn: https://baolamdong.vn/dao-ngoc-mot-dac-khu-giau-dep-vung-manh-tren-bien-dong-289652.html
Bình luận (0)