Khách trải nghiệm "Đi tìm hoàng cung đã mất" bằng công nghệ VR |
Tập trung chuyển đổi số
Mới đây (ngày 14/7/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BVHTTDL về chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch.
Mục tiêu tổng thể của chương trình là ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số ngành du lịch tại Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy doanh nghiệp du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đóng góp vào quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trên thực tế, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được chính quyền và ngành du lịch địa phương hết sức quan tâm. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, sở xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng điểm đến thông minh, tạo sự trải nghiệm thông minh và hỗ trợ cho công tác quản lý/kinh doanh thông minh.
Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm cho biết, với định hướng đã được xác định, Sở Du lịch đã và đang tiếp tục cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch Huế: Cơ sở lưu trú, công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch; hình thành hệ thống thông tin số tích hợp về khách du lịch, khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Hệ thống vé điện tử tham quan di tích đã triển khai tại các điểm di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho phép khách du lịch mua vé online, quét mã QR khi vào tham quan, giảm thiểu tiếp xúc, nâng cao trải nghiệm.
Tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện định danh số với các cổ vật Triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đồng thời ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse (vũ trụ ảo) đầu tiên tích hợp kính Apple Vision Pro, mở ra hành trình ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục định danh số cho các cổ vật và thực hiện chọn lọc các cổ vật đặc trưng để làm các sản phẩm quà lưu niệm F1 có chứng thực. Đồng thời, mở các dịch vụ trải nghiệm du lịch mới thông qua việc check-in các địa điểm có gắn chip NFC trong Quần thể Di tích Cố đô Huế và một số dịch vụ trải nghiệm du lịch mới bằng công nghệ vật lý số.
Ngành du lịch thực hiện số hóa 3D ẩm thực |
Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan cũng đã chú trọng và triển khai thực hiện số hóa tài nguyên du lịch (di sản, ẩm thực, các điểm đến du lịch….). Sở cũng xây dựng phần mềm bản đồ số 3D du lịch Huế; xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR),… cũng được phát triển mạnh để giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo khi đến Huế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số của TP. Huế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, Sở Du lịch đã ra mắt ứng dụng Hộ chiếu du lịch thành phố Huế - Hue City Passport giúp tăng thêm sự mới mẻ trong hành trình khám phá Huế của du khách. Ứng dụng Hộ chiếu du lịch không chỉ là công cụ cung cấp thông tin điểm đến, mà mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách theo từng chủ đề gợi ý.
Nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách, đưa các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ với hình ảnh hiện đại, thông minh tại một điểm đến, Sở Du lịch đang triển khai xây dựng ứng dụng thuyết minh tự động các điểm tham quan để du khách có thể nghe giới thiệu thuyết minh về di tích mọi lúc, ở mọi nơi, gia tăng trải nghiệm…, khai thác tối đa giá trị, tạo sự mới mẻ cho chuyến đi, làm sống động các điểm đến, nhất là những khách quốc tế đi lẻ và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm (như tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Campuchia, Indonesia…) mà lực lượng hướng dẫn - thuyết minh tại điểm chưa đáp ứng được.
Triển khai nhiều giải pháp
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch địa phương cũng đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ số, công nghệ sáng tạo vào quản lý và phát triển du lịch.
Bà Trâm cho biết, chính quyền địa phương và ngành du lịch Huế quan tâm xây dựng hệ thống quản trị du lịch theo lộ trình và mức độ ưu tiên đối với những dự án ứng dụng: Phục vụ người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch; phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; quản lý chất lượng dịch vụ du lịch và những trải nghiệm của du khách; hỗ trợ tăng trải nghiệm và an toàn cho du khách.
Việc tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh. Triển khai chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong hoạt động du lịch. Nâng cấp Cổng thông tin du lịch Huế và các kênh truyền thông trên mạng xã hội đồng bộ với tên gọi Visithue. Xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán điện tử, mở rộng ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh tại các điểm du lịch khác.
Du khách trải nghiệm ở Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng |
Ngành du lịch cũng triển khai ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch, tham quan thực tại ảo và lên lịch trình du lịch trực tiếp (Hue Passport). Xây dựng Hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch, Booth (quầy/khu vực) tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tại ảo..
Trong thời gian tới, để xây dựng du lịch thông minh tại Huế một cách toàn diện và bền vững, thành phố cần tiếp tục mở rộng hệ sinh thái số bằng cách tăng cường liên kết liên vùng, hình thành hành lang du lịch thông minh giữa Huế - Đà Nẵng nhằm chia sẻ dữ liệu, đồng bộ hệ thống ứng dụng và nâng cao hiệu quả quảng bá chung. Việc triển khai hệ thống vé điện tử du lịch liên thông (City Pass) tích hợp nhiều dịch vụ sẽ tạo thuận tiện cho du khách.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích hành vi du khách, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hóa lịch trình và điều phối nguồn lực. Thành phố cũng nên đầu tư phát triển các không gian du lịch ảo, như tái hiện Kinh thành Huế và các di sản trong môi trường số hoặc metaverse, phục vụ nhu cầu khám phá từ xa, đặc biệt với du khách quốc tế. Đồng thời, việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua trung tâm tư vấn, cung cấp nền tảng số, giải pháp thanh toán điện tử… là yếu tố then chốt để bảo đảm tính bao trùm. Mặt khác, các ứng dụng tương tác thông minh như thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, bản đồ AR, hay hình thức “game hóa” hành trình du lịch (gamification) cũng nên được nghiên cứu áp dụng để tạo nên trải nghiệm sống động, hiện đại và hấp dẫn cho du khách, nhất là thế hệ trẻ.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, để chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thuận lợi và thành công, vai trò của các đơn vị, doanh nghiệp, người kinh doanh và cá nhân có liên quan cũng rất quan trọng. Sở sẽ tăng cường đào tạo nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, an toàn thông tin cho các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng làm du lịch.
Ngoài ra, sẽ vận động kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị xã hội hóa các nội dung: Các hệ thống wifi công cộng; hệ thống cung cấp thông tin du lịch kết hợp các chương trình giải trí trực quan truyền thống với công nghệ kỹ thuật số tại TP. Huế. Những định hướng này sẽ góp phần đưa Huế trở thành điểm đến du lịch thông minh mang đậm bản sắc văn hóa, tiên tiến về công nghệ và thân thiện với du khách trong thời đại số.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/day-manh-chuyen-doi-so-du-lich-thong-minh-156019.html
Bình luận (0)