Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để Đờn ca Tài tử luôn là sản phẩm du lịch hấp dẫn ở vùng đất phương Nam

Cùng với gìn giữ, duy trì các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong đời sống cộng đồng, thời gian qua, tại nhiều địa phương Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca Tài tử đã được đưa vào giới thiệu, phục vụ khách du lịch.

VietnamPlusVietnamPlus10/05/2025

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử - Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại được hình thành và phát triển ở Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc nơi miệt vườn sông nước phương Nam, có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của lời thơ, tiếng đàn và giọng ca, vừa thể hiện tính bác học, vừa mang tính dân gian gắn liền với đời sống người dân.

Sức sống mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi

Tiến sỹ Nguyễn Hồ Phong (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Đờn ca Tài tử - loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại chính là nền tảng quan trọng để hình thành nên nghệ thuật sân khấu cải lương sau này.

Loại hình nghệ thuật này phát triển rộng khắp vùng Nam Bộ, đến Trung Bộ, góp phần đem lại sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân từ nông thôn đến thành thị. Ngày nay, dù môi trường diễn xướng, thị hiếu, nhu cầu của công chúng có nhiều thay đổi, nghệ thuật Đờn ca Tài tử vẫn tìm được một chỗ đứng vững chắc trong lòng xã hội. Điều đó tạo nên những cơ hội mới để nghệ thuật dân gian-dân tộc được bảo tồn, phát huy, phát triển tốt hơn trong xã hội đương đại.

Thạc sỹ Ngô Đức Hồng (Trường Đại học Tây Đô) khẳng định: Đúng như tên gọi, Đờn ca Tài tử gồm đờn và ca. Tiếng đờn, giọng ca như hòa quyện vào nhau để chuyển tải tâm tư, tình cảm, kể những câu chuyện đến người nghe. Những buổi nông nhàn, trong xóm, người mang đờn, người góp giọng ca, dưới trăng thanh gió mát cùng vui cuộc đờn ca. Những nhà phú quý thì mời một nhóm nhạc tài tử đến ca góp vui trong những buổi tiệc tùng của gia đình.

Là người gắn bó với mảnh đất phương Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: Xuất hiện và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19, Đờn ca Tài tử là thú chơi tao nhã của người dân Nam Bộ những lúc nông nhàn, thường diễn ngoài sân vườn, đồng ruộng, trên ghe của thương hồ, từ đó được gìn giữ, phát triển, khẳng định sức sống qua thời gian.

Có thể nói, trải qua năm tháng, tại các tỉnh, thành Nam Bộ hiện nay, nghệ thuật Đờn ca Tài tử được gìn giữ, phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh, Long An là một trong những tỉnh, thành Nam Bộ góp phần vào việc hoàn tất lập hồ sơ Đờn ca Tài tử trình và được UNESCO trao bằng vinh danh trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 950 câu lạc bộ Đờn ca Tài tử với trên 15.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Hàng năm, tại Long An có trên 30 cuộc thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử, cải lương... Cùng với đó, ở nhiều lễ hội, các điểm du lịch, các tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử cũng được đưa vào giới thiệu với đông đảo nhân dân, du khách, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

ttxvn-don-ca-tai-tu-1005-3.jpg
Biểu diễn Đờn ca Tài tử. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chị Cao Thị Bé Tươi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chia sẻ: Sinh ra, lớn lên ở miền quê có con sông Vàm Cỏ, có điệu đờn ca tài tử quen thuộc, chị và nhiều bạn trẻ rất tự hào. Trong các buổi sinh hoạt Đoàn, nhiều bản Đờn ca Tài tử truyền thống hoặc được đặt lời mới với nội dung thể hiện niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương thường được các bạn cất lên, vừa tạo không khí vui tươi, vừa thể hiện sự trân trọng, gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho hay: Trải qua thăng trầm của lịch sử, Đờn ca Tài tử luôn khẳng định giá trị của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Hiện toàn tỉnh có trên 100 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca Tài tử, với trên 1.000 người tham gia hoạt động thường xuyên ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tiền Giang đã tích cực triển khai nhiều đề án bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử với nhiều hoạt động như sưu tầm, ghi âm, ghi hình lưu giữ các bản đờn ca tài tử, thi sáng tác, tổ chức các liên hoan biểu diễn đờn ca tài tử, qua đó, thiết thực thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ.

Để luôn là sản phẩm du lịch hấp dẫn

Cùng với gìn giữ, duy trì các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong đời sống cộng đồng, thời gian qua, tại nhiều địa phương Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca Tài tử đã được đưa vào giới thiệu, phục vụ khách du lịch ở nhiều mức độ khác nhau.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng khẳng định: Nhiều du khách nói rằng về miền Tây Nam Bộ, thưởng thức cá lóc nướng trui, lẩu mắm, các loại bánh, trái cây, nhưng nếu chưa được thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử thì vẫn chưa trọn vẹn. Đó chính là thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao về một nét văn hóa bản địa miền Tây sông nước Cửu Long.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa này cũng bày tỏ trăn trở: Đờn ca Tài tử là thú chơi tao nhã, nhưng nhìn dưới góc độ du lịch, nó là sản phẩm du lịch còn ở dạng "thô,” đưa ra phục vụ du khách nếu cứ lặp đi lặp lại nội dung và lối trình diễn quen thuộc sẽ thiếu sức thu hút. Hiện nay, một số chương trình phục vụ du khách còn thiếu đầu tư mà mới chỉ chắp nối. Nội dung sáng tác đôi lúc còn khô khan, nặng nề, khiến du khách dễ nhàm chán.

ttxvn-don-ca-tai-tu-1005-1.jpg
Biểu diễn đờn ca tài tử ở điểm du lịch sinh thái nông nghiệp Cánh Đồng Cậu Ba. (Ảnh: TTXVN phát)

Để Đờn ca Tài tử luôn “đứng vững” trong không gian du lịch, du khách xem, nghe các tiết mục đờn ca tài tử luôn khiến du khách cảm thấy lạ lẫm, thú vị, thỏa mãn thị hiếu, góp phần làm cho không gian du lịch gia tăng giá trị hàm lượng văn hóa, cần tiếp tục có nhiều giải pháp giới thiệu phù hợp.

Theo ông Nhâm Hùng, muốn du khách đón nhận một cách trọn vẹn, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, chương trình đờn ca tài tử giới thiệu đến du khách cần được cấu trúc hài hòa giữa nghe và xem, giữa lời ca và điệu thức để người xem dễ theo dõi, cảm nhận. Mặt khác, trong các chương trình cần tăng cường vai trò dẫn dắt, lý giải người dẫn chương trình để du khách hiểu rõ hơn những nét độc đáo, giá trị đặc sắc của nghệ thuật Đờn ca Tài tử.

Còn theo Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến (Trường Đại học Đồng Tháp), nhằm tăng sức hấp dẫn, đồng thời giúp du khách hiểu rõ hơn nét độc đáo, chất “Nam Bộ” của di sản nghệ thuật Đờn ca Tài tử, rất cần tạo không gian nghệ thuật phù hợp để giá trị của di sản ấy được phát huy. Các khu du lịch nên chú ý tạo không gian trình diễn phù hợp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong lời giới thiệu, thuyết minh trong chương trình biểu diễn, từ đó, du khách sẽ hiểu rõ hơn nét độc đáo, sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, cũng cần tăng cường xây dựng chương trình biểu diễn có chủ đề, có sự chọn lọc, có thời lượng vừa phải với những bản đờn ca phù hợp trong khai thác, phục vụ khách du lịch.

Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, rất nhiều du khách đến Thành phố rất hào hứng khi được giới thiệu thưởng thức Đờn ca Tài tử cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Nhiều khu du lịch, điểm tham quan, các công ty lữ hành tổ chức hoạt động trải nghiệm, biểu diễn, tổ chức các tour có kết hợp thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử. Song thực tế, cần nhìn nhận, không phải điểm đến tham quan, du lịch nào cũng phù hợp để biểu diễn định kỳ, thường xuyên loại hình nghệ thuật này phục vụ du khách.

Do đó, để nghệ thuật Đờn ca Tài tử bên cạnh là một loại hình di sản văn hóa đã được khẳng định giá trị, còn luôn là sản phẩm du lịch hấp dẫn, cần có sự chọn lọc nhiều hơn để xây dựng kết cấu chương trình, các không gian trình diễn đặc sắc, giúp du khách cảm nhận rõ nét độc đáo của loại hình nghệ thuật gắn với đời sống người dân Nam Bộ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, điểm đến du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) hay chương trình tour “Trăng chiến khu” về vùng đất thép Củ Chi, các tiết mục đờn ca tài tử được du khách đón nhận rất nồng nhiệt.

Ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng ấp Thiềng Liềng cho biết: Trong số 24 điểm dừng chân đồng thời là 24 hoạt động trải nghiệm ở mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng hiện nay, không thể thiếu hoạt động thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử từ câu lạc bộ đờn ca tài tử hay hộ Tư Huỳnh-tài tử đờn sến... Mong rằng, thời gian tới, hoạt động trải nghiệm này tiếp tục được sự hỗ trợ, tư vấn bài bản, hấp dẫn hơn gắn với không gian đặc trưng của ấp đảo Thiềng Liềng để tạo sức hút nhiều hơn với du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/de-don-ca-tai-tu-luon-la-san-pham-du-lich-hap-dan-o-vung-dat-phuong-nam-post1037705.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm