Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề thi đổi mới nhưng cần vừa sức thí sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại nhưng dư âm về đề thi môn Toán và môn Tiếng Anh vẫn nóng trên các diễn đàn với nhiều ý kiến trái chiều.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân01/07/2025

Nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng, với đề thi môn Tiếng Anh, dù việc đổi mới cách ra đề thi đã thể hiện rõ chủ trương chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ, từng bước tiệm cận với khung tham chiếu quốc tế nhưng một đề thi nếu xa rời mục tiêu của chương trình, không phản ánh đúng năng lực số đông học sinh thì đó chưa phải là một đề thi thành công. Từ thực tế đề thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xây dựng đề thi hợp lý hơn để đảm bảo công bằng với tất cả học sinh trên cả nước, nhất là các khu vực ở vùng khó khăn, chưa có điều kiện học ngoại ngữ.

eb5cb4df-0c8a-492a-ab6a-17f9189d76d9.jpeg -0
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh minh họa.

Sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều thí sinh cho biết, khá “sốc” vì độ phân hóa của đề thi môn Toán và Tiếng Anh bởi khó hơn nhiều so với đề thi minh họa. Đặc biệt là ở đề thi môn Tiếng Anh, không ít học sinh đạt IELTS 7.0-7.5  khá bất ngờ về độ khó của đề thi. Đề dài, nhiều thuật ngữ học thuật xa vời với học sinh THPT; đề thi phù hợp với thí sinh thi chuyên Anh, thi học sinh giỏi hơn là kỳ thi đại trà như tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ với PV Báo CAND, Thạc sĩ Hoàng Tăng Đức, giảng viên Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh (Nghệ An) cho rằng, đề thi môn Tiếng Anh có một số ưu điểm đáng ghi nhận. Đó là ngữ liệu phong phú trong đề thi giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ thật thay vì chỉ “học để thi”; yêu cầu sử dụng từ ngữ phù hợp, sắp xếp đoạn logic, đúng văn cảnh là định hướng đúng trong đánh giá năng lực ngôn ngữ. Đề thi cũng tiệm cận đánh giá toàn diện khi nhiều câu hỏi đánh giá năng lực tư duy ngôn ngữ như suy luận, tổng hợp, sắp xếp ý - phản ánh xu hướng kiểm tra năng lực thực, thay vì kiến thức rời rạc; đồng thời từng bước tiếp cận các kỳ thi quốc tế như IELTS, TOEFL. Tuy vậy, đề thi dường như đang đi nhanh hơn năng lực học sinh và điều kiện dạy học hiện có ở phổ thông.

Theo phân tích của Thạc sĩ Hoàng Tăng Đức, vấn đề cốt lõi ở đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện đang phục vụ hai mục tiêu rất khác nhau. Nếu như mục tiêu tốt nghiệp THPT đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình - tức chỉ cần đạt chuẩn B1 (bậc 3) theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT thì mục tiêu xét tuyển đại học lại cần phân loại rõ năng lực học thuật, đặc biệt cho các trường tốp đầu đòi hỏi câu hỏi ở mức B2 - C1 để đảm bảo tính phân hóa. Hai mục tiêu với hai logic đánh giá hoàn toàn khác nhau nhưng lại bị gói trong 40 câu hỏi trắc nghiệm của một đề duy nhất. Và kết quả là đề bị kéo về phía học thuật, còn chuẩn đầu ra B1 trở nên mờ nhạt. Hệ lụy là học sinh vùng khó khăn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều em, đặc biệt ở nông thôn, miền núi, chỉ học để “đủ tốt nghiệp” - nay phải vật lộn với đề thi vượt chuẩn với nhiều câu C1, không phù hợp với năng lực thực tế.

Giáo viên phổ thông cũng lúng túng trong định hướng khi họ phải đứng giữa hai lựa chọn: Dạy theo chuẩn chương trình (B1) hay chạy theo luyện thi kiểu đề ra thiên lệch về B2 - C1, dẫn đến mất phương hướng trong giảng dạy. Gia đình và xã hội gánh thêm áp lực khi phụ huynh, đặc biệt là ở khu vực khó khăn buộc phải chi thêm tiền học thêm, luyện đề, tạo nên gánh nặng kinh tế không nhỏ. Điều này làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa các vùng miền và tầng lớp, đi ngược lại nguyên lý công bằng trong giáo dục công lập.

Từ thực trạng đề thi Tiếng Anh năm nay, Thạc sĩ Hoàng Tăng Đức cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có một số thay đổi, điều chỉnh để hướng tới kỳ thi thực sự công bằng và hiệu quả hơn. Thứ nhất, phân tách mục tiêu rõ ràng, nếu vẫn duy trì kỳ thi “hai trong một” vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học thì cần công bố minh bạch tỷ lệ câu hỏi theo các bậc năng lực (B1- B2 - C1); tốt hơn nữa, nên có phần thi riêng phục vụ tuyển sinh đại học để đảm bảo đúng chức năng và mục tiêu của từng đối tượng.

Bên cạnh đó, để tăng nội dung phản ánh đúng năng lực thực tế, đề thi cần có thêm phần đánh giá kỹ năng viết, mô tả trải nghiệm cá nhân hoặc lập luận đơn giản đúng với yêu cầu của Bậc 3 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc đã được quy định trong chương trình GDPT 2018. Việc ra đề cần dựa trên các yêu cầu cần đạt chính thức của chương trình, tránh vượt chuẩn quá mức, nếu không, sẽ dẫn đến sai lệch mục tiêu dạy - học, tạo bất công và áp lực không cần thiết cho người học. Ngoài ra, trước bất kỳ điều chỉnh lớn nào của kỳ thi, cần có một quá trình chuẩn bị chu đáo, sâu rộng và có hệ thống dành cho cả giáo viên và học sinh.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc khuyến khích học thực chất, chống bệnh thành tích và cải thiện việc dạy và học Tiếng Anh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, một đề thi tốt nghiệp THPT quá khó, thậm chí nhiều học sinh phản ánh là “gây sốc” rất cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc.

Theo ông Vinh, giáo dục cần những chuyển động có lộ trình, không phải những cú sốc - nhất là khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp là học sinh. Nếu chương trình chưa đảm bảo đủ thời lượng và chất lượng dạy - học kỹ năng đọc hiểu sâu; nếu sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn trong học Tiếng Anh còn lớn; nếu sách giáo khoa chưa cung cấp đủ kiểu ngữ liệu như đề thi - thì việc bất ngờ nâng độ khó sẽ tạo cảm giác đánh đố thay vì khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc. Một đề thi tốt nghiệp THPT không thể mang tư duy của một kỳ thi “tuyển lọc” và đổi mới trong thi cử và hoạt động kiểm tra đánh giá cũng cần tương thích với điều kiện dạy và học thực tế tại các trường phổ thông hiện nay.

Trước phản ánh của học sinh, giáo viên về đề thi Toán và Tiếng Anh năm nay quá khó, có phần đánh đố, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận để xem xét sau khi hoàn thành khâu chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến về đề thi để làm tốt hơn trong những năm tiếp theo trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như mục tiêu của kỳ thi.

Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/de-thi-doi-moi-nhung-can-vua-suc-thi-sinh-i773349/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm