Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với việc đổi mới ở bộ đề thi của 11 môn thi đang được một số nhà chuyên môn cho là 'cú hích' để thay đổi cách dạy và cách học ở trường phổ thông. Nhưng "cú hích" khá mạnh này đang khiến nhiều thầy, trò "choáng váng".
Tác động đến dạy và học
Trong năm 2024-2025, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn liên quan đề thi tốt nghiệp THPT (hai đợt vào tháng 2-2024 và tháng 2-2025) cho giáo viên cốt cán của cả 63 tỉnh thành. Ở khía cạnh tích cực, việc công bố đề thi tham khảo, các chỉ đạo mang tính định hướng của Bộ GD-ĐT đã ít nhiều tác động vào việc dạy học ở bậc THPT.
Việc này rõ nhất ở môn văn. Chưa nói đến cấu trúc, đến các dạng thức câu hỏi mà chỉ một thay đổi "không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa" đã tạo nên một "cơn lốc".
Thay vì chỉ nghe giảng, học thuộc bài giảng, thậm chí là các bài văn mẫu liên quan tới hơn chục tác phẩm văn học ở chương trình THPT (chủ yếu là lớp 12), trong khoảng một năm từ khi nắm được chủ trương ra đề, học sinh lớp 12 phải đọc gấp 3-4 lần so với trước những loại văn bản mới để "luyện kỹ năng đọc hiểu".
Từ trước kỳ thi, khi chia sẻ với Tuổi Trẻ, cô Hoàng Anh - giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) - đã cho biết: Đổi mới thì đúng là thầy, trò cùng vất vả hơn để thích nghi, nhất là thời gian để học sinh lớp 12 thích nghi chỉ trong năm học. Nhưng thấy rõ những thay đổi tốt: Học sinh buộc phải đọc nhiều, buộc phải quan tâm đến các chủ đề khác nhau trong cuộc sống, thậm chí vấn đề thời sự và học sinh phải học để có kỹ năng viết, phải luyện viết nhiều hơn.
Sau kỳ thi, đề môn văn tuy vẫn được đánh giá là dài, là khó, nhưng lại mang đến cho số đông thí sinh tâm lý nhẹ nhõm, hứng khởi khi các câu hỏi mở cho phép thí sinh bày tỏ suy nghĩ độc lập.
Các đề thi toán, lý, hóa, tiếng Anh... tuy theo đánh giá của giáo viên, thí sinh thì độ dễ khó khác nhau và cũng có nhiều ý kiến trái chiều, gay gắt.
PGS.TS Vũ Quốc Trung - giảng viên cao cấp khoa hóa học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ về đề thi tốt nghiệp môn hóa học 2025: "Đã có bước chuyển mạnh mẽ từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của người học nhờ sự thay đổi về cấu trúc đề, dựa trên ma trận được xây dựng để đánh giá các thành phần của năng lực hóa học, các câu hỏi được xây dựng dựa trên các bối cảnh có ý nghĩa trong học tập và đời sống.
Đề thi môn lý, hóa của kỳ thi vừa qua cũng được nhiều giáo viên phổ thông đánh giá tốt cả về tính vừa sức và sự thay đổi mục tiêu đánh giá năng lực".
Ngay ở đề toán đang gây tranh cãi về độ khó thì có những giáo viên cũng đánh giá cao việc "các bài toán không chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết, kỹ năng giải toán thuần túy mà còn đặt học sinh vào các tình huống gần gũi với đời sống như app quản lý tin nhắn quảng cáo trên điện thoại, lượng thuốc tồn dư trong nước trong ngành nuôi trồng thủy sản, mô hình hóa toán học trong việc quan sát chuyển động của một vật trong không gian, bài toán tối ưu trong kinh tế hay bài toán tính thể tích của một vật trang trí".
"Với hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, cụ thể ở môn hóa tôi nghĩ thầy, cô giáo ở bậc phổ thông sẽ hiểu mình nên làm gì, thay đổi thế nào trong việc dạy học", thầy Vũ Quốc Trung đánh giá.
Tính hợp lý của đề thi rất quan trọng
Nhiều giáo viên phổ thông các môn tiếng Anh và toán khi trao đổi về đề thi toán năm nay đều thống nhất cho rằng đề thi khó.
Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Minh Tuấn - Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - phân tích: Nhiều học sinh nhìn đề toán thấy lạ và sốc, có lẽ vì không quen với các dạng thức trắc nghiệm mới.
Bên cạnh đó một số câu hỏi tuy bản chất toán học không mới so với nội dung được học nhưng hình thái hỏi mới. Điều này cho thấy cách dạy và học cần tiếp tục thay đổi. Tuy vậy thầy Tuấn cũng cho rằng đề toán vừa qua có một số câu khó mà học sinh bình thường sẽ chật vật nhưng tỉ lệ này không nhiều.
"Để đánh giá một cách chuẩn xác nhất về độ khó của đề thi tác động lên thí sinh như thế nào thì cần chờ tới khi có điểm thi và bản phân tích từ phổ điểm. Nếu kết quả thi cho thấy tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình thấp thì chứng tỏ đề thi khó hơn trình độ chung của học sinh phổ thông", một chuyên gia ngành toán chia sẻ quan điểm.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng: Tính hợp lý (với mục tiêu kỳ thi, đối tượng dự thi) của kỳ thi này quan trọng. Ra được những câu hỏi hay không khó với người ra đề nhưng ra như thế nào để vừa sức nhưng lại đủ để tác động tích cực lại việc dạy học ở phổ thông mới là việc khó làm. Và khi đề thi được đánh giá là khó (dựa trên kết quả thi) thì cần xem lại hai yếu tố. Thứ nhất là trách nhiệm của người ra đề thi, thứ hai là trách nhiệm của người dạy và học.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực Việt Nam, bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ cách đổi mới của đề thi năm nay. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, do đó đề thi cần được xây dựng phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực của học sinh.
Việc đổi mới cách thức ra đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ tạo ra chuyển biến tích cực, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường".
Tuy nhiên cô Thu Anh cũng nhấn mạnh tính hợp lý và mức độ vừa sức với học sinh cần được đặc biệt quan tâm, nhất là đối với một kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH.
"Tôi mong các giáo viên phổ thông tham gia ban ra đề cần mạnh dạn đóng góp ý kiến về mức độ phù hợp của các câu hỏi với trình độ thực tế của học sinh. 'Độ khó' hay 'độ mới' của đề thi có thể tăng dần nhưng phải ở mức tạo động lực cho người dạy, người học chứ không trở thành áp lực", cô nói.
Giáo viên hướng dẫn thí sinh tại điểm thi trường THPT Lắk (Đắk Lắk) nhận thẻ dự thi - Ảnh: Minh Phương
Ổn định ma trận đề thi
Thầy Vũ Quốc Trung cho rằng Bộ GD-ĐT cần ổn định ma trận đề thi (với những môn đã có kiểm nghiệm tính hợp lý từ kỳ thi vừa qua) trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp theo. Cần duy trì và tăng cường các câu hỏi liên quan tới thực nghiệm và thực tế, các lệnh hỏi cần bám sát yêu cầu cần đạt và nhằm hướng tới việc đánh giá thành phần năng lực nào.
Cùng với đó, theo thầy Trung, các trường THPT cần tiếp tục thay đổi cách tổ chức dạy học và đánh giá quá trình theo hướng bám sát yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học.
Việc đa dạng hóa hình thức dạy học phù hợp với yêu cầu cần đạt vì năng lực của học sinh chỉ được hình thành và phát triển qua các hoạt động dạy học (việc trải nghiệm trên lớp thông qua các hoạt động học tập, thực tế cuộc sống, trong phòng thí nghiệm, trên nhà máy, xí nghiệp, ruộng đồng, hoạt động nghiên cứu...).
Việc đánh giá với học sinh cũng phải đa dạng, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên (thông qua các hoạt động dạy học, từ tương tác trên lớp, bài thuyết trình, sản phẩm nghiên cứu, thực nghiệm, đánh giá cá nhân, đánh giá đồng đẳng) của học sinh, kết hợp với đánh giá định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ).
"Việc tăng cường gắn thực tiễn với bài học, bám sát yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học cũng giúp học sinh phát triển năng lực, đồng thời là hành trình giúp học sinh tự tin và đạt kết quả tốt hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT" - thầy Trung bày tỏ quan điểm.
Rõ định hướng đánh giá năng lực
Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - nhận định: "Trước hết không thể phủ nhận rằng cấu trúc đề thi năm nay đã cho thấy rõ định hướng đánh giá năng lực thay vì tái hiện kiến thức.
Các đề thi được thiết kế theo cấu trúc ba phần, tương ứng với ba mức độ nhận biết - thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cách tiếp cận này đòi hỏi người học không chỉ học thuộc mà còn phải hiểu sâu, biết phân tích, lập luận, giải quyết vấn đề - những năng lực cốt lõi mà chương trình 2018 nhấn mạnh.
Những câu hỏi mang tính thực tiễn được tăng cường, góp phần khơi dậy tư duy sáng tạo và liên hệ cuộc sống của học sinh, đồng thời dần xóa bỏ tình trạng học tủ, học thuộc lòng máy móc vốn là căn bệnh trầm kha trong giáo dục nhiều năm qua".
Ông Phú cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay là một cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới dạy và học trong nhà trường phổ thông. Trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã kiên trì triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua các phương pháp dạy học tích cực, đánh giá đa dạng và thực chất.
Đề thi năm nay chính là bước chuyển thể hiện rõ nét tinh thần đó - không còn đất cho học tủ, học vẹt mà khuyến khích tư duy, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: "Nhiều thí sinh, giáo viên cho rằng đề thi môn toán, tiếng Anh quá khó, nội dung không nằm trong sách giáo khoa, thí sinh không thể hiểu được đề thi, không có khả năng đọc hiểu vấn đề được nêu trong bài thi...
Điều này đã chứng tỏ là chương trình mới, phương pháp dạy mới nhưng cách dạy của một bộ phận giáo viên vẫn theo cách cũ (tức là truyền đạt nội dung). Và hệ quả là học sinh không thể giải quyết được đề thi.
Nội dung đề thi được xây dựng theo định hướng vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn nên học sinh ngoài việc nắm vững kiến thức nền tảng còn cần được huấn luyện cách phân tích, tổng hợp, vận dụng kiến thức. Đây là công việc mà giáo viên phải làm khi thực hiện chương trình mới 2018" - vị cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.
Tương tự, thầy Lê Minh Châu - tổ phó tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - thừa nhận: "Đúng là đề thi tiếng Anh năm nay có hơi quá tầm với một bộ phận thí sinh. Nếu mức độ phần từ vựng nhẹ hơn một chút thì các thí sinh sẽ phấn khởi hơn, điểm 10 môn tiếng Anh sẽ nhiều hơn.
Tuy vậy, đề thi khiến cho thí sinh khó lấy 9, 10 điểm nhưng nếu học và hiểu bài, biết áp dụng kiến thức vào thực tế thì trình độ trung bình vẫn có thể đạt được từ 4-6 điểm để tốt nghiệp THPT. Chỉ những thí sinh học theo kiểu cũ, học thuộc lòng, học cách làm bài bằng "mẹo" thì chắc chắn không làm được bài".
Quyết liệt "thay đổi lối mòn"
"Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, bài học rút ra là cấp quản lý cần chỉ đạo quyết liệt hơn để các nhà trường "thoát khỏi lối mòn". Giáo viên cần triệt để thay đổi phương pháp dạy, đa dạng hóa hình thức đánh giá, dạy học sinh biết đọc hiểu các ngữ liệu mở, phát triển năng lực người học. Học sinh cần chủ động học tập phát triển năng lực.
Trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, việc không thay đổi phương pháp dạy và học không chỉ làm trì trệ nền giáo dục. Hơn thế nữa, lực lượng lao động trong tương lai cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thời đại" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.
Tạo môi trường khuyến khích đổi mới dạy học
Theo cô Thu Anh, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ là cơ sở quan trọng để điều chỉnh và tăng cường chỉ đạo chuyên môn trong hoạt động dạy học ở các trường phổ thông.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế quản lý chuyên môn hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần tạo dựng môi trường hỗ trợ với đầy đủ điều kiện cần thiết nhằm khích lệ giáo viên và học sinh chủ động đổi mới phương pháp dạy và học.
Không nên tồn tại kỳ thi 2 trong 1
Các thí sinh tại điểm thi Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) kiểm tra và điền thông tin cá nhân tại phòng thi - Ảnh: NAM TRẦN
Thực chất mục tiêu "hai trong một" của kỳ thi tốt nghiệp THPT - vừa để xét tốt nghiệp vừa để tuyển sinh ĐH - đã bộc lộ những bất hợp lý kéo dài suốt nhiều năm. Thi tốt nghiệp cần bảo đảm chuẩn đầu ra phổ thông, còn tuyển sinh ĐH cần cơ chế đánh giá riêng, phù hợp đặc thù từng ngành, từng trường.
Cố gắng gộp hai mục tiêu vào một kỳ thi vô hình trung làm giảm giá trị của cả hai, gây hoang mang trong định hướng học tập của học sinh và định hướng tổ chức dạy học của nhà trường.
Như kỳ thi vừa qua khi đề có độ phân hóa cao để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH thì những nội dung nâng cao, ứng dụng, liên môn được lồng ghép đã vượt quá mức tối thiểu cần thiết cho một kỳ thi tốt nghiệp. Việc này vô tình tạo áp lực cho học sinh phổ thông và làm dấy lên tâm lý chạy theo luyện thi, học thêm. Vì vậy cần nhìn nhận thẳng thắn rằng không thể áp dụng khẩu hiệu "học gì thi nấy" cho một kỳ thi mà mục tiêu vẫn còn nhập nhằng.
Bộ GD-ĐT đã tiến một bước đáng ghi nhận về kỹ thuật ra đề và định hướng đánh giá nhưng để thật sự đổi mới thực chất cần dũng cảm tách bạch mục tiêu. Khi đó việc dạy - học - thi mới thật sự đồng bộ, không gượng ép khẩu hiệu mà tạo ra một nền giáo dục trung thực, khoa học và phát triển năng lực bền vững cho thế hệ trẻ.
Ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-tao-dong-luc-doi-moi-thay-vi-ap-luc-20250701083144432.htm
Bình luận (0)