Ưu tiên trụ sở dôi dư cho y tế, giáo dục
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và thể hiện tính ưu việt chăm lo cho thế hệ tương lai của nước ta.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: QH).
Thời gian qua, ông Hạ cho biết đã khắc phục được những khó khăn, tồn tại như các nhóm trẻ mầm non không đảm bảo, chịu cảnh bạo hành, điều kiện học tập không được tốt từ người quản lý, người trực tiếp giảng dạy chưa được bồi dưỡng...
Liên quan đến chính sách miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu nêu vấn đề cần nghiên cứu là hình thức hỗ trợ nhằm đảm bảo tính công bằng. Hiện nay dự thảo nghị quyết đề xuất hỗ trợ đến cơ sở giáo dục đào tạo (không phân biệt trường công lập hay tư thục) hoặc hình thức hỗ trợ trên đầu học sinh.
Về việc này, đại biểu cho rằng cần hướng đến việc hỗ trợ học phí trực tiếp cho học sinh để đảm bảo tính công bằng.
Theo thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh. Cơ quan soạn thảo tính toán tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện chính sách là khoảng 30.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, dù chưa có quy định này thì hàng năm đã chi ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm để thực hiện các hình thức hỗ trợ. Vì vậy, kinh phí chỉ phát sinh thêm khoảng 8.200 tỷ đồng.
Liên quan đến việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỷ đồng.
Đại biểu đề nghị rà soát cụ thể liên quan đến nguồn kinh phí dự kiến này. Bên cạnh đó, liên quan đến thực hiện sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện sẽ có nhiều nguồn lực về cơ sở hạ tầng, trụ sở dôi dư.
Với cơ sở hạ tầng này, đại biểu cho rằng cần ưu tiên sử dụng cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... Như vậy, cũng có thể đáp ứng 1 phần về cơ sở hạ tầng.
Làm rõ cơ chế ưu đãi
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) tán thành ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí để chăm lo cho thế hệ trẻ theo hướng đầy đủ, toàn diện.
Về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, đại biểu bày tỏ, các quy định trong dự thảo chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết khó khăn, bất cập của giáo dục vùng cao nói chung, cũng như giáo dục mầm non ở vùng cao nói riêng.
Thực tế, cơ sở giáo dục mầm non ở các khu vực này, nhất là ở miền núi còn thiếu thốn, điều kiện khó khăn. Việc tuyển dụng nhân viên, giáo viên cho những cơ sở này rất khó, có những địa phương thiếu đến 200 giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Ảnh: QH).
"Ở vùng cao không có nguồn tuyển, mà nhiều trường hợp tuyển được người cũng không giữ được giáo viên gắn bó lâu dài với trường", ông Luận cho hay.
Nêu đặc thù của giáo dục mầm non, đại biểu cho biết, khu vực vùng cao, bãi ngang, hải đảo hết sức khó khăn. Không chỉ với giáo viên, có địa phương đã ban hành nghị quyết sử dụng tiền ngân sách của tỉnh để hỗ trợ tiền ăn trưa với những trẻ không thuộc đối tượng hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định số 45.
Do đó, theo đại biểu, cần có chính sách ưu đãi đặc thù trong đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, tuyển dụng với nhân viên, giáo viên những cơ sở này.
Vì vậy, quy định như dự thảo nghị quyết là chưa rõ, chưa đầy đủ. Cho nên, đại biểu kiến nghị cần ghi rõ có chính sách, cơ chế ưu đãi để làm cơ sở phổ cập giáo dục mầm non.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-xuat-chi-ho-tro-hoc-phi-truc-tiep-cho-hoc-sinh-20250522155630373.htm
Bình luận (0)