Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đếm tuổi một câu ca…

“Lời hát xưa sao nghe thắm đượm tình”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng biểu lộ cảm xúc sau khi dẫn hai câu ca dao quen thuộc có nhắc đến địa danh Quảng Nam qua một làn điệu hò khoan. Có ai nhớ lời hát “thắm đượm tình” đó đã bao nhiêu tuổi?

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam11/05/2025

CAU CA hxh
Có con thuyền hò khoan đối đáp từng "neo" bên sông Hoài, Hội An (ẢNH: H.X.H)

“Còn non tuổi”

Một ngày cuối tháng 10/1970, từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ và Thăng Bình rồi bị vây khốn bởi trận lũ lớn, nhà nghiên cứu Tràng Thiên đành phải bó gối ngồi chờ nước rút tại nhà người quen. Khi ấy, ông tình cờ nghe một người dân địa phương nghêu ngao: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say…”.

Ông kể lại kỷ niệm này trong tùy bút “Mưa và thơ”, viết sau đó 2 năm, tất nhiên câu ca vừa được ông trích dẫn có chút khác biệt giữa mấy chữ “đã” và “đà”. Bởi sau này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong dân gian vẫn lưu truyền chữ “đà”. Chữ “đà” đắt hơn và bao hàm cả “đã”, “đang”, “sẽ”. Nhưng đó là khía cạnh dị bản, sẽ nhắc thêm ở đoạn sau.

Câu chuyện quan trọng mà tác giả Tràng Thiên muốn chia sẻ là khi ông nhận ra 2 câu ca dao quen thuộc này đang mượn thể thơ dân tộc, thể thất ngôn Việt. Với lối ngắt nhịp 3-2-2 và kết thúc bằng nhịp chẵn, ông cao hứng bảo câu ca dao xứ Quảng đã “nhất định cự tuyệt một cuộc chung sống với câu thất ngôn Tàu” vốn dĩ có nhịp 2-2-3.

Riêng tôi, khi đọc tùy bút của Tràng Thiên lại thấy thấp thoáng câu chuyện tuổi tác. Bởi sau khi dẫn thêm câu ca dao thất ngôn Việt “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng anh tiếc lắm thay”, Tràng Thiên bình phẩm: “Cặp thứ nhất (tức câu ca dao “Đất Quảng Nam…” - NV) phải ra đời sau ngày thành lập xứ Quảng, là một câu ca dao còn non tuổi. Hai câu sau và vô số câu ca dao tương tự, ai biết chúng xuất hiện vào thời nào? Thể thất ngôn Việt đã sống với chúng ta nghìn năm chăng? Hay hai nghìn năm?” (Mưa và thơ - trích).

“Phải ra đời sau ngày thành lập xứ Quảng”, ắt hẳn ông ấy đang muốn nói đến cột mốc lịch sử 1471 chăng? Bởi theo sử sách, tháng 6/1471, vua Lê Thánh Tông sau khi bình Chiêm đã cho lập đạo thừa tuyên thứ 13 mang tên Quảng Nam.

“Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép rõ, Quảng Nam khi ấy đặt 3 ty, gồm Đô ty, Thừa ty, Hiến ty… Lúc viết tùy bút “Mưa và thơ”, độ lùi thời gian lên đến hơn 500 năm, ấy vậy mà tác giả Tràng Thiên vẫn bảo câu ca dao xứ Quảng “còn non tuổi”, có lẽ muốn so sánh với những câu ca xuất hiện cả ngàn năm trước đó.

Tâm tình biết ơn

Nhưng thật lạ, câu ca dao “còn non tuổi” vừa nhắc lại được xếp vào danh sách những câu ca có nhiều dị bản nhất, tức khác nhau ở 2 câu kế tiếp ngoài 2 câu đầu.

Trong số gần 400 câu ca dao trữ tình Quảng Nam đã được sưu tầm, Giáo sư Trương Dĩnh (Trường Đại học khoa học - Đại học Huế) gọi đây chính là “câu ca dao kỳ lạ của xứ Quảng”. Ông không muốn dùng từ “dị bản” mà gọi đó là “biến thể”, dẫn ra đến 12 biến thể để chứng minh và cho rằng “đó là điều ta cần suy nghĩ”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) khi khảo cứu về văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng ở vùng đồng bằng cũng đã sớm tập hợp chi tiết, đầy đủ 12 dị bản này, phân loại một cách tương đối 9 dị bản trữ tình, 3 dị bản phản ánh lịch sử.

Trong 9 dị bản trữ tình, ông nhận ra có đến 3 câu ca của vùng Thừa Thiên Huế. Thậm chí, có dị bản được cho gắn với sự kiện Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết khi giữ thành Hà Nội năm 1882, người dân làng cũ ở Điện Bàn lưu truyền câu hát (tiếp sau 2 câu “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say): “Anh hùng thước lụa trao tay/ Nước non một gánh vơi đầy ai hay?”.

Lại có dị bản ra đời nhân phong trào Duy tân khởi phát hồi đầu thế kỷ 20 (…Bạn về đừng ngủ, gác tay/ Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo), hay viết sau Hiệp định Genève 1954 (…Tình non nghĩa nước bao ngày/ Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương).

Nhiều thay đổi kể từ khi câu ca truyền qua bao đời, nhưng nếu đếm “tuổi” thì không quá khác biệt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn cũng có ý đề cập cột mốc lịch sử 1471 khi suy đoán về thời điểm ra đời, rằng “có lẽ xuất hiện đã lâu lắm rồi, sau khi Quảng Nam trở thành một vùng đất mới trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam”.

Câu ca dao quen thuộc gắn liền với địa danh Quảng Nam ấy, sau này được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa vào đầu ca khúc “Quảng Nam yêu thương” qua một làn điệu hò khoan.

Còn nhạc sĩ Phan Văn Minh (tác giả “Cả nhà thương nhau”) lại nhìn sâu vào “Quảng Nam yêu thương”, để nhận ra ca khúc ấy có đủ “hương liệu” nói hộ tâm tình cho đất và người xứ Quảng. Bởi “Quảng Nam yêu thương” có điệu thức Nam ai, có giai điệu bài “Lý tang tít”, có điệu “Hò chèo thuyền” (trên sông cái)… và ca từ mộc mạc, dung dị.

*
* *

Trên hành trình Nam tiến, tiền nhân từng dừng nghỉ ở cột mốc thời gian (năm 1471) và khai sinh một vùng đất như Quảng Nam, để rồi địa danh ấy đi vào câu ca tiếng hát. Theo thời gian, chính những câu ca quen thuộc đã “neo” địa danh ấy vào âm nhạc truyền thống và ký ức dân gian.

Kể cả khi chiếc thuyền thời gian nhổ neo, thì tên đất tên làng cũ vẫn được níu giữ và mãi chuyên chở trong câu ca xưa. Như thi sĩ Xuân Diệu từng phân vân “ai đem phân chất một mùi hương”, có lẽ không cần ngồi đếm tuổi mà hãy dành cho câu ca ấy tâm tình biết ơn.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/dem-tuoi-mot-cau-ca-3154504.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm