Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dệt may muốn tăng tự chủ nguyên liệu

Trong thời gian chờ kết quả liên quan đến thuế đối ứng, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực tự chủ.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ10/07/2025

dệt may - Ảnh 1.

Ngành dệt may “tăng tốc” tái cấu trúc chuỗi cung ứng, ưu tiên đầu tư nguyên liệu trong nước để nâng cao năng lực tự chủ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các doanh nghiệp dệt may đồng tình rằng không thể tiếp tục dựa vào mô hình gia công truyền thống hay lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, phải chủ động thích ứng, chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Chủ động chuỗi cung ứng

Theo ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), doanh nghiệp đã sớm chuyển hướng sang chuỗi sản xuất khép kín, tự chủ từ khâu nhập bông, kéo sợi, dệt, nhuộm đến cắt may, qua đó không phụ thuộc vào nguyên liệu từ một quốc gia cụ thể. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chứng minh được xuất xứ nội địa của sản phẩm, một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro thuế quan.

"Nếu chứng minh được 100% nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam, mức thuế xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm đáng kể", ông Tùng nói nhưng thừa nhận phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa do đó vẫn đang ở hình thức gia công đơn thuần, trong khi nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Cùng quan điểm, ông Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty may Dony, đánh giá rằng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào nội địa hóa không còn là lựa chọn mà là "yêu cầu tất yếu". Theo ông, khả năng tự chủ sẽ trở thành vũ khí chiến lược để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trước các biến động khó lường.

"Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn "cố gắng làm", chưa bước vào trạng thái "buộc phải làm". Nhưng chỉ khi rơi vào tình thế bắt buộc, con người mới có thể làm nên điều phi thường", ông Quang Anh nói và đồng thời đặt vấn đề: "Nếu không bắt đầu từ bây giờ, thì bao giờ mới đến đích?".

"Giá rẻ" không còn là lợi thế

dệt may - Ảnh 2.

Ngành dệt may Việt Nam muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa. Trong ảnh: buôn bán quần áo tại chợ Bến Thành (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ góc độ hiệp hội ngành, ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng tích hợp trong nước, tiến tới giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ những thị trường tiềm ẩn rủi ro nước ngoài.

Ông Việt đặc biệt nhấn mạnh mô hình "nearshoring nội địa" - phát triển chuỗi sản xuất khép kín ngay trong nước, bao gồm từ sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất đến logistics và tài chính xanh. TP.HCM với hạ tầng và nguồn lực hiện có, có thể đi đầu bằng cách hình thành khu công nghiệp thời trang xanh đạt chuẩn ESG, tích hợp trung tâm kiểm định chất lượng, logistics, thương mại điện tử và các công cụ tài chính carbon.

"Ngành dệt may không thể mãi duy trì mô hình FOB (gia công theo đơn hàng có sẵn) - vốn có biên lợi nhuận thấp và dễ bị thay thế bởi các quốc gia chi phí thấp hơn như Bangladesh, Myanmar", ông Việt phân tích. Theo đó, con đường sống còn của doanh nghiệp là chuyển từ FOB sang ODM (thiết kế theo đơn đặt hàng), tiến tới OBM (xây dựng và kinh doanh thương hiệu riêng trên thị trường toàn cầu).

Tuy nhiên, để thực hiện được chuyển đổi trên, ông Việt cho rằng cần một "cuộc đại tu" về chính sách và tư duy quản lý. Nhà nước cần chuyển từ vai trò quản lý hành chính sang kiến tạo hệ sinh thái, trong đó doanh nghiệp không đơn độc mà được kết nối chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thiết kế đến logistics và thương mại điện tử.

"Không thể tiếp tục cách làm cũ. Ngành dệt may Việt Nam phải bước vào một giai đoạn mới - chủ động, sáng tạo và bền vững. Chỉ khi làm chủ được thương hiệu, công nghệ và dữ liệu chuỗi cung ứng, chúng ta mới thực sự có tiếng nói trên thị trường toàn cầu", ông Việt khẳng định.

Xuất khẩu dệt may duy trì đà tăng trưởng ổn định

Dù thị trường 5 tháng đầu năm 2025 còn nhiều thách thức về tiêu dùng và thuế quan, xuất khẩu dệt may vẫn ghi nhận mức tăng ổn định. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch toàn ngành đạt gần 17,6 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2024; riêng hàng may mặc đạt 13,82 tỉ USD (tăng 11,6%), vải tăng 6%, trong khi xơ sợi giảm nhẹ.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với gần 7 tỉ USD (tăng 17%). Các thị trường trọng điểm khác như EU, Nhật Bản, ASEAN đều ghi nhận mức tăng hai con số. Hiện sản phẩm dệt may Việt Nam đã có mặt tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành quả trên được các chuyên gia đánh giá là kết quả từ nỗ lực thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.

Tận dụng lợi thế từ 17 FTA đã ký (trong đó 16 đang có hiệu lực), doanh nghiệp đang đẩy mạnh đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong quý 3 để dự phòng cho các biến động sắp tới.

Trở lại chủ đề
NHẬT XUÂN

Nguồn: https://tuoitre.vn/det-may-muon-tang-tu-chu-nguyen-lieu-20250710080626073.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm