Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Điểm tựa giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích

(Baothanhhoa.vn) - Giữa xã hội hiện đại đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ, hàng trăm nghìn người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh đang tìm kiếm chỗ đứng của mình. Thiếu vắng các viện dưỡng lão chất lượng cao, thiếu lớp học công nghệ dành riêng cho người già, cùng với khoảng trống trong chính sách an sinh, đã tạo nên bức tranh tương phản về cuộc sống NCT.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa08/05/2025

Điểm tựa giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích

Nhiều người cao tuổi vẫn phải làm quen với công nghệ thông tin để tiếp cận xã hội hiện đại.

Bình minh vừa ló rạng, bà Lê Thị Lợi, 78 tuổi, ở TP Thanh Hóa đã ra con đê gần nhà nơi có vài người đang chờ đợi. Đoàn người già nối đuôi nhau trên con đê, những bước chân nhẹ nhàng vừa đi vừa vung tay nhịp nhàng. "Giờ con cái lớn cả rồi. Mỗi ngày, dù trời nắng hay mưa, tôi và các bà bạn vẫn kiên trì đi bộ. Tối đến, chúng tôi lại ra nhà văn hóa phố để sinh hoạt với câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau - ở đó chúng tôi được trò chuyện, tâm sự, được tập luyện thể dục" - bà Lợi chia sẻ.

Câu chuyện của bà Lợi là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh già hóa dân số đang diễn ra tại tỉnh ta. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 607.092 NCT, chiếm 16% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 433.014 người từ 60 đến dưới 80 tuổi, và 264.078 người từ 80 tuổi trở lên. Phụ nữ cao tuổi chiếm đa số với 322.935 người, so với 284.157 nam giới. Chỉ một nửa số NCT (305.703 người) được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Nửa còn lại phải tự lo liệu cuộc sống hoặc phụ thuộc vào con cháu. Khoảng 12.000 NCT trong tỉnh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. 3% NCT vẫn chưa có thẻ BHYT, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Đối với họ, mỗi cơn bệnh tật đều là gánh nặng tài chính.

Mặc dù dân số già hóa nhanh chóng, song trên địa bàn tỉnh chưa có một viện dưỡng lão chất lượng cao nào. Toàn tỉnh chỉ có 6 cơ sở trợ giúp xã hội liên quan đến chăm sóc NCT, chủ yếu phục vụ đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Trần Văn Hùng, 85 tuổi, cán bộ hưu trí ở TP Thanh Hóa, chia sẻ: "Tôi sống một mình. Nhiều lúc đau ốm không ai chăm sóc, tôi đã tìm hiểu về các viện dưỡng lão nhưng không thấy nơi nào đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa, những mô hình lớp học, câu lạc bộ dành riêng cho NCT cũng còn hạn chế".

Giữa bối cảnh đó, những mô hình hỗ trợ NCT trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành điểm tựa quý giá. Đơn cử như, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đang trở thành một mô hình hiệu quả được nhiều người ghi nhận. Tỉnh ta hiện dẫn đầu cả nước với 1.200 câu lạc bộ loại này, thu hút 67.148 thành viên tham gia. Không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, các câu lạc bộ này còn tạo ra cơ hội kinh tế thông qua quỹ tương trợ với tổng giá trị lên đến 91 tỷ đồng. Hơn 16.000 người đã được vay vốn, hơn 4.700 hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn này.

Công tác chăm sóc sức khỏe NCT cũng được tỉnh quan tâm. Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức 385 cuộc tư vấn sức khỏe cho hơn 40.500 lượt NCT, và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 400.000 lượt người. Hiện có 558 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT với gần 20.000 thành viên tham gia.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, song công tác chăm sóc NCT vẫn đối mặt với thách thức. Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, cán bộ làm công tác NCT thường kiêm nhiệm nhiều việc với chế độ phụ cấp thấp. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp. Việc xã hội hóa hoạt động chăm sóc NCT gặp nhiều rào cản do thiếu chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai hay vay vốn. Vẫn còn nhiều NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, như những người từ 60 đến 75 tuổi thuộc hộ nghèo không có vợ/chồng, con, hoặc có người có nghĩa vụ phụng dưỡng nhưng không đủ khả năng. Họ đang sống trong khoảng trống chính sách.

Trước những thách thức này, nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra, như: Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật đối với công tác NCT; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật NCT, các chính sách đối với NCT; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của NCT;...

Có thể nói, khi xã hội tiếp tục phát triển, những mái đầu bạc vẫn đang tìm ý nghĩa sống. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng và gia đình sẽ là điểm tựa giúp họ không chỉ sống vui, sống khỏe mà còn sống có ích, tạo nên một xã hội văn minh, nhân văn, nơi giá trị của con người không bị đo đếm bằng tuổi tác hay khả năng lao động, mà bằng chính phẩm giá và giá trị nội tại của mỗi cá nhân.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/diem-tua-giup-nguoi-cao-tuoi-nbsp-song-vui-song-khoe-song-co-ich-248056.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm