Công nhân Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế kiểm tra các nguyên, vật liệu

Khoảng trống nhân lực

Huế ghi nhận những con số tích cực trên các lĩnh vực, điển hình như chỉ số sản xuất lẫn giá trị sản xuất công nghiệp tăng qua từng năm. Một số ngành ghi dấu ấn mạnh mẽ, đặc biệt là công nghiệp ô tô, lĩnh vực vốn được xem là chỉ có ở các trung tâm công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng. Các ngành dệt may, sợi, thực phẩm chế biến cũng tăng trưởng ổn định, góp phần đưa công nghiệp Huế tiệm cận với một chuỗi sản xuất hiện đại hơn. Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng ấy là những nỗi lo về nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ thuật có tay nghề và khả năng tiếp cận công nghệ mới.

Theo khảo sát tại các khu công nghiệp trên địa bàn, có đến 42% doanh nghiệp (DN) cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công việc. Khó vì thiếu người có kỹ năng, từ vận hành hệ thống tự động hóa, làm chủ công nghệ số cho đến khả năng sử dụng ngoại ngữ trong môi trường làm việc đa quốc gia. DN muốn mở rộng nhưng lại lo ngại không tìm được nguồn nhân lực phù hợp. Đó là một nghịch lý khi xét đến vai trò đào tạo vốn được xem là thế mạnh của Huế.

 Vận hành thiết bị tại xưởng lắp ráp ô tô Kim Long Motor Huế

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế, ông Nguyễn Tiến Hậu cho biết: Lực lượng lao động tại địa phương hiện chủ yếu là lao động phổ thông hoặc có tay nghề thấp. Trong khi đó, việc tuyển dụng nhân lực kỹ thuật cao, có khả năng vận hành máy móc và thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất trong thời đại số hóa là điều không dễ dàng. “Tuyển công nhân may ở địa phương thì không khó, nhưng để tìm được một cán bộ kỹ thuật thành thạo công nghệ hiện đại lại là chuyện khác,” ông Hậu chia sẻ.

Huế là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của miền Trung - Tây Nguyên, với hệ thống Đại học Huế cùng nhiều trường cao đẳng, trung cấp kỹ thuật. Hàng năm, các trường này cung cấp cho thị trường lao động hàng ngàn cử nhân, kỹ sư trong các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin...  Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, phần lớn sinh viên tốt nghiệp vẫn mang nặng tính lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành và chưa từng tiếp cận với môi trường sản xuất thực tế. Điều này dẫn đến một khoảng cách lớn giữa người học và nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Một thách thức khác có lẽ còn lớn hơn đó là tình trạng “chảy máu chất xám”. Một bộ phận không nhỏ sinh viên giỏi và kỹ sư có tay nghề cao sau khi tốt nghiệp đã rời Huế để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở các đô thị lớn hoặc ra nước ngoài. Mức lương còn thấp, thiếu môi trường làm việc năng động và chưa có nhiều DN công nghệ lớn đặt chân vào Huế là những nguyên nhân chính. Dù thành phố đã ban hành một số chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Tạo hệ sinh thái phù hợp

Trong mọi chiến lược phát triển, nhân lực là gốc rễ. Muốn có chu kỳ tăng trưởng bền vững, không thể không bắt đầu từ con người, những bàn tay kỹ thuật vững vàng, những khối óc đổi mới không ngừng và một môi trường làm việc đủ hấp dẫn để giữ chân họ ở lại.

Chính quyền TP. Huế đã có những bước đi nhằm tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa nhà trường, DN và chính sách quản lý. Một trong những hướng đi được đẩy mạnh là mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng, lấy nhu cầu thực tế làm trung tâm của chương trình học. Các chương trình đào tạo kép cũng được khuyến khích triển khai: Sinh viên không chỉ học tại trường mà còn thực hành trực tiếp tại nhà máy, xưởng sản xuất ngay từ năm thứ hai hoặc thứ ba.

Thành phố cũng đang đặt ra những tham vọng lớn, trong đó nổi bật là kế hoạch triển khai “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. Đây là lĩnh vực không chỉ cần vốn lớn mà còn đòi hỏi trình độ công nghệ và nhân lực kỹ thuật ở mức cao nhất. Đại học Huế được giao làm hạt nhân triển khai kế hoạch này, với trọng tâm là xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch, nâng cấp các trung tâm thực hành kỹ thuật và thiết lập liên kết hợp tác với các DN công nghệ trong và ngoài nước.

Theo Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp thành phố, hạ tầng ở khu vực này đang được đầu tư mạnh mẽ, các chính sách ưu đãi cũng dần được cụ thể hóa. Vấn đề cốt lõi còn lại là làm sao tạo được sự liên kết liên hoàn giữa ba “mắt xích”: Trường học - DN - chính sách. Một hệ sinh thái nhân lực kỹ thuật cao chỉ có thể phát triển nếu ba thành phần này cùng nhìn về một hướng và phối hợp chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Phan Quý Phương, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ muốn xây dựng nhà máy hiện đại, mà còn xây dựng con người hiện đại. TP. Huế đang kiến tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hấp dẫn để giữ chân người tài và tạo sức hút cho DN đầu tư lâu dài”.

Từ góc độ chính sách, việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Huế có thể là đòn bẩy quan trọng. Khi các DN lớn đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu tại địa phương, họ sẽ kéo theo hệ sinh thái phụ trợ, các chuỗi đào tạo chuyên sâu và cơ hội nghề nghiệp rõ ràng. Điều này sẽ tạo động lực để người trẻ ở lại, phát triển sự nghiệp và đóng góp cho quê hương. Đồng thời, cần có cơ chế rõ ràng trong việc triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, khuyến khích các trường đại học tự chủ hơn trong hợp tác với DN.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/dinh-hinh-nguon-nhan-luc-ky-thuat-cao-155574.html