Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định hướng công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(Chinhphu.vn) - Sáng 19/5, tại Hà Nội, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm về “Định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới”.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ19/05/2025

Định hướng công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho hay, để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật đối với cấp xã nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của lãnh đạo chính quyền ở cơ sở; tăng cường quyền tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện dân chủ tại cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg).

Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nền nếp.

Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn trên cả nước đạt tỷ lệ cao. Năm 2022 có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 93.8%. Năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 94.7%. Năm 2024, có 9.506/9.807, đạt tỷ lệ 96.9%.

Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Chẳng hạn như, có sự trùng lặp về mục đích đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nội dung của tiêu chí tiếp cận pháp luật và các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã khác;

Bên cạnh đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không còn phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp; thời gian đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phù hợp.

Gợi ý, định hướng thảo luận, ông Lê Vệ Quốc yêu cầu các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về việc tiếp tục duy trì hay không cần thiết thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật? Trường hợp đề xuất tiếp tục thực hiện công tác này thì cần sửa đổi bộ tiêu chí và cơ chế đánh giá, công nhận theo hướng nào để khắc phục sự trùng lắp giữa các bộ tiêu chí đánh giá chính quyền cấp cơ sở; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất…

Định hướng công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật - Ảnh 2.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá từ góc độ người dân thụ hưởng

Nhiều đại biểu cho rằng, để đáp ứng tình hình mới cần nghiên cứu xây dựng Quyết định mới thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg theo hướng xác định tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân; đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá để bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới ban hành và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Lê Thành Cung cho rằng, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những quy định nhằm tạo trách nhiệm cho chính quyền địa phương cấp cơ sở thực hiện các trách nhiệm của mình trong lĩnh vực về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, trách nhiệm đối với chính quyền địa phương không chỉ có trong một văn bản, đồng thời đánh giá đối với chính quyền cấp cơ sở. "Có rất nhiều bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về đánh giá chính quyền cấp xã như: Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí về đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh và Bộ tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự. Các bộ tiêu chí này đều có những tiêu chí, chỉ tiêu mà ngành Tư pháp cũng phải tham gia trong quá trình đánh giá", ông Lê Thành Cung nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Thành Cung đề xuất bãi bỏ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg để dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khác, bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Nếu tiếp tục giữ theo Quyết định thì phải tính toán việc sửa đổi và sử dụng các chỉ tiêu sao cho không trùng lặp, không lãng phí nguồn lực, trong đó kể cả thời gian đánh giá.

Đồng thời, đề xuất Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nghiên cứu xây dựng một bộ chỉ số nhưng với cách tiếp cận là đánh giá từ góc độ người dân thụ hưởng. Nếu bộ chỉ số này được công khai thì đây cũng là một kênh tạo ra được mục tiêu, đạt được mục tiêu như theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

"Vấn đề là để đánh giá thực chất thì là phải tính toán các tiêu chí khảo sát sao cho người dân đọc rất dễ hiểu, đồng thời cần sự phối hợp của các tổ chức. Điều này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều", Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Lê Thành Cung nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, khi thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, TP. Hà Nội cũng nhận thấy có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đó vẫn còn rất nhiều tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện như ở địa phương, cơ sở cứ mặc định việc đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật này là việc của Sở Tư pháp và của ngành Tư pháp. 

Do đó, bên cạnh nhân lực để triển khai thực hiện công tác đánh giá này tại cơ sở (mỗi xã, phường chỉ có 1 công chức tư pháp - hộ tịch) thì công chức này phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, việc triển khai đánh giá không thực sự nhận được sự phối hợp thực chất của các cơ quan, ban ngành có liên quan…

Bên cạnh đó, việc đánh giá lại có những tiêu chí trùng lặp với một số tiêu chí đánh giá khác trong quá trình thực hiện mục tiêu chung.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, trong bối cảnh yêu cầu tinh gọn, sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính và thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ có 126 đơn vị hành chính cấp xã. Nếu tiếp tục thực hiện đánh giá công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật đối với 126 đơn vị hành chính cấp xã này thì rất cần quy định rõ ràng về nội dung, hồ sơ, tài liệu và đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để phù hợp, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm phối hợp và cơ chế thực hiện.

Hơn nữa, rất cần phải tăng cường nguồn lực cho công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp tỉnh. Đây cũng sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh tinh giản bộ máy hiện nay.

Cùng quan điểm với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, bà Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, nên dành nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này cho các nhiệm vụ khác phù hợp với bối cảnh hiện nay; còn nếu vẫn tiếp tục duy trì triển khai thực hiện Quyết định 25 thì cần phải có một bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá sát với tình hình thực tiễn hiện nay, tức là trong bối cảnh các tỉnh và các xã chỉ còn hai cấp chính quyền.

Diệu Anh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/dinh-huong-cong-tac-danh-gia-cong-nhan-cap-xa-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-10225051913335322.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm