Đoàn công tác của Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH Han-Viet Mold Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Cùng với Đoàn công tác của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh đi kiểm tra tại một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong Thánh hành động về ATVSLĐ năm 2025, chúng tôi ghi nhận công tác này đang dần được chú trọng hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các DN đã tuân thủ pháp luật trong nhiều nội dung quan trọng: Ký kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ); tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, cấp phát đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân; ban hành nội quy - quy trình làm việc và thành lập bộ phận chuyên trách về ATVSLĐ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số vấn đề đáng lưu ý, cần quan tâm khắc phục kịp thời. Đơn cử, tại Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên), một số nội dung cốt lõi về chăm sóc sức khỏe NLĐ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, như khám sức khỏe định kỳ, quan trắc môi trường lao động hay chú trọng bộ phận y tế tại chỗ. Đối với Công ty TNHH bê tông và xây dựng Thâm Quyến (TP. Thái Nguyên), Công ty chưa báo cáo định kỳ về công tác y tế, chưa có bộ phận y tế hoặc hợp đồng với cơ sở y tế, chưa quan trắc môi trường lao động hằng năm và thiếu huấn luyện an toàn nhóm 1 cho NLĐ.
Còn tại Công ty TNHH Han - Viet Mold Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy), doanh nghiệp chưa xây dựng đầy đủ nội quy, quy trình làm việc an toàn; chưa bố trí cán bộ chuyên trách về ATVSLĐ; chưa tổ chức huấn luyện kịp thời cho lao động mới. Với Công ty CP Khai khoáng miền núi (trụ sở tại TP. Thái Nguyên), dù đã triển khai nhiều biện pháp an toàn, nhưng vẫn còn tồn tại việc chưa kịp thời kiểm định lại các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, buộc cơ quan kiểm tra phải yêu cầu tạm dừng vận hành những thiết bị này.
Những thiếu sót nêu trên không chỉ là vấn đề về mặt thủ tục, mà còn cho thấy những khoảng trống trong quản lý rủi ro tại nơi làm việc. Với đặc thù ngành nghề đòi hỏi tiếp xúc thường xuyên với thiết bị nặng, môi trường nhiệt độ cao hoặc khu vực khai thác mỏ, việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho NLĐ là điều không thể lơ là.
Một trong những điểm chung dễ nhận thấy qua công tác kiểm tra là nhiều DN vẫn chưa đầu tư bài bản cho công tác ATVSLĐ; chưa thực hiện đầy đủ các nội dung như khám sức khỏe định kỳ hay quan trắc môi trường lao động hàng năm. Điều này khiến cho DN khó nắm bắt chính xác mức độ tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, hóa chất, rung chấn… đến sức khỏe NLĐ. Hệ quả là một số bệnh nghề nghiệp có thể âm thầm phát triển, chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Công nhân Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên) tuân thủ các quy định về an toàn lao động khi tham gia sản xuất. |
Bên cạnh đó, việc chưa thực hiện báo cáo định kỳ về y tế lao động theo quy định sẽ khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu sức khỏe nghề nghiệp đồng bộ, nền tảng quan trọng để đưa ra các chính sách bảo vệ NLĐ phù hợp và hiệu quả. Ở một số DN, NLĐ phải tự xoay xở trong môi trường làm việc thiếu biển cảnh báo, không được cấp đủ hoặc cấp đúng phương tiện bảo hộ cá nhân, thậm chí phải làm việc với thiết bị đã hết hạn kiểm định.
Riêng đối với lĩnh vực khai thác mỏ, một ngành nghề có mức độ rủi ro cao, những yêu cầu kỹ thuật như tuân thủ thiết kế khai thác, bảo đảm chiều cao và mặt tầng, lắp đặt lan can tại các vị trí có độ dốc lớn… là yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn cho NLĐ. Việc chưa tuân thủ đầy đủ các quy định này không chỉ là thiếu sót về quy trình, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình khai thác, đặc biệt ở những khu vực địa hình phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đá lăn, sạt lở.
Từ những thực tế trên, đoàn kiểm tra của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã yêu cầu các DN cần khẩn trương khắc phục những tồn tại được chỉ ra, như: tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ NLĐ; thực hiện quan trắc môi trường lao động hằng năm; kiểm định định kỳ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện để bảo đảm sơ cấp cứu và xử lý sự cố kịp thời.
Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc đánh giá rủi ro ATVSLĐ tại nơi sản xuất, một quy định pháp lý bắt buộc, nhưng hiện nay vẫn bị xem nhẹ ở nhiều đơn vị. Đánh giá rủi ro là bước tiên quyết để xây dựng phương án phòng ngừa sự cố, xử lý tai nạn, từ đó nâng cao mức độ sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, các DN cần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ. Huấn luyện không chỉ là cấp chứng chỉ, mà phải là quá trình giúp NLĐ thực sự nắm được nguy cơ, biện pháp bảo vệ bản thân, biết cách ứng phó khi xảy ra sự cố. Việc huấn luyện cần được thực hiện định kỳ, có giám sát chất lượng và cấp thẻ đầy đủ cho người đã qua đào tạo.
Những vi phạm trong công tác ATVSLĐ không thể coi là "lỗi nhỏ", mà chính là “mồi nổ” tiềm tàng đe dọa an sinh của NLĐ và sự sống còn của DN. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là lương tâm, là văn hóa DN, điều không thể thiếu trong hành trình phát triển lâu dài và có trách nhiệm với xã hội.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/doanh-nghiep-an-toan-nguoi-lao-dong-vung-tin-4a90855/
Bình luận (0)