Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN-GDTX năm học 2025-2026 được báo cáo tại hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2025.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại28/07/2025

Ông Trương Anh Dũng, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cho biết: Trên cơ sở đánh giá tình hình năm học 2024-2025, chủ trương định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên đề xuất 8 nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của lĩnh vực này trong năm học 2025-2026.

Tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng, đề nghị các Sở GD&ĐT quan tâm trong thời gian tới.

Lưu ý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Trước hết về các nhiệm vụ chuyên môn lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng lưu ý nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định, chính sách về giáo dục nghề nghiệp (đối với người học, người dạy, cơ sở); chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt chú ý kiểm tra việc tuyển sinh đào tạo, chính sách đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ cho người học từ các chương trình, dự án của nhà nước. Đồng thời, quan tâm các hoạt động góp ý kiến cho Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi.

Về nhiệm vụ chuyên môn lĩnh vực giáo dục thường xuyên, theo ông Trương Anh Dũng, đây là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến tất cả các cấp bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, quy mô đối tượng quản lý lớn, khối lượng công việc nhiều, với rất nhiều chủ trương của Đảng, Nghị định của Chính phủ, đề án, chính sách của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ.

Các yêu cầu, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ năm học 2024-2025 vẫn còn nguyên giá trị. Ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh lại 8 nhóm nhiệm vụ:

Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập; Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên;

Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ; chú trọng xóa mù chữ tại những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỷ lệ người mù chữ cao;

Huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên tại các địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị cơ sở và trong các hoạt động giáo dục thường xuyên; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về giáo dục thường xuyên;

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng. Tích cực tham gia xây dựng chính sách về giáo dục thường xuyên.

Ngoài ra, ông Trương Anh Dũng cũng bổ sung, lưu ý thêm một số vấn đề phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền theo Nghị định số 142, Nghị định số 143 của Chính phủ.

Hiện nay có gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó khoảng 800 trường cao đẳng, trung cấp; 19.000 cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm tin học, ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

gdnn.jpg

Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia

Từ cuối tháng 6/2025, Cục Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên được giao là đầu mối của Bộ GD&ĐT, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ triển khai các Dự án, Tiểu dự án về GD-ĐT trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo ông Trương Anh Dũng, việc ban hành kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho cả giai đoạn 2021-2025 tại nhiều địa phương được xây dựng trên cơ sở tổng hợp nhu cầu từ các huyện, chưa bám sát phương án giao kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn phân bổ cho cả giai đoạn và từng năm của Bộ GD&ĐT.

Do vậy, cơ cấu nhiệm vụ có nhiều chênh lệch, thậm chí có nhiệm vụ chưa được thực hiện đầy đủ như xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số Sở GD&ĐT phản ánh việc không nắm bắt được tổng số kinh phí cũng như số lượng mục tiêu nhiệm vụ của trên địa bàn tỉnh. Do vậy, quá trình đôn đốc thực hiện cũng như triển khai báo cáo gặp nhiều khó khăn, số liệu thiếu tính ổn định, đồng bộ, tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Một số Sở GD&ĐT buông lỏng quản lý, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và không thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiểu dự án thành phần; không nắm bắt được tổng số kinh phí cũng như số lượng các mục tiêu nhiệm vụ của các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh, không thực hiện việc đôn đốc triển khai với vai trò là đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì. Do vậy, quá trình tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện bị chậm muộn, thiếu thông tin gây khó khăn không nhỏ trong việc tổng hợp, điều hành ở cấp trung ương. Kết quả thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng đạt thấp.

Việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện ở một số địa phương còn bị chậm muộn, thiếu thông tin gây khó khăn không nhỏ trong việc tổng hợp, điều hành ở cấp trung ương.

Để tiếp tục triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia này trong giai đoạn 2026-2030, Cục Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đề nghị Giám đốc các Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành Giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn theo quan điểm của Hiến pháp và Luật Giáo dục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu... Trong đó ưu tiên đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đào tạo nghề tại các địa phương.

Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đôn đốc các đơn vị chủ trì các dự án thành phần hoàn thành thủ tục triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo đủ điều kiện để phân bổ kinh phí theo quy định. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đã được giao trong năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bám sát hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ GD&ĐT để rà soát kế hoạch thực hiện tại địa phương bao gồm: Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong cả giai đoạn và hàng năm gắn với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 làm căn cứ triển khai.

Đẩy mạnh công tác Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý và nội dung, phương pháp giáo dục đặc thù.

Tổ chức hướng dẫn, rà soát… tập trung làm rõ nội dung, nhu cầu đầu tư của các đối tượng thụ hưởng làm cơ sở tính toán nhu cầu kinh phí trong giai đoạn 2026-2030 tại các Tiểu dự án thành phần trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được kỳ vọng sẽ giải quyết các nhu cầu kỹ năng hiện tại và tương lai của nền kinh tế, nhu cầu của các cá nhân về khả năng làm việc ngắn hạn đến dài hạn, trở thành một trụ cột thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội, học tập suốt đời. - Ông Trương Anh Dũng

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen-post741727.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm