Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng hành hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THPT

Mỗi mùa tốt nghiệp THPT, câu hỏi “Học tiếp hay đi làm?” lại trở thành nỗi trăn trở lớn với học sinh và gia đình. Trong bối cảnh thị trường lao động đang ngày càng khắt khe và yêu cầu kỹ năng thực tiễn cao, việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THPT đang trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định08/05/2025

Dự án khởi nghiệp của học sinh Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên).
Dự án khởi nghiệp của học sinh Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên).

Từ thực tiễn “thừa thầy, thiếu thợ”

Theo thống kê của các ngành chức năng, mỗi năm cả nước có hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành đào tạo. Một số ngành nghề như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng... vốn từng được ưa chuộng thì hiện nay, cử nhân các chuyên ngành đó lại có nguy cơ thất nghiệp hoặc làm trái ngành cao. Trong khi đó, những ngành nghề về kỹ thuật, dịch vụ, làm đẹp, du lịch, điện, cơ khí... lại đang cần nhiều nhân lực. Nguyên nhân của tình trạng “cung” lệch “cầu” là do nhà trường, phụ huynh và học sinh chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Sự mất cân bằng trong định hướng nghề nghiệp dẫn đến việc học sinh không có được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình, không biết chọn ngành nghề nào phù hợp và đón đầu xu thế. Theo thống kê, ở Nam Định, mỗi năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT có bằng đào tạo nghề chỉ đạt khoảng 14,5-17%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025” đặt ra là: Đến năm 2025, ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%. Nguyên nhân do các bậc phụ huynh vẫn có tâm lý coi trọng bằng cấp học vấn, nhà trường lại chưa đầu tư đúng mức cho giáo dục hướng nghiệp, còn học sinh thì chưa hiểu rõ năng lực và nhu cầu việc làm của bản thân cũng như nhu cầu của thị trường lao động.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã “vào cuộc” triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm định hướng học sinh lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Tại Trường THPT Nam Trực (Nam Trực), hoạt động hướng nghiệp được tổ chức đồng bộ xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Ngoài 3 tiết Trải nghiệm - Hướng nghiệp/tuần theo chương trình GDPT 2018, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề, doanh nghiệp, trường đại học; phối hợp các công ty du học, xuất khẩu lao động để giới thiệu cơ hội việc làm cho các em sau tốt nghiệp. Cô Nguyễn Thị Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực cho biết: “Với đặc điểm và học lực học sinh, nhà trường đã phân luồng cụ thể: khoảng 80-85% học sinh sẽ học tiếp đại học, số còn lại sẽ chọn học nghề hoặc đi làm. Chúng tôi luôn nhấn mạnh để học sinh hiểu được năng lực bản thân, nắm rõ thị trường lao động, từ đó định hướng chính xác con đường đi sau tốt nghiệp THPT”. Tương tự, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) cũng rất chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh. Ngay từ lớp 10, học sinh đã được tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Các buổi tọa đàm với chuyên gia, cựu học sinh thành đạt giúp các em “định vị bản thân”, hiểu rõ đam mê, năng lực để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Mới đây, ngày 21/4, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Tư vấn hướng nghiệp, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức thành công Chương trình “Tư vấn định hướng nghề nghiệp” cho học sinh. Trường đã mời các chuyên gia uy tín như: PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp hàng đầu của Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Vũ Đức Việt, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Tư vấn Hướng nghiệp (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)... Tham gia chương trình, học sinh đã nghe các chuyên gia phân tích, nhấn mạnh vai trò của định hướng nghề nghiệp trong giáo dục hiện đại; những gợi ý sâu sắc về xu hướng nghề nghiệp trong thời đại, xu thế chuyển đổi số; đặc biệt, phần chia sẻ, truyền cảm hứng của các vị khách mời đã đánh thức học sinh niềm tin và quyết tâm để bắt đầu hành trình của mình.

Từ nỗ lực đổi mới hoạt động hướng nghiệp trong các nhà trường, nhiều học sinh đã hiểu thêm về năng lực bản thân, về ngành nghề, từ đó có định hướng rõ ràng cho tương lai. Em Vũ Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Trực chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, tiết học hướng nghiệp, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng, tại các cơ quan, doanh nghiệp, chúng em có thêm hiểu biết về các ngành nghề và định hướng tốt hơn cho tương lai. Em cảm thấy tự tin hơn với lựa chọn của mình”. Em Trần Đức Minh, Trường THPT Trần Nhật Duật (thành phố Nam Định) cũng bày tỏ sự thay đổi sau khi được hướng nghiệp: “Ban đầu em định thi đại học, nhưng sau khi tham gia các lớp tư vấn, em chọn học ngành Cơ khí tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Em thấy quyết định này phù hợp với lực học và điều kiện kinh tế gia đình”.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng đang dần thay đổi nhận thức. Chị Vũ Quỳnh Trang, tổ dân phố 17, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho biết: “Con tôi học lực trung bình nên tôi không định hướng cháu thi đại học. Thực tế nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm, nên tôi muốn cháu học nghề điện công nghiệp hoặc cơ khí, nghề tuy vất vả nhưng dễ tìm việc và có thể lập nghiệp sau này”.

Đổi mới từ phương pháp đến tư duy hướng nghiệp

Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đang đào tạo hơn 120 ngành nghề ở cả 3 trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác đào tạo còn thấp. Việc kết nối giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường vẫn là khâu yếu. Từ thực tế trên, có thể thấy, việc định hướng nghề nghiệp tại các nhà trường cần được bắt đầu sớm và thực chất hơn. Các trường học cần đầu tư bài bản từ giáo viên phụ trách hướng nghiệp, thiết bị dạy nghề đến các mối quan hệ với doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy từ phụ huynh để các bậc phụ huynh thấy rằng con đường vào đời không chỉ có mỗi học đại học, và hướng nghiệp không chỉ là một vài buổi nói chuyện hay một vài tờ rơi giới thiệu ngành học. Hướng nghiệp đúng cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Những năm gần đây, Sở GD và ĐT đã tích cực đổi mới công tác hướng nghiệp cho phù hợp thực tiễn như thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, phối hợp doanh nghiệp - trường nghề - đại học, xây dựng tài liệu tích hợp thực tiễn. Các hoạt động như ngày hội STEM, hội thảo khởi nghiệp từ THPT cũng đã được tổ chức trên toàn tỉnh, góp phần tích cực thay đổi từ phương pháp đến tư duy công tác hướng nghiệp trong các nhà trường.

Tại các cơ sở giáo dục, hoạt động hướng nghiệp cũng đi vào thực chất hơn. Trường THPT Mỹ Lộc (thành phố Nam Định), nhiều năm nay, chương trình tư vấn nghề nghiệp được tổ chức xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12, thông qua fanpage, website, hộp thư điện tử và tư vấn trực tiếp. Mỗi năm, trường tổ chức các hội thảo nghề nghiệp, ngày hội STEM, thi khoa học kỹ thuật, giúp học sinh tìm hiểu thực tế và khơi gợi đam mê. Qua đó, các học sinh học lực trung bình đã dần có xu hướng chọn trường nghề cho thấy tư duy nghề nghiệp đang dần thay đổi theo hướng thực chất. Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, để đổi mới phương pháp, cách thức hướng nghiệp, thu hút học sinh vào học, nhà trường đã tổ chức livestream giới thiệu các ngành nghề đón đầu xu thế: điện tử, cơ khí, dịch vụ du lịch, thời trang... với 90-95% học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp. 

Theo cô Nguyễn Thị Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực: “Từ thực tế nhà trường, tôi thấy, để làm tốt công tác hướng nghiệp, cần tổ chức hoạt động CLB theo sở thích học sinh, tăng cường trải nghiệm thực tế, mời chuyên gia, người có ảnh hưởng đến nói chuyện với học sinh; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giúp học sinh có lựa chọn phù hợp năng lực, sở thích”.

Tốt nghiệp THPT là dấu mốc lớn trong hành trình trưởng thành của học sinh. Sau đó các em có thể học tiếp đại học, cao đẳng hoặc học nghề, đi làm. Mỗi hướng đi đều có kết quả tốt đẹp nếu các em hiểu rõ năng lực, sở thích, sở trường bản thân và hiểu xã hội đang cần gì. Muốn vậy, các em cần được hướng dẫn cụ thể hơn để lựa chọn ngành học phù hợp; cần được cung cấp những kiến thức bổ ích và các thông tin cần thiết về khởi nghiệp, từ đó định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn đường đi cho tương lai của mình. Để làm được điều đó, ngành GD và ĐT, các nhà trường, phụ huynh toàn xã hội cần coi hướng nghiệp là nhiệm vụ, trách nhiệm để học sinh nắm được điểm mạnh, yếu, năng lực bản thân, nắm được kiến thức ngành học và xu hướng phát triển của ngành, nghề mình lựa chọn, qua đó hạn chế tình trạng ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ, chọn nhầm ngành, nghề, gây lãng phí cho xã hội và tốn thời gian, công sức của gia đình và chính bản thân các em.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/dong-hanh-huong-nghiepcho-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-thpt-0366202/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm