Cập nhật ngày: 13/05/2025 10:53:21
ĐTO - Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý bảo vệ sản phẩm, mà còn là đòn bẩy chiến lược để nông sản, đặc sản Đồng Tháp khẳng định vị thế trên thị trường, gia tăng giá trị và hướng đến phát triển bền vững.
Sử dụng hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Chanh Cao Lãnh” giúp sản phẩm chanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long thêm cơ hội được nhiều thị trường khó tính ưa chuộng
Nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý: “Giấy thông hành” nâng cao giá trị đặc sản
Đồng Tháp - mảnh đất trù phú nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Chẳng hạn, sen Tháp Mười, xoài, chanh Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nem Lai Vung, khô cá lóc Phú Thọ... mỗi sản phẩm đều mang giá trị kinh tế cao và chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc của người dân nơi đây.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc bảo vệ và phát triển giá trị của những nông sản đặc thù này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động xây dựng, đăng ký và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 31 sản phẩm nông sản đặc thù, bao gồm 26 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý. Đây là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động của tỉnh nhà trong việc khai thác tiềm năng của tài sản trí tuệ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực tế cho thấy, việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã mang lại những chuyển biến tích cực về mặt thương mại và mức độ nhận diện trên thị trường cho nhiều sản phẩm của Đồng Tháp. Điển hình như sản phẩm nem Lai Vung, sau khi được hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu, đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung” góp phần nâng cao uy tín của làng nghề truyền thống
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy - chủ Cơ sở Nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung), phấn khởi cho biết: “Từ khi được chuyển giao nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung”, sản phẩm của cơ sở chúng tôi được đông đảo khách hàng biết đến và tin dùng, đặc biệt là khách du lịch và các đối tác sỉ ở nhiều tỉnh, thành. Nhãn hiệu chứng nhận như một sự bảo đảm uy tín về nguồn gốc xuất xứ, giúp khách hàng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Nhiều khách hàng ở xa cũng liên hệ đặt hàng tận nơi; họ chia sẻ, nhìn thấy tem nhãn “Nem Lai Vung” là hoàn toàn yên tâm khi mua về làm quà biếu tặng. Nhờ đó, doanh thu hàng tháng của cơ sở đã tăng trưởng đáng kể so với trước đây”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung” đưa tên tuổi nhiều cơ sở sản xuất nem khẳng định vị thế trên thị trường
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Lai Vung, cho biết: “Trong quá trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung”, đến nay, huyện Lai Vung đã chính thức chuyển giao quyền sử dụng cho 11 cơ sở sản xuất nem uy tín trên địa bàn, gồm các đơn vị: Hoàng Khánh, Út Thẳng, Thanh Sơn và nhiều cơ sở khác. Sau hơn 2 năm triển khai, các cơ sở này đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 15% - 20% nhờ việc nâng cao nhận diện thương hiệu và mở rộng các kênh phân phối trên cả nước. Việc áp dụng tem nhãn theo quy chuẩn không chỉ bảo vệ quyền, lợi chính đáng của người sản xuất mà còn xây dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm...”.
Khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ - Nền tảng cho sự phát triển bền vững
Nhận thức tầm quan trọng của bảo hộ trí tuệ cho nông sản đặc thù, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là huyện Cao Lãnh đã chú trọng đăng ký và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình, “Xoài Cao Lãnh” và “Chanh Cao Lãnh” được cấp nhãn hiệu và chuyển giao cho nhiều đơn vị, góp phần nâng cao giá trị, vị thế nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Chanh Cao Lãnh” và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao góp phần giúp sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc tạo được niềm tin với người tiêu dùng
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Mỹ Long là một trong những đơn vị tiêu biểu đã khai thác hiệu quả lợi thế từ nhãn hiệu chứng nhận “Chanh Cao Lãnh” sau khi được Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cao Lãnh chuyển giao quyền sử dụng từ đầu năm 2024. Ông Lê Văn Nam - thành viên Hội đồng Quản trị HTX DVNN Mỹ Long, chia sẻ về những thuận lợi mà HTX đạt được khi được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Chanh Cao Lãnh”: “Việc HTX được chuyển giao và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chanh Cao Lãnh” cho sản phẩm chanh tươi và các nhóm sản phẩm chế biến từ chanh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm HTX trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhãn hiệu chứng nhận là sự xác nhận về nguồn gốc và chất lượng của nguyên liệu chanh, tạo dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng về tính an toàn và độ tin cậy của sản phẩm”.
Dù đạt kết quả khích lệ ban đầu, nhưng đến nay phát triển tài sản trí tuệ nông nghiệp Đồng Tháp còn nhiều thách thức. Tỷ lệ sử dụng nhãn hiệu sau cấp còn thấp do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Các cơ quan nhà nước quản lý nhãn hiệu còn thiếu chuyên môn sâu, phụ thuộc tư vấn bên ngoài. Thêm vào đó, nhiều người dân, hộ sản xuất chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của bảo hộ trí tuệ, dẫn đến sự chủ động đăng ký thấp, hiệu quả lan tỏa nhãn hiệu còn hạn chế.
Việc được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung” giúp người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập
Trước những thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả việc khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh. Ông Phan Trọng Tường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Đồng Tháp xác định rõ việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy tối đa giá trị của tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh. Chúng tôi đã và đang tích cực lồng ghép hoạt động phát triển nhãn hiệu với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ các chủ thể là HTX, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình sản xuất, thiết kế bao bì, nhãn mác và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực thực thi về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp và người dân trực tiếp sản xuất...”.
Bảo hộ tài sản trí tuệ không chỉ đơn thuần là việc bảo vệ một cái tên hay một dấu hiệu nhận diện sản phẩm, mà sâu xa hơn, đó là sự bảo vệ uy tín, chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Đồng Tháp. Đây còn là một phương thức hiệu quả để địa phương khẳng định bản sắc độc đáo, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững của các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh Đồng Tháp trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Mỹ Lý
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-phat-trien-tai-san-tri-tue-don-bay-nang-tam-nong-san-dac-thu-131413.aspx
Bình luận (0)