
Drone rải hóa chất tạo mưa tại Tân Cương, Trung Quốc tạo ra hơn 70.000 mét khối nước mưa (Ảnh minh họa: Getty).
Trung Quốc mới đây đã công bố kết quả một thí nghiệm quan trọng trong lĩnh vực biến đổi thời tiết, cho thấy khả năng tạo ra lượng mưa lớn chỉ với một lượng nhỏ chất hóa học phát tán bởi máy bay không người lái (drone).
Thí nghiệm được tiến hành tại khu vực Bayanbulak, một vùng thảo nguyên khô hạn ở khu tự trị Tân Cương, nơi thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước trầm trọng.
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), dưới sự dẫn dắt của kỹ sư trưởng Lý Bân, đội bay gồm các drone chuyên dụng đã phát tán 1 kg bạc iodide (AgI) - hợp chất có mật độ gấp 6 lần nước - lên các tầng mây ở độ cao 5.500 mét.
Trong vòng 1 ngày, thí nghiệm đã tạo ra hơn 70.000 mét khối nước mưa, tương đương với lượng nước có thể làm đầy 30 bể bơi Olympic sâu 2 mét. Điều đáng kinh ngạc là lượng bạc iodide được sử dụng chỉ đủ để chứa trong 1 cốc nước.
Để thực hiện thí nghiệm, hai mẫu drone cỡ trung đã bay 4 chuyến liên tiếp, tiến hành rải hóa chất tạo mưa trên diện tích hơn 8.000 km². Đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng hệ thống drone được trang bị radar tích hợp để phát hiện cấu trúc mây theo thời gian thực, từ đó chọn đúng thời điểm phát tán hóa chất và tối ưu hóa hiệu quả tạo mưa.
Chi tiết về mẫu drone được sử dụng, nó có chiều dài lên tới 10,5 mét và sải cánh hơn 20 mét, có thể bay liên tục trong 40 giờ và hoạt động ở độ cao lên tới 10.000 mét. Các thông số cho thấy nó vượt xa tiêu chuẩn của các thiết bị tạo mưa truyền thống.

Hình ảnh mẫu máy bay không người lái dài 10,5 mét, sải cánh hơn 20 mét, được sử dụng trong thí nghiệm (Ảnh: SCMP).
Thành công của thử nghiệm này là một bước tiến quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên nước tại các vùng khô hạn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc triển khai rộng rãi công nghệ này cần đi kèm với đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt. Bạc iodide, dù hiệu quả trong tạo mưa, có khả năng tích tụ trong môi trường tự nhiên và gây rủi ro cho sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái nếu sử dụng với quy mô lớn và thường xuyên.
Một vấn đề khác được giới học thuật quốc tế đặc biệt quan tâm là khả năng công nghệ này ảnh hưởng đến lượng mưa xuyên biên giới. Khi Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng hệ thống biến đổi thời tiết lên tới 5,5 triệu km² vào năm 2025, nhiều nước láng giềng lo ngại về nguy cơ "đánh cắp mây", làm thay đổi mô hình mưa tự nhiên tại các quốc gia ở hạ lưu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng đã nhấn mạnh rằng mọi chương trình tạo mưa nhân tạo quy mô lớn đều cần được giám sát chặt chẽ và có sự hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm xuyên biên giới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng cường độ và phạm vi ảnh hưởng, công nghệ điều tiết thời tiết của Trung Quốc mở ra một hướng đi tiềm năng cho các quốc gia đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiệu quả, tính bền vững và tác động lâu dài của công nghệ này vẫn là những câu hỏi lớn cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng trong thời gian tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/dot-pha-mua-nhan-tao-mot-coc-hoa-chat-tao-mua-bang-30-be-boi-olympic-20250507064849945.htm
Bình luận (0)