Núi Bà Đen là điểm đến tâm linh thu hút tại Nam Bộ
“Núi rừng” và “sông nước” gặp nhau
Tài nguyên du lịch tỉnh hiện có núi Bà Đen - “nóc nhà Nam Bộ”, dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa và những cánh rừng bạt ngàn ẩn chứa bao câu chuyện về một thời hoa lửa.
Tây Ninh hiện tại còn có vị trí địa lý thuận lợi do kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), qua địa bàn tỉnh và tiếp giáp Vương quốc Campuchia, càng tăng lợi thế thu hút khách quốc tế và phát triển thương mại - dịch vụ biên mậu.
Nói về những lợi thế của du lịch khi sáp nhập tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh - Ngô Trần Ngọc Quốc cho biết: “Lợi thế lớn nhất mà sáp nhập tỉnh đem lại cho lĩnh vực du lịch chính là sự cộng hưởng và đa dạng hóa tài nguyên du lịch, đồng thời mở rộng không gian kết nối vùng.
Tỉnh Tây Ninh mới nổi bật với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao,... Việc sáp nhập giúp hình thành chuỗi sản phẩm đa dạng, tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách”.
Nhiều hoạt động thu hút du khách thường xuyên được tổ chức tại núi Bà Đen (Ảnh: Khu du lịch Núi Bà Đen)
Cụ thể, tỉnh đang sở hữu 223 di tích lịch sử được xếp hạng (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 14 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, nghề dệt chiếu lát, nghệ thuật chế biến món chay hay lễ hội Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu trên đỉnh núi Bà Đen,... Điều quý giá hơn cả là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư địa phương và sự hiếu khách, chất phác của người dân trong tỉnh.
Cùng với đó, thiên nhiên còn ban tặng cho Tây Ninh hồ Ma Thiên Lãnh thơ mộng, những cánh rừng rộng lớn tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và vùng Đồng Tháp Mười cùng dòng Vàm Cỏ Đông gắn liền với lịch sử và văn hóa của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu nhiều khu du lịch, safari, khu vui chơi và cả các sân golf được thiết kế đẳng cấp, là địa điểm tổ chức các giải quốc tế, cũng là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho các golfer đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, đảo Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản,...
Tây Ninh có 14 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều lễ hội, là tiềm năng phát triển du lịch
Từ những lợi thế trên, sau sáp nhập, Tây Ninh có đủ tiềm năng trở thành điểm đến đa sắc màu, đáp ứng đa dạng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Tỉnh có thể phát triển nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, như du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nông nghiệp, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao; du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông và du lịch cung đường vành đai biên giới;...
Tây Ninh mới như một dải du lịch xanh, nơi du khách có thể sáng đi núi Bà Đen, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên vừa bình yên, vừa hùng vĩ, trưa dừng chân thưởng thức món chay hoặc bánh tráng Trảng Bàng phơi sương, chiều xuôi thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông và nghỉ ngơi, vui chơi trong các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Khởi nguồn khai phá tiềm năng
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, du lịch tỉnh Tây Ninh còn nhiều tiềm năng phát triển. Chính vì thế, chương trình phát triển du lịch sẽ hướng đến 2 mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu, tăng tính nhận diện cho địa phương và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, có thể kéo dài thời gian hoạt động của du khách tại địa phương.
Căn cứ Quy hoạch tổng thể của tỉnh Tây Ninh (cũ) và Long An (cũ), sau khi 2 tỉnh được sáp nhập, với vai trò cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang gấp rút rà soát để tham mưu điều chỉnh quy hoạch tỉnh liên quan đến lĩnh vực du lịch với trọng tâm định hướng phát triển không gian du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế mạnh để phát huy tốt nhất lợi thế sẵn có và phù hợp với tình hình thực tế.
Tây Ninh còn có di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Đờn ca tài tử Nam Bộ
“Với mục tiêu thu hút và giữ chân khách du lịch, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh sẽ chủ động dựa vào các tuyến du lịch hiện hữu để quy hoạch và xây dựng thêm điểm đến với các hoạt động phong phú, đa dạng, hành lang du lịch liên hoàn và khép kín, nhằm phát triển các dịch vụ lưu trú, ẩm thực và thương mại” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Thị Huy Hoàng khẳng định.
Theo đó, Tây Ninh dự kiến sẽ ưu tiên tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc; bảo tồn và khai thác, phát huy các giá trị văn hóa các di tích, di sản gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững; khai thác hệ sinh thái ngập nước độc đáo kết hợp cảnh quan ven sông, ruộng vườn để tổ chức các hoạt động vui chơi, ẩm thực dân dã, vừa thu hút khách du lịch, vừa phát triển các loại hình du lịch ven sông.
Nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai, cần có sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi xã hội hóa và khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch; phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch hiện đại và đồng bộ như ứng dụng số hóa giúp khách du lịch dễ dàng truy cập thông tin, đặt vé, đặt chỗ dịch vụ hay xây dựng các trung tâm thông tin, hướng dẫn, bảng chỉ dẫn song ngữ, dễ hiểu, dễ thấy tại các điểm đến du lịch,... đang được nỗ lực thực hiện và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tây Ninh còn có nhiều khu du lịch, safari, khu vui chơi, giải trí thu hút du khách (Trong ảnh: Vườn thú Mỹ Quỳnh là điểm đến khá hút khách tại Tây Ninh)
Bên cạnh đó, việc kết nối các điểm đến trong và ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức các đoàn famtrip, hội chợ, xúc tiến đầu tư và tăng cường liên kết vùng và quốc tế cũng là những cách làm hiệu quả nhằm quảng bá và phát triển du lịch tỉnh nhà. Đồng hành với chính quyền, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch liên tỉnh, kết nối doanh nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông, tour biên giới caravan, trải nghiệm nông nghiệp - sinh thái; đẩy mạnh quảng bá điểm đến trên nền tảng số, nhắm tới thị trường trong nước và quốc tế; tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ; khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, góp phần bảo tồn bản sắc và tạo sinh kế.
“Chúng tôi tin rằng, với định hướng rõ ràng và sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Tây Ninh mới sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt của du lịch vùng Đông Nam Bộ” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh - Ngô Trần Ngọc Quốc nhấn mạnh.
Với sự phối hợp đồng bộ, Tây Ninh mới sẽ từng bước xây dựng hình ảnh “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm - Đậm đà bản sắc”, nơi du khách không chỉ ngắm cảnh, mà còn được tham gia lễ hội, nếm hương vị ẩm thực, vui chơi, nghỉ dưỡng, khám phá làng nghề và nghe kể chuyện văn hóa, lịch sử.
Từ đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống, Tây Ninh mới không chỉ là mảng xanh của rừng, nét mềm mại của sông, hay đường biên giới, mà còn là một “vùng đất kể chuyện”, nơi du khách vừa khám phá, vừa lắng nghe hơi thở lịch sử, văn hóa.
Sự hình thành cực phát triển mới sau sáp nhập chính là cơ hội để Tây Ninh khẳng định vị thế, để mỗi hành trình ghé thăm đều là một hành trình “đa trải nghiệm, đậm đà bản sắc”./.
Quế Lâm
Nguồn: https://baolongan.vn/du-lich-tay-ninh-hinh-thanh-cuc-phat-trien-moi-tu-sap-nhap-a198513.html
Bình luận (0)