Luật Nhà giáo sẽ tạo ra động lực để nâng tầm vị thế nhà giáo (ảnh minh họa)

Chăm lo cho nhà giáo

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tại khoản 2, Điều 28, dự thảo luật đề xuất, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi. Nhất trí với quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo về chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không nên quy định trong Luật Lao động, mà quy định thẳng vào Luật Nhà giáo, giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Luật Lao động.

Việc tuyển dụng giáo viên lâu nay nảy sinh những bất cập. Việc thiếu giáo viên cục bộ cũng là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó có TP. Huế. Công tác luân chuyển giáo viên cũng nảy sinh nhiều tâm tư. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành giáo dục.

Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) góp ý, do yêu cầu cân đối đội ngũ, tránh dôi dư cục bộ hoặc thiếu hụt cục bộ, nhu cầu điều chuyển giáo viên giữa các trường trong cùng hệ thống, đặc biệt là ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là phổ biến. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối nguồn nhân lực và phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục khi tuyển dụng, điều chuyển trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Việc giao quyền điều động, luân chuyển nhà giáo cũng là điều được các đại biểu Quốc hội quan tâm theo hướng tạo điều kiện cho giáo viên thâm niên thuyên chuyển công tác về gần gia đình, nhất là các thầy, cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Nâng cao vị thế của nhà giáo

Phát triển giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu, lực lượng nhà giáo công lập chiếm trên 70% đội ngũ viên chức. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo. Cô giáo Lê Thị Thu Trúc, giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (quận Thuận Hóa) chia sẻ, chị hào hứng và xúc động khi tiếp cận dự thảo Luật Nhà giáo - văn bản pháp lý đầu tiên đề cập một cách toàn diện đến đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chị đặc biệt quan tâm đến chính sách giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non. Đây là một điểm mới rất nhân văn và sát thực tế.

“Với đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi sức khỏe thể chất và tinh thần cao, việc chăm sóc - giáo dục trẻ nhỏ không chỉ tiêu tốn năng lượng mà còn chịu áp lực tâm lý lớn. Giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non là sự ghi nhận công sức, đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho bản thân và gia đình sau nhiều năm cống hiến. Chính sách nâng cao chế độ tiền lương và đãi ngộ cũng khiến tôi kỳ vọng. Thực tế, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Nếu chính sách tiền lương được cải thiện, điều này sẽ là nguồn động viên rất lớn để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, đồng thời thu hút thêm nhân lực có năng lực, trình độ vào ngành”, cô giáo Thu Trúc nói.

Nhiều giáo viên kỳ vọng, Luật Nhà giáo sẽ tạo ra không khí mới, trở thành động lực cho nhà giáo cống hiến. Ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy) cho rằng, khi được thông qua, Luật Nhà giáo với những quy định bảo vệ cho nhà giáo, chế độ chính sách, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền lợi được quy định rõ ràng, minh bạch sẽ nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo, từ đó, tạo động lực cho sự phát triển của nền giáo dục trong thời đại mới. Những quy định trong luật sát thực, gần gũi với nghề, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với nhà giáo, nâng tầm nhà giáo và truyền thống “tôn sư trọng đạo” để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tôi mong rằng, sau khi được ban hành, luật sẽ đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và mang lại những thay đổi tích cực, thiết thực cho đội ngũ nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp; tuyển dụng, sử dụng; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/du-thao-luat-nha-giao-tao-dong-luc-cho-giao-duc-phat-trien-153528.html