Liên kết để phát triển
Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình là 3 địa phương nằm liền kề nhau, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, cảnh quan và truyền thống lịch sử. Nếu như Ninh Bình nổi tiếng với Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Hà Nam có chùa Tam Chúc, một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới thì Nam Định cũng sở hữu khu di tích Đền Trần, quần thể Phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện và đường bờ biển dài trên 70 km với tiềm năng du lịch biển, nghỉ dưỡng.
Theo thống kê của ngành chức năng, 3 tỉnh sở hữu số lượng di tích lớn với hơn 5.000 di tích các loại, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh, hàng chục bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch của 3 địa phương đã chủ động phối hợp triển khai nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Từ khảo sát xây dựng tour, tuyến liên tỉnh, tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch, ký kết hợp tác liên kết vùng, tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước, đến việc phối hợp quảng bá sản phẩm trên nền tảng số và phương tiện truyền thông đại chúng. Tiêu biểu là hoạt động khảo sát, giới thiệu sản phẩm của Hiệp hội Du lịch ba tỉnh trong thời gian qua.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ cần sự liên kết hiệu quả giữa các ngành mà còn đòi hỏi sự liên kết hợp tác hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp. Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nam Định, Hiệp hội Du lịch Hà Nam tổ chức hàng chục đoàn khảo sát, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, điểm đến, nhà hàng giữa các địa phương. Kết quả, sau những đợt khảo sát, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp của 3 tỉnh đã có cơ hội tìm hiểu, hợp tác hiệu quả trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như: Xây dựng tour, tuyến, tiêu biểu có tour Tam Chúc-Tràng An-Phủ Dầy, chia sẻ nguồn khách, phối hợp đặt dịch vụ khách sạn, xe vận chuyển, hướng dẫn viên…
Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost (Nam Định) chia sẻ: Hiện nay, du khách có xu hướng khám phá nhiều điểm đến trong bán kính gần, ưu tiên các sản phẩm du lịch mang hàm lượng văn hóa và đa dạng trải nghiệm, chính vì vậy, việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, điểm đến trên địa bàn 3 tỉnh đã giúp các công ty lữ hành dễ dàng xây dựng hành trình trải nghiệm vừa đáp ứng nhu cầu của du khách vừa thúc đẩy du lịch các địa phương cùng phát triển. Tính từ năm 2024 đến nay, Công ty đã hợp tác với hơn 15 công ty lữ hành, lưu trú, nhà hàng ở Hà Nam, Ninh Bình trong hoạt động trao đổi, đón tiếp và phục vụ khách.
Thương hiệu địa phương
Chìa khóa để phát triển Mặc dù có tiềm năng phát triển du lịch lớn, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, du lịch khu vực Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, sản phẩm trùng lặp, thiếu chiều sâu, thiếu dịch vụ cao cấp và chất lượng nhân lực còn hạn chế. Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, Trưởng ban Lữ hành (Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội) cho rằng: Một điểm đến không thể chỉ dựa vào cảnh đẹp hay di tích. Du khách hiện đại cần trải nghiệm toàn diện: tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí. Tất cả những yếu tố đó quyết định độ dài lưu trú, mức chi tiêu và khả năng quay lại.
Ba tỉnh sau hợp nhất có cơ hội lớn để thiết lập một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh, khắc phục được hạn chế của du lịch 3 tỉnh. Chúng ta cần xây dựng các luồng tuyến liên hoàn, các hành trình du lịch xuyên suốt, để tài nguyên từng địa phương không bị chồng chéo mà hỗ trợ lẫn nhau. Muốn vậy, phải có hạ tầng kết nối được đầu tư hài hòa, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm… Vấn đề là làm sao kết nối và nổi bật hóa thế mạnh của du lịch 3 tỉnh trong một hệ sinh thái du lịch thống nhất. Đó không chỉ là câu chuyện quy hoạch sản phẩm, mà còn là bài toán xây dựng thương hiệu vùng. Ngành Du lịch ba tỉnh phải xác định được thương hiệu mới sẽ đại diện cho điều gì? Điểm nổi bật, khác biệt là gì? Đâu là giá trị mà du khách sẽ nhớ, sẽ quay lại? Và khi đã xác định được, thì công tác xúc tiến, quảng bá phải được đẩy mạnh. Song song với đó là không ngừng đầu tư, làm mới và “nâng chất” sản phẩm.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Thời gian tới, du lịch 3 tỉnh cần định vị thương hiệu điểm đến chung mang tầm quốc gia và khu vực. Thương hiệu du lịch Ninh Bình đã phát triển mạnh, được khẳng định trên thị trường du lịch nên sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu du lịch “Ninh Bình” kết hợp với thương hiệu hình ảnh các điểm đến du lịch đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nam và Nam Định (như Tam Chúc-đền Trần-Phủ Dầy-Thanh Long-Giao Thủy...) để xây dựng một thương hiệu tổng hợp, đa sắc thái, giàu bản sắc với đặc trưng là điểm đến du lịch 4 mùa với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch từ văn hóa lịch sử, sinh thái rừng, sinh thái biển tâm linh…
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát, điều tra, đánh giá lại tài nguyên du lịch; quy hoạch tổ chức không gian phát triển du lịch để đảm bảo tính đồng bộ và kết nối các không gian phát triển nhằm tạo nên tam giác phát triển du lịch bổ trợ nhau. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông du lịch liên vùng; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch; đào tạo phát triển nhân lực du lịch theo nhiều hình thức liên doanh, liên kết; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong nước và quốc tế, khai thác hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin số để thu hút khách.
Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình sáp nhập không chỉ là cơ hội để tái định hình không gian lãnh thổ mà còn để viết lại bản đồ du lịch bằng một tư duy vùng mới mẻ, liên kết và phát triển bền vững. Với những tiềm năng và thế mạnh riêng có, tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, khu vực này có thể trở thành điểm cực tăng trưởng du lịch nổi bật của vùng và cả nước, trở thành điểm đến hấp dẫn, chất lượng, đẳng cấp của du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/dua-du-lich-but-pha-sau-sap-nhap-236794.htm
Bình luận (0)