Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa ‘quà quê’ xuất ngoại

Đà Nẵng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm OCOP, từng bước đưa ‘quà quê’ vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định giá trị nông sản Việt trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam15/07/2025

Nâng tầm nông sản Việt

Những ngày đầu tháng 7, tại xưởng sản xuất của Công ty Mỹ Phương Food (thôn Đại La, phường Hòa Khánh Nam, TP Đà Nẵng) rộn ràng tiếng máy chạy, mùi bánh dừa thơm lừng lan tỏa khắp không gian. Những đơn hàng bánh dừa nướng liên tục được hoàn thiện để xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Israel...

Xưởng sản xuất bánh dừa nướng của Công ty Mỹ Phương Food tất bật để chuẩn bị những đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Lan Anh.

Xưởng sản xuất bánh dừa nướng của Công ty Mỹ Phương Food tất bật để chuẩn bị những đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Lan Anh.

Nhìn những thùng hàng đóng gói cẩn thận đang được đưa lên xe tải để chuyển ra cảng, chị Mai Thị Ý Nhi – đồng sáng lập Công ty Mỹ Phương Food không giấu được sự tự hào khi nhớ lại buổi đầu đầy thử thách. Xuất thân từ vùng đất Tam Quan (Gia Lai) trứ danh với những hàng dừa rợp bóng, vợ chồng chị quyết tâm biến lợi thế sẵn có thành sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc địa phương. “Chúng tôi bắt đầu từ con số 0, với một khát khao đơn giản là tận dụng nguồn nguyên liệu dừa quê nhà để tạo ra thứ bánh ngon lành, chất lượng”, chị kể.

Thế nhưng để có được một chiếc bánh dừa nướng đạt chuẩn không hề đơn giản. Hàng trăm lần thử nghiệm thất bại, những đêm trắng bên lò nướng, và cả sự kiên nhẫn gần như vô hạn đã được đổi lấy “quả ngọt”: những chiếc bánh dừa giòn tan, thơm lừng mang tên Top Coco đạt OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao đang chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dây chuyền sản xuất bánh dừa nướng mè khép kín của Mỹ Phương Food. Ảnh: Lan Anh.

Dây chuyền sản xuất bánh dừa nướng mè khép kín của Mỹ Phương Food. Ảnh: Lan Anh.

Dấu mốc đáng nhớ nhất là khi đơn hàng đầu tiên sang Nhật được xác nhận. “Cảm giác khi ấy vừa hạnh phúc vừa áp lực. Bởi khi đã bước ra thế giới, mọi quy trình – từ chọn nguyên liệu, chế biến đến đóng gói – đều phải đạt độ chính xác gần như tuyệt đối”, chị Ý Nhi chia sẻ.

Từ cột mốc đầu tiên ấy, hành trình xuất khẩu của Mỹ Phương Food mở rộng nhanh chóng. Không qua trung gian, doanh nghiệp tự kết nối và ký kết các đơn hàng trực tiếp với đối tác ở Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Lào, Pháp, Mông Cổ… Mỗi thị trường là một yêu cầu riêng, buộc cả đội ngũ không ngừng học hỏi, thích ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm để vươn tầm quốc tế.

Tinh thần “nâng tầm nông sản Việt” không chỉ thể hiện ở con số 15 quốc gia xuất khẩu mà còn thể hiện qua việc không ngừng đổi mới sản phẩm. Bên cạnh dòng bánh truyền thống Top Coco, công ty tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới như bánh dừa trái cây, bánh dừa kết hợp với các loại hạt… nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng toàn cầu. Hiện tại, doanh nghiệp có 3 dòng sản phẩm chính với hơn 20 mã bánh dừa nướng được sản xuất với công suất khoảng 3 tấn mỗi ngày, trong đó có đến 50% dành cho xuất khẩu.

Theo chị Ý Nhi, để đưa được một đặc sản vùng miền từ tiêu dùng nội địa vươn ra thế giới là cả một hành trình dài đầy cam go. “Sản xuất cho thị trường nội địa và xuất khẩu khác nhau rất xa. Khi hướng đến xuất khẩu, mọi thứ phải đạt chuẩn quốc tế – từ nguồn nguyên liệu, dây chuyền chế biến đến đóng gói, bảo quản. Những điều tưởng nhỏ nhưng lại quyết định sống còn khi bước chân vào sân chơi toàn cầu”, chị nói.

Chị Mai Thị Ý Nhi kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Lan Anh.

Chị Mai Thị Ý Nhi kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Lan Anh.

Không chỉ là công nghệ hay kỹ thuật, điều tạo nên bản sắc riêng của Mỹ Phương Food còn là tình yêu với sản vật quê hương và sự kiên định theo đuổi chất lượng. “Chúng tôi xem mỗi chiếc bánh là một đại sứ nhỏ để kể một câu chuyện về sự tỉ mỉ, âm huyết và tình yêu sản vật quê hương”, chị Ý Nhi bộc bạch.

Tiếp sức cho OCOP xuất khẩu

Cũng với khát vọng đưa nông sản quê hương 'vươn' ra thế giới, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (Đà Nẵng) đã kiên trì chinh phục thị trường quốc tế bằng những sản phẩm đặc trưng từ vùng quế Trà My như dép, lót giày, bột quế siêu mịn…. Hiện các sản phẩm này đã hiện diện tại Đức, Hungary, Pháp, Cộng hòa Séc…góp phần nâng cao giá trị cây quế cho đồng bào dân tộc Nam Trà My.

Theo ông Sơn, quế Trà My nổi bật nhờ hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm ngọt – cay – nồng rất riêng. Từ lâu đã được xem là "Cao sơn ngọc quế", là sản vật tiến vua thời Nguyễn. Tuy nhiên, để nông sản này vươn xa, doanh nghiệp phải chủ động vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe của từng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo yếu tố thân thiện môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Khi sản xuất và xuất khẩu cùng được tổ chức chuyên nghiệp, nông sản bản địa mới có thể chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.

Sản phẩm lót giày Hương Quế đã từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Ảnh: Lan Anh.

Sản phẩm lót giày Hương Quế đã từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Ảnh: Lan Anh.

Sự thành công của những doanh nghiệp như Hương Quế hay Mỹ Phương Food cho thấy hiệu quả thiết thực từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Đà Nẵng. Những năm gần đây, OCOP đã trở thành “bệ đỡ” cho các cơ sở sản xuất địa phương khởi nghiệp, phát triển sản phẩm đặc trưng gắn với chuỗi liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để tiếp sức cho các chủ thể OCOP, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực như: đầu tư máy móc thiết bị, tư vấn quy chuẩn đóng gói, phát triển kênh phân phối, tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Ngoài ra, các điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại chợ Hàn và chợ đêm Sơn Trà cũng giúp sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người dân và du khách.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, sản phẩm OCOP từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu, góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân thành thị, nông thôn.

“Sản phẩm OCOP của thành phố Đà Nẵng không chỉ xuất hiện ở thị trường trong nước và có những thị trường ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ phát triển từ mẫu mã, các quy trình, quy chuẩn để làm sao xuất khẩu được đem lại giá trị đích thực cho nhà sản xuất và các chủ thể của OCOP. Sản phẩm OCOP tạo cho người dân tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm. Cơ bản nhất là tạo được giá trị của sản phẩm, tạo ra được chuỗi lao động", bà Hậu cho biết.

Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/dua-qua-que-xuat-ngoai-d762888.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm