
Khái niệm này, thực ra đã triển khai tại Đà Nẵng và Quảng Nam từ năm 2018. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Môi trường, đến tháng 5/2025, Đà Nẵng cũ có 148 sản phẩm OCOP. Trong khi đó ở Quảng Nam cũ, tính đến nay, trên địa bàn đã có hơn 300 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP Quảng Nam có mặt ở các điểm trình diễn, hoạt động tổng kết, thậm chí được giới thiệu tại các cuộc triển lãm ở nhiều địa phương.
OCOP Quảng Nam đã được đưa đi giới thiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội. Tuy chưa rõ các kết quả kinh doanh cụ thể, nhưng đó là các hoạt động có ý nghĩa, tác động không nhỏ để các hoạt động kinh tế -xã hội ở nông thôn khởi sắc trong thời gian qua. Nay, Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất thành một đơn vị hành chính, nên nêu lại câu chuyện này ở đây, nghĩ cũng không thừa!
Tôi từng đến thăm cơ sở sản xuất chè ở xã Đại Thạnh. Người chủ doanh nghiệp còn khá trẻ, đã vận động bà con lập lại các vườn chè có từ năm 1930 thế kỷ trước, vay vốn mua thiết bị, mời bà con vào làm việc, mượn kho tàng, nhà cửa bỏ không để làm cơ sở chế biến, đóng gói.

Sản phẩm ngày một có uy tín và trở thành sản phẩm tiêu biểu của cả vùng B Đại Lộc. Cả vùng Đại Lộc, nay trở thành một địa phương có hoạt động OCOP rầm rộ, thay đổi diện mạo kinh tế xã hội của vùng đất vốn eo hẹp cả về diện tích lẫn độ màu mỡ.
Tại vùng Gò Nổi, nếu điêu khắc gỗ Âu Lạc đã ra tới nước ngoài, thì hoạt động du lịch cũng đang tạo ra một thanh thế nổi bật. Bên này cầu Kỳ Lam của Điện Thọ cũ còn có cơ sở giống nông nghiệp mang tên Điện Bàn nức tiếng bởi các loại lúa gạo hữu cơ, mở ra nhiều đại lý ở Đà Nẵng và một vài siêu thị…
Tôi chưa đi khắp nơi nên khó hình dung hết, nhưng với sự xông xáo của người Quảng, riêng các loại nước mắm, như Hương Làng Cổ ở Nam Ô, nước mắm nhĩ Huỳnh Văn Mười ở Mân Thái, nước mắm Cửa Khe ở nam Hội An… cũng từng ngày vực dậy tên tuổi của nước mắm xứ Quảng nổi tiếng từ mấy trăm năm trước.

Thành phố Đà Nẵng mới, với thực tế nhiều địa bàn nông thôn, miền núi còn khó khăn, các xã nông nghiệp có trình độ phát triển chênh lệnh với các vùng đô thị, du lịch, thì việc tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP cần được chú trọng.
Trong đó, theo tôi, xác định chất lượng, xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn được đặt lên hàng đầu; kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh bán lẻ sẵn có ở các vùng đô thị, với các chính sách ưu đãi về thuế…
Tôi từng đến thăm nhiều vùng nông thôn ở Thái Lan và nhận thấy, với sự giúp đỡ của hoàng gia Thái, mỗi làng đều được hỗ trợ dạy nghề, giúp đỡ hạt giống và cả mặt bằng miễn phí dọc các tuyến đường giao thông để các làng mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm mà không phải đóng tiền thuê mặt bằng.
Các vùng nông thôn, nông nghiệp của Đà Nẵng mới còn có đặc điểm là đất hẹp, phân bố dân cư không đều, giao thông khó khăn. Khi triển khai chương trình OCOP cần có khảo sát cụ thể từng địa bàn để có sự khuyến khích, lấy vùng thuận lợi bù cho nơi khó khăn.
Những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn thường lương thực thực phẩm chỉ đủ ăn, chính giá trị mang lại từ sản phẩn OCOP mới có sự khuyến khích thỏa đáng và mang lại thu nhập dôi dư cho mỗi địa phương.
Và cuối cùng, người đầu tàu lãnh đạo ngành nông nghiệp, khuyến nông ở mỗi xã phường có tâm huyết sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy chương trình OCOP ở mỗi địa phương.
Nguồn: https://baodanang.vn/nong-thon-va-ocop-3265631.html
Bình luận (0)