
Từ nước mắm Tám Tươi
Những ngày này, không khí tại cơ sở sản xuất nước mắm Tám Tươi ở xã Bình Dương (Thăng Bình) trở nên tất bật hơn bao giờ hết khi đơn vị đang trong giai đoạn hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa lô hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản vào cuối tháng 5 tới. Đây là kết quả của hơn 6 tháng nỗ lực chuẩn hóa quy trình sản xuất, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Anh Hà Văn Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tám Tươi chia sẻ, được sự kết nối và đồng hành của Công ty TNHH Olivin Logistics (TP.Hồ Chí Minh), những mẫu nước mắm đầu tiên của đơn vị đã được đưa sang Nhật để kiểm nghiệm chất lượng. Quá trình kiểm định không chỉ dừng lại ở các chỉ số vi sinh, an toàn thực phẩm mà còn mở rộng sang các yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn bao bì, nhãn mác.

Sau khi đạt kết quả kiểm nghiệm 3 lần, các chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp đến khảo sát nhà xưởng, đánh giá từng công đoạn chế biến trước khi đồng ý cho phép đưa sản phẩm vào thị trường nội địa của họ.
Để có được lô hàng này, chúng tôi không chỉ phải đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị mà còn phải thay đổi toàn bộ tư duy sản xuất, học cách làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ việc ghi chép nhật ký sản xuất, kiểm soát nguyên liệu đầu vào cho đến việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý đều phải thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đây là bước khởi đầu để chúng tôi tiếp tục mở rộng sang các thị trường khác trong tương lai.
Anh Hà Văn Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tám Tươi
Không dừng lại ở nước mắm, Công ty Olivin Logistics hiện đang tiếp tục xúc tiến đưa một số sản phẩm khác của Quảng Nam như mì Quảng, bún, phở sấy khô của thương hiệu Hapinut (Đại Lộc) tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Theo anh Huỳnh Trung Trọng - Giám đốc công ty, Olivin Logistics đã thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản để nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng và kết nối với các nhà phân phối tại đây. Công ty cũng đã xây dựng đội ngũ chuyên gia người Nhật để hỗ trợ kiểm định chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu bản địa, giúp sản phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Nhật Bản hơn.
Những yếu tố quyết định
Theo anh Trọng, để sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm OCOP của Quảng Nam nói riêng có thể chinh phục được thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú trọng đồng bộ nhiều yếu tố từ chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất đến chiến lược thị trường và thiết kế bao bì. Đặc biệt, việc thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “nghiên cứu thị trường trước, sản xuất sau” là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ thực sự.

Anh Trọng phân tích: “Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn theo cách cũ là làm ra sản phẩm rồi mới tìm cách bán, trong khi thị trường quốc tế lại đòi hỏi nhà sản xuất phải hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng, thói quen sử dụng của người dân bản địa. Ví dụ, nước mắm là sản phẩm mới được người Nhật tiếp cận trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ đang tăng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn và chỉ tập trung ở một số nhóm khách hàng nhất định. Do đó, nếu không nghiên cứu kỹ, sản xuất tràn lan sẽ dẫn đến tồn đọng, không tiêu thụ được”.
Ngoài ra, yếu tố bao bì, nhãn mác cũng được xem là “cửa ngõ” để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP hiện nay dù chất lượng khá tốt nhưng lại thiếu sự đầu tư vào thiết kế bao bì, nhãn mác, không đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ, thông tin sản phẩm theo quy định của nước nhập khẩu. Thậm chí, nhiều sản phẩm sử dụng hình ảnh, màu sắc không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.
Anh Huỳnh Trung Trọng - Giám đốc Công ty Olivin Logistics
.jpg)
Để khắc phục tình trạng này, Olivin Logistics đã xây dựng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp tại Nhật Bản, trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế lại bao bì, nhãn mác sao cho phù hợp nhất với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng bản địa. Công ty cũng tư vấn cho doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, xin cấp các chứng nhận quốc tế như chứng nhận hữu cơ, chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để đáp ứng điều kiện lưu hành tại thị trường Nhật Bản và các thị trường khó tính khác.
[VIDEO] - Anh Huỳnh Trung Trọng chia sẻ về định hướng hỗ trợ phát triển sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài:
“Việc đưa được một sản phẩm vào thị trường Nhật Bản là kết quả của cả một quá trình nỗ lực đồng bộ từ nhà sản xuất đến đơn vị kết nối và hệ thống phân phối. Để duy trì được chỗ đứng và mở rộng quy mô, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc bán được một lô hàng mà cần xây dựng chiến lược dài hạn, chuyên nghiệp hóa toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng ổn định và không ngừng nâng cấp sản phẩm” - anh Trọng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dua-san-pham-quang-nam-tiep-can-thi-truong-nhat-ban-3154604.html
Bình luận (0)