Theo lộ trình, chính quyền cấp xã mới sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1-7, cấp tỉnh mới sẽ vận hành sau ngày 30-8. Có thể xem đây là một cuộc tổng cải tổ bộ máy chính quyền các cấp. Quy mô khối lượng công việc rất lớn và thời gian thực hiện ngày càng ít. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia.
Trước hết là việc hợp nhất các cơ sở dữ liệu (CSDL) của các địa phương được sáp nhập và chỉnh sửa các thông tin về địa danh. Đặc biệt, việc chỉnh sửa thông tin địa danh mới là khối lượng công việc khổng lồ, do phải tiến hành trên toàn bộ các loại CSDL từ địa phương, chuyên ngành đến bộ và cấp quốc gia. Công việc này phải ứng dụng AI, đồng thời phải có biện pháp dùng AI để kiểm tra chéo nhằm bảo đảm tính chính xác của CSDL.
Người dân kiểm tra tiến độ hồ sơ trực tuyến tại UBND quận Bình Tân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhà nước, từ cấp trung ương, cần phát triển công cụ AI để giúp người dân tra cứu thông tin địa danh. Ví dụ, "địa chỉ, địa danh mới có địa chỉ và địa danh cũ là gì?" hay ngược lại "địa chỉ, địa danh cũ hiện đổi thành địa chỉ, địa danh mới là gì?".
Các phường, xã và các tỉnh, thành sau khi sáp nhập, địa bàn sẽ trải rộng gấp 2 - 3 lần, thậm chí lớn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc quản lý hành chính của cả nhà nước lẫn người dân. Chẳng hạn, nếu muốn đến trụ sở UBND tỉnh làm thủ tục hành chính (TTHC), một người dân ở vùng biên giới Tây Ninh thay vì đến TP Tây Ninh như trước thì nay phải đến tận TP Tân An, tỉnh Long An - nơi sẽ đặt trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh mới. Đây chính là lúc cần có chính quyền số và công dân số.
Thủ tướng Chính phủ ngày 22-5-2025 đã ký Công điện số 69/CĐ-TTg, yêu cầu bảo đảm 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
Các TTHC cũng cần được đẩy mạnh tiến trình đưa lên nền tảng online và nâng cấp càng sớm càng tốt các TTHC trực tuyến lên mức độ toàn trình. Làm được điều này sẽ giúp người dân thực hiện TTHC ngay trên internet. Tại TP HCM, hiện trong tổng số 1.991 TTHC đã được trực tuyến, có hơn 1/2 đạt mức toàn trình và theo kế hoạch đến tháng 12 sẽ nâng tỉ lệ này lên 77%.
Nguồn: https://nld.com.vn/dua-thu-tuc-hanh-chinh-len-online-196250524211106316.htm
Bình luận (0)