Thông điệp từ chương trình nhằm khẳng định năng lực của thanh niên khuyết tật, thúc đẩy cơ hội học nghề, việc làm và hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp dành cho thanh niên khuyết tật và người nhà của họ tại chương trình. Ảnh: Mai Hoa
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh điểm đặc biệt là sự kiện này do chính các bạn thanh niên khuyết tật là Đại sứ dự án “Dạy nghề và cải thiện môi trường làm việc hòa nhập cho thanh niên khuyết tật” thực hiện, với mục tiêu tăng cường sự thấu hiểu về các dạng khuyết tật và sự đa dạng trong khả năng làm việc của thanh niên khuyết tật. Đồng thời, cung cấp thông tin về các nguồn lực hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật, phụ huynh về các cơ hội việc làm. Cùng với đó, sự kiện nhằm tạo không gian kết nối, chia sẻ và truyền cảm hứng cho các bên liên quan, qua đó, khẳng định năng lực của thanh niên khuyết tật, tạo nền tảng kết nối vững chắc với các bên liên quan để xây dựng và thúc đẩy cơ hội học nghề, việc làm và hòa nhập xã hội cho thanh niên khuyết tật.
Trong khuôn khổ chương trình, người tham gia cùng trải nghiệm làm việc như thanh niên khiếm thị, hướng dẫn sử dụng điện thoại/máy tính và đi gậy của người khiếm thị. Cùng với đó là hoạt động trải nghiệm nghề pha chế, thưởng thức đồ uống theo công thức sẵn có. Ngoài ra là hoạt động trải nghiệm về nghề làm tóc, cắt tóc mái đơn giản, uốn giả tạo kiểu, làm nail… Đặc biệt, chương trình còn có trải nghiệm sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính/điếc, tìm hiểu văn hóa của người điếc; có quầy tư vấn hướng nghiệp và cung cấp các thông tin tuyển dụng về việc làm cho thanh niên khuyết tật.
Tại chương trình, Tọa đàm “Vượt giới hạn - chạm tương lai” cũng được tổ chức, với sự tham gia của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật, thanh niên khuyết tật là nhân sự các công ty, người thân của lao động là thanh niên khuyết tật… Những chia sẻ về trải nghiệm học nghề, làm việc của thanh niên khuyết tật, cũng như sự hỗ trợ thanh niên khuyết tật trong quá trình tham gia thị trường lao động của phụ huynh, người chăm sóc tại chương trình thực sự ý nghĩa đối với gia đình có con em là thanh niên khuyết tật tham dự chương trình.

Đại diện các doanh nghiệp có sử dụng lao động là thanh niên khuyết tật chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng, cơ hội nghề nghiệp phù hợp đối với thanh niên khuyết tật. Ảnh: Mai Hoa
Cùng với đó, chương trình “Đối thoại “Trạm cơ hội”: Doanh nghiệp và thanh niên khuyết tật bàn về kỹ năng công việc mà thanh niên khuyết tật cần có” được tổ chức tại sự kiện cũng mang đến rất nhiều thông tin hữu ích, gắn với thực tiễn.
Đại diện các doanh nghiệp, gồm Giám đốc điều hành Công ty LilForest Ngọc Thanh Phúc; Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Naturweg Nguyễn Hải Yến; Tổng Giám đốc Công ty TNHH We Edit Việt Nam Vũ Thị Quyên… đã chia sẻ lý do các doanh nghiệp này ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động là thanh niên khuyết tật, bao gồm: Nhiều lao động là thanh niên khuyết tật có tinh thần vượt khó, nghị lực, cầu tiến, trung thực, chăm chỉ… Các lao động này cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi. Đặc biệt, nhiều lao động khuyết tật làm việc với độ tập trung rất cao, có tư duy hợp tác, kiên trì và giàu năng lượng.
Đại diện các doanh nghiệp cũng khuyến nghị lao động là thanh niên khuyết tật cần rèn các kỹ năng nghề nghiệp về khả năng tổng hợp thông tin marketing và bán hàng; kỹ năng sắp xếp công việc, tư duy linh hoạt trong giải quyết vấn đề; kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh; kỹ năng giao tiếp linh hoạt; kỹ năng quản lý thời gian, xử lý văn bản; kỹ năng làm việc nhóm; đặc biệt là kỹ năng tự học, phát triển bản thân…

Trải nghiệm nghề pha chế, thưởng thức đồ uống theo công thức sẵn có tại chương trình.
Cung cấp thêm một số thông tin về chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Việc làm Hội Người khuyết tật Hà Nội Trịnh Xuân Dũng nhấn mạnh: Tại Điều 34 và 35 của Luật Người khuyết tật đã khẳng định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng; miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp… Điều quan trọng là cùng với sự hỗ trợ của xã hội, doanh nghiệp, thanh niên khuyết tật cần chủ động, nỗ lực học tập, rèn kỹ năng, tự tin hòa nhập cộng đồng một cách trọn vẹn, có công việc, thu nhập để có thể sống độc lập, góp giá trị bản thân vào cộng đồng xã hội.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/khang-dinh-nang-luc-cua-thanh-nien-khuyet-tat-703435.html
Bình luận (0)