(QBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách, “băng rừng” đến với những bản làng xa xôi ở vùng cao biên giới. Có được kết quả đó không thể không nhắc đến vai trò của những cán bộ chính sách tín dụng. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, họ đã cùng các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Báo Quảng Bình•26/05/2025
Tận tâm với công việc
Hơn 17 năm gắn bó với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), anh Nguyễn Tuấn Ngọc đã trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác khác nhau, trong đó có gần 5 năm giữ cương vị là Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Quảng Ninh. Với nhiều kinh nghiệm và sự tâm huyết, trong thời gian công tác ở huyện Quảng Ninh, anh đã cùng tập thể cán bộ, người lao động NHCSXH huyện không ngừng nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Anh Ngọc tâm sự: Chứng kiến quá trình phát triển của ngành trải qua không ít khó khăn, thách thức nhưng với tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần nêu gương, anh đã cùng tập thể cán bộ, người lao động xây dựng hệ thống NHCSXH ngày càng phát triển, là một trong những “điểm sáng” về chính sách giảm nghèo.
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc (ngoài cùng bên phải) được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phụ trách địa bàn có các xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, mặc dù giữ cương vị là Giám đốc PGD NHCSXH huyện nhưng anh vẫn thường xuyên đi cơ sở, đến với đồng bào dân tộc thiểu số các bản ở xã Trường Sơn. Anh cho biết: Nắm bắt và đi cơ sở để thấy cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số các bản vùng cao gặp những khó khăn gì, qua đó NHCSXH huyện có sự phối hợp với chính quyền địa phương tìm ra giải pháp và tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào được tiếp cận nguồn vốn kịp thời để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Với sự tận tâm, quyết liệt, đồng bộ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, tập thể người lao động PGD NHCSXH huyện, những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2020-2025 từ 4,06% xuống còn 3,16%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,02% xuống còn 3,24% vào cuối năm 2024 và giúp 12/14 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Bám cơ sở
Mặc dù chỉ mới chuyển công tác đến huyện Minh Hóa với cương vị là Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện chưa đầy 4 năm, nhưng anh Nguyễn Tất Thành đã lặn lội, ngược xuôi đến hầu hết các vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện để nắm bắt cuộc sống và tình hình phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Anh Thành cho biết: “Xác định hoạt động tín dụng chính sách cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là trọng trách lớn lao. Chính vì vậy, dù được phân công phụ trách địa bàn nào, bản thân tôi cũng không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”. Anh cũng cho biết thêm, việc tăng cường đi cơ sở kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách,tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay thông qua các phiên giao dịch tại xã hoặc đột xuất để nắm bắt kịp thời tình hình chất lượng tín dụng, từ đó có các biện pháp chấn chỉnh, tham mưu khắc phục kịp thời sai sót xảy ra và đưa ra được các giải pháp để xử lý, nâng cao chất lượng tín dụng.
Với những đóng góp của mình trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, trong năm 2020-2024, anh Nguyễn Tuấn Ngọc và Nguyễn Tất Thành đã vinh dự được Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cùng nhiều thành tích khác.
Đặc thù của hoạt động chính sách xã hội là ngoài vai trò của cán bộ NHCSXH, để nguồn vốn đến được với hộ nghèo và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, biên giới thì mạng lưới chính quyền cấp xã, hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò quyết định. Muốn nâng cao chất lượng tín dụng chính sách thì phải thường xuyên có giải pháp nâng cao vai trò của các mạng lưới này. Do vậy, việc bám nắm địa bàn, cơ sở với anh Thành là công việc thường xuyên nhằm tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Nhờ sâu sát cơ sở, anh và các cán bộ chính sách khác đã giúp hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện miền núi trong những năm qua có nhiều khởi sắc.
Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách được đầu tư cho vay đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2020 đến nay đạt 753.609 triệu đồng, với 14.794 lượt khách hàng được vay vốn; có 3.460 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang vay vốn; có 2.200 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; có 708 hộ nghèo vay vốn để làm nhà ở; có 72 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; có 1.717 lao động được vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm...
“Những đổi thay của huyện hôm nay có một phần vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH. Có thể nói, nguồn vốn là công cụ hữu hiệu để chính quyền địa phương thực hiện thành công công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Đối với những người cán bộ như tôi thì niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ đó là nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến tay đối tượng thụ hưởng và ngày càng có nhiều hộ thoát được nghèo vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách”, anh Thành chia sẻ.
Bình luận (0)