Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Duy trì hiệu quả "dòng chảy" tín dụng chính sách

Từ ngày 01/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng tiến hành sáp nhập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh09/07/2025

Việc giải ngân vốn vay, thu lãi được thực hiện nhanh chóng

Theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh, từ ngày 01/7/2025, tỉnh Tây Ninh có 96 UBND cấp xã. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và UBND tỉnh, NHCSXH Chi nhánh Tây Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với từng địa phương, từng khu vực. Theo đó, hoạt động cho vay được duy trì thông suốt. Đối với đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính được tiếp tục cho vay đến khi quyết định hết hiệu lực hoặc có quyết định thay thế của cấp có thẩm quyền.

Đối với các điểm giao dịch, Chi nhánh NHCSXH tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tại tất cả các điểm giao dịch xã như trước khi sáp nhập đơn vị hành chính tại cả 2 tỉnh Tây Ninh (cũ) và Long An (cũ); chỉ đạo các phòng giao dịch (PGD) phối hợp chặt chẽ UBND các xã, phường, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thông báo về địa điểm giao dịch, lịch giao dịch cố định, thời gian giao dịch,... bảo đảm các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi diễn ra thông suốt.

PGD NHCSXH Ninh Thạnh có chức năng thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách trên địa bàn phường Tân Ninh và phường Bình Minh, là 2 đơn vị hành chính mới được hình thành sau sáp nhập. Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, kịp thời, PGD đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó duy trì ổn định mạng lưới điểm giao dịch; phối hợp UBND phường Tân Ninh và phường Bình Minh cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác duy trì 9 điểm giao dịch cố định tại các xã, phường cũ. Các phiên giao dịch được tổ chức đúng lịch cố định hàng tháng. Mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, giảm thiểu chi phí đi lại và thời gian giao dịch.

Ngày 07/7, PGD NHCSXH Ninh Thạnh tổ chức giao dịch tại trụ sở UBND phường 4 (cũ), thuộc phường Tân Ninh thực hiện ngày giao dịch đầu tiên kể từ sau khi sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp và tổ chức lại các PGD trực thuộc. Ngay đầu giờ giao dịch, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ PGD, các hoạt động: Giải ngân, thu nợ, thu lãi; nhận gửi tiết kiệm của tổ viên, người dân,... đều diễn ra bảo đảm an toàn, hiệu quả, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thi Xinh (phường Tân Ninh) cho biết, gia đình bà được vay vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh nhiều năm qua để buôn bán. Từ ngày 01/7, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng sáp nhập, do đó bà Xinh khá lo lắng về thời gian giải ngân vốn vay cũng như địa điểm giao dịch bị di dời quá xa. “Trước đó, tôi rất lo lắng nhưng NHCSXH vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch cũ nên tôi rất yên tâm, thuận tiện vì không phải đi xa. Hôm nay, tôi được giải ngân cho vay 14 triệu đồng cũng rất nhanh chóng, kịp thời” - bà Xinh nói.

Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cũng nhanh chóng ổn định, hoàn tất hồ sơ để việc thực hiện giao dịch được diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Trước khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 12, phường Tân Ninh, Tổ trưởng Tổ TK&VV, trăn trở làm sao để thuận tiện cho người dân đến các điểm giao dịch cũng như việc thu, nộp lãi của các tổ TK&VV. Bà Hạnh cho biết: “Chỉ qua vài ngày, quy trình làm việc của NHCSXH đều thực hiện rất ổn định, không có gì thay đổi, tạo điều kiện cho người dân có nguồn vốn để sản xuất, phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện giao dịch, nếu có vấn đề gì không rõ đều được cán bộ PGD và đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ rất tận tình”.

Giám đốc PGD NHCSXH Ninh Thạnh - Trần Nguyễn Như Trâm cho biết: "Chúng tôi tích cực phối hợp chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn; bảo đảm người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách không bị gián đoạn trong quá trình tiếp cận vốn. Nhờ đó, hoạt động giao dịch tại cơ sở được duy trì ổn định, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ thiết thực cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế trong bối cảnh tổ chức lại địa giới hành chính”.

Ngoài ra, UBND các xã, phường sau sắp xếp cũng đã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và cử cán bộ công an, dân quân tự vệ có mặt tại điểm giao dịch nhằm bảo đảm mọi hoạt động diễn ra an toàn, hiệu quả.

Vốn tín dụng ưu đãi được xem là “bà đỡ” của hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách, do đó việc duy trì mạng lưới giao dịch như trước khi sáp nhập giúp người dân không phải đi xa, tạo sự ổn định, yên tâm trong tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển KT-XH của địa phương, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng tâm thế vững bước tiến vào kỷ nguyên mới./.

Vũ Nguyệt

Nguồn: https://baotayninh.vn/duy-tri-hieu-qua-dong-chay-tin-dung-chinh-sach-a192135.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm