Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gành Đá Đĩa - Kỳ quan đá có một không hai ở Việt Nam

Nép mình bên biển Tuy An (Phú Yên), Gành Đá Đĩa hiện lên như một pháo đài đá kỳ bí, với những khối bazan xếp lớp vươn ra biển lớn. Một tuyệt tác của thiên nhiên, vừa nguyên sơ vừa ngoạn mục, khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng phải ngỡ ngàng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên26/05/2025

HÌNH THÀNH CÁCH ĐÂY KHOẢNG 2 TRIỆU NĂM

Gành Đá Đĩa trải rộng trên diện tích khoảng 2 km², nơi hẹp nhất chừng 50 m, chỗ rộng nhất lên tới khoảng 200 m. Hàng ngàn trụ đá bazan hình lục giác, đường kính 50 - 60 cm, xếp chồng ngay ngắn theo phương thẳng đứng, tạo nên một cảnh tượng kỳ lạ và ngoạn mục. Người dân ví nơi đây như những phím đàn piano khổng lồ, còn sóng biển là nhạc sĩ cần mẫn dệt nên bản giao hưởng dịu êm và lấp lánh sắc nước trời.

Gành Đá Đĩa - Kỳ quan đá có một không hai ở Việt Nam- Ảnh 1.

Những cột đá xếp chồng lên nhau khiến Gành Đá Đĩa trở thành kỳ quan đá độc nhất vô nhị tại VN. ẢNH: UBND H.TUY AN

Vẻ đẹp của Gành Đá Đĩa không nằm ở sự cầu kỳ mà ở sự giản dị, nguyên sơ hiếm thấy. Qua bao mùa biển động, sóng gió âm thầm mài giũa, nhuộm cho đá màu đen tuyền, nhiều chỗ in dấu thời gian loang lổ như tổ ong. Những cột đá hình lục giác, ngũ giác nhô ra biển như bàn tay khổng lồ vươn về phía sóng. Buổi sáng, mặt đá lấp lánh ánh nắng, phản chiếu trời xanh, biển ngọc. Chiều xuống, ráng hoàng hôn nhuộm hồng từng phiến đá. Bên kia gành là Bãi Bàng cong cong, ôm lấy làng chài nhỏ bao đời, gợi nên khung cảnh thanh bình của một miền quê gắn bó với biển cả.

Nằm trong quần thể thiên nhiên lý tưởng, Gành Đá Đĩa được bao quanh bởi những địa danh nổi bật: phía đông là vịnh Xuân Đài, một trong những vịnh đẹp nhất VN; phía nam giáp Bãi Bàng với dải cát trắng mịn trải dài 3 km, nước biển trong vắt; phía bắc là ngọn hải đăng Gành Đèn sừng sững, canh giữ cho tàu thuyền ra vào vịnh; phía tây là những xóm làng trù phú với di sản văn hóa đá độc đáo như giếng đá, tường rào đá, mộ đá, chuồng trâu đá...

Theo các nhà địa chất, Gành Đá Đĩa hình thành cách đây khoảng 2 triệu năm từ hoạt động núi lửa. Nham thạch trào ra, gặp nước biển lạnh đột ngột đông cứng và xảy ra hiện tượng ứng lực khiến khối đá bị rạn nứt theo nhiều phương, tạo nên hàng nghìn cột đá đều đặn như thể có bàn tay sắp đặt. Vẻ đẹp kỳ vĩ của Gành Đá Đĩa đã ăn sâu vào tâm thức người dân địa phương qua những truyền thuyết mang màu sắc linh thiêng.

TRUYỀN THUYẾT KHO BÁU HÓA ĐÁ

Tương truyền, thuở xưa có một người đàn ông giàu có sống ở vùng này. Sau khi vợ mất sớm mà chưa có con, ông quyết chí tu hành. Một nửa tài sản được ông phân phát cho dân làm vốn sinh nhai, nửa còn lại đem cất vào một kho gần biển (thuộc thôn 6, xã An Ninh Đông, H.Tuy An ngày nay), với ý nguyện sau khi đắc đạo sẽ dùng để xây chùa và dâng tặng vị minh quân thương dân như con. Sau nhiều năm tu luyện, ông viên tịch mà chưa kịp dùng đến kho báu.

Nhiều kẻ tham lam biết có kho tiền ngoài biển đã nảy sinh cướp bóc, nhưng lạ lùng thay, cửa kho không tài nào cạy ra được. Chúng dùng củi, bôi chất phủ lên kho và phóng hỏa đốt, lửa cao ngất trời mà cánh cửa gỗ vẫn y nguyên. Một đêm, chúng bôi thứ ô uế rồi lại nổi lửa thiêu, giữa lúc ấy bỗng có cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn bọn người tham đi mất, kèm theo tiếng nổ vang dội. Sáng hôm sau, người dân kéo ra bờ biển thì thấy nơi kho bạc chỉ còn lại những phiến đá lục giác khổng lồ xếp chồng lên nhau, vươn ra tận biển.

Một truyền thuyết khác kể rằng vùng biển này từng bị một con thuồng luồng hung dữ quấy phá hút sạch tôm cá, đánh chìm ghe thuyền khiến dân không thể ra khơi. Trời thương dân lành, sai một vị thần xuống trấn áp thủy quái. Sau trận giao chiến dữ dội, vị thần đã niêm phong hang quái bằng hàng vạn khối đá lớn, vuông vức, tạo thành Gành Đá Đĩa. Người dân lập miếu thờ thần giữ biển và Gành Đá Đĩa trở thành vùng đất linh thiêng qua nhiều thế hệ.

Những truyền thuyết ấy phản ánh niềm tin dân gian và mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, nhất là biển cả, nguồn sống vĩnh hằng của cư dân miền Trung.

ĐIỂM ĐẾN HÀNG ĐẦU CỦAPHÚ YÊN

Không chỉ là thắng cảnh kỳ thú, Gành Đá Đĩa còn là dấu ấn của địa chất hàng triệu năm. Dù đã được đầu tư hạ tầng phục vụ du khách, nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ.

Năm 1997, Gành Đá Đĩa được công nhận là Di tích thắng cảnh quốc gia. Tuy nhiên, phải đến khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đưa Phú Yên lên màn ảnh rộng, nơi đây mới thực sự được du khách biết đến nhiều hơn. Gành nhanh chóng trở thành biểu tượng du lịch của xứ sở "hoa vàng", thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm.

Không chỉ đẹp về mặt địa chất, Gành Đá Đĩa còn gắn bó mật thiết với đời sống ngư dân Tuy An. Cách gành không xa là những làng chài nhỏ, nơi người dân ngày ngày ra khơi đánh bắt, làm nước mắm truyền thống. Trẻ con trong làng vào những ngày biển êm thường rủ nhau ra gành bắt còng, nhặt ốc, chạy nhảy vui đùa. Những hình ảnh đời thường, giản dị ấy góp phần làm nên bản sắc riêng cho vùng ven biển Nam Trung bộ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết: "Năm 2014, Gành Đá Đĩa được bình chọn là một trong 20 điểm đến được yêu thích nhất tại VN. Đến cuối năm 2020, nơi đây được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Để tăng sức hút du lịch, huyện đã đầu tư nhiều hoạt động trải nghiệm như cưỡi ngựa ngắm cảnh, nghe đàn đá, chụp ảnh tại cánh đồng hoa… nhằm tạo điểm nhấn mới cho Gành Đá Đĩa". (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/ganh-da-dia-ky-quan-da-co-mot-khong-hai-o-viet-nam-185250525220930615.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm