
Mùa hè không chỉ làm tăng nhiệt độ bên ngoài mà còn kích hoạt hàng loạt phản ứng sinh lý phức tạp bên trong, từ hệ thần kinh, nội tiết, miễn dịch đến tiêu hóa.
Lời kêu cứu thầm lặng
Mùa hè, cơ thể bạn phải làm việc gấp đôi để điều hòa thân nhiệt, bù nước, thải độc, chống viêm. Và khi những cơ chế này không được hỗ trợ đúng cách, bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng “nóng trong”, táo bón, nổi mụn, rôm sảy, viêm da, say nắng, bốc hỏa, và cảm giác mệt mỏi triền miên.
Nhưng điều đáng nói là: tất cả biểu hiện đó không đơn thuần do thời tiết nóng nực - mà là lời kêu cứu thầm lặng từ bên trong cơ thể khi phải oằn mình chống lại sự mất cân bằng do chế độ ăn uống và sinh hoạt chưa phù hợp với khí hậu mùa hè. Hãy bắt đầu chiến lược chăm sóc cơ thể bằng việc hiểu cơ thể mình.
Khi nhiệt độ tăng, cơ thể cần thay đổi theo cơ chế sinh tồn. Theo sinh lý học, nhiệt độ môi trường tăng cao sẽ kích hoạt cơ chế giải nhiệt của cơ thể: giãn mạch ngoại vi, tiết mồ hôi, tăng nhịp tim và nhịp thở.
Những cơ chế này tiêu hao rất nhiều nước, muối khoáng và năng lượng. Khi không được bù đắp hợp lý, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, giảm khả năng điều nhiệt, đồng thời khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả do máu được ưu tiên dẫn đến da và các cơ quan làm mát khác.
Làm mát từ bên trong
Nước và điện giải là yếu tố đầu tiên cần phải chú ý để tránh cơ thể không bị nóng bức, quá tải. Khi cơ thể bị mất nước, ngoài việc phải bổ sung nước, chúng ta cũng cần phải chú ý tới điện giải là các khoáng chất trong thực phẩm, nước uống.
Các khoáng chất bao gồm natri (Na+), kali (K+), clorua (Cl-), magiê (Mg2+), canxi (Ca²2+), bicarbonat (HCO3-)… đóng vai trò duy trì cân bằng nước giữa các ngăn tế bào, ổn định áp suất thẩm thấu, và hỗ trợ dẫn truyền thần kinh - cơ.
Nhiều người tăng cường uống nước nhưng lại quên điện giải, khiến cơ thể không thể giữ được nước và khiến chúng ta dễ bị nóng bức. Cách bổ sung điện giải nhanh nhất là các nước uống giàu điện giải tự nhiên như nước chanh đường mía thô, nước dừa, nước rau má thay vì các thức uống có đường như nước bù điện giải được bày bán trên thị trường.
Việc ăn các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau xanh sẽ cung cấp một nguồn điện giải dồi dào cho nhu cầu tăng cao của cơ thể. Ngoài ra, việc uống nước cũng theo nhu cầu cơ thể, tránh việc uống nước liên tục lại làm gây ra hiện tượng đào thải các muối khoáng, khiến cơ thể mất nước nhanh chóng.
Cạnh đó, theo đông y, thực phẩm hàn dùng mô tả các thực phẩm có tính mát lạnh, giúp cơ thể giải nhiệt. Những nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng các loại thực phẩm hàn thường có nhiều nước, giàu chất xơ, chứa nhiều chất chống oxy hóa và chống viêm sẽ giúp cơ thể hạ nhiệt từ bên trong.
Nước trong thực phẩm không được hấp thụ nhanh vào ruột như nước lọc nên cũng ít gây áp lực cho thận, tránh mất nước qua nước tiểu. Các điện giải trong các thực phẩm này cũng được hấp thu ổn định hơn.
Chất xơ trong rau và trái cây giúp ổn định hệ vi sinh trong đường ruột, ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên cần lưu ý, các loại trái cây không mọng nước và nhiều đường như mít, nhãn, xoài. Cơ thể vốn dĩ đang phải vất vả điều hòa thân nhiệt nên việc xử lý một lượng đường lớn đưa vào cơ thể sẽ tạo thêm áp lực không cần thiết. Do đó, hãy hạn chế tối đa các loại nước ngọt chỉ mang lại cảm giác mát lạnh tạm thời.
Thực phẩm theo mùa
Vào mùa hè, chúng ta sẽ thấy các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ ít hấp dẫn hơn. Lý do là quá trình tiêu hóa thức ăn cũng sinh nhiệt nên các thực phẩm khó tiêu như dầu, mỡ càng khiến cơ thể nóng bức.

Tuy nhiên, hãy dùng dầu ép thủ công thay vì dầu thực vật tinh luyện, ưu tiên hấp, luộc hoặc nấu canh cho các thực phẩm nhiều mỡ như thịt, cá. Một tô canh chua cá với cà chua nhiều lycopene, thơm nhiều vitamin C, bạc hà mọng nước, các loại rau gia vị như thì là hoặc ngổ điếc hỗ trợ tối đa cho quá trình giải độc của cơ thể.
Cạnh đó, ông bà ta có câu: mùa hè cá sông, mùa đông cá biển. Cá biển có hàm lượng I-ốt cao sẽ không phù hợp với cơ thể ngày hè. Do đó hãy ưu tiên các món từ cá biển vào buổi tối thay vì buổi trưa nóng bức.
Tự nhiên vốn dĩ đã tạo điều kiện cho các sinh vật và con người. Trái cây nhiệt đới thường ra trái vào mùa hè như dưa hấu, dứa, thanh long và các loại rau sinh trưởng vào mùa hè như rau dền, dưa leo, mồng tơi, rau đay, rau muống, rau má, tía tô, kinh giới, húng quế sẽ giúp giải nhiệt tối đa. Hãy ưu tiên các loại thực phẩm này thay vì các loại rau lạ lẫm vốn dĩ sinh trưởng tốt vào mùa đông, nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hãy tranh thủ vận động buổi sáng để cung cấp thêm vitamin D cho cơ thể tránh việc lười vận động, ở trong phòng suốt ngày, dễ làm thiếu hụt vitamin D, cơ thể lại không kích hoạt các cơ chế làm mát tự nhiên khi vận động. Nếu bạn là nhân viên văn phòng, thỉnh thoảng hãy đứng dậy vận động nhẹ nhàng sẽ tạo hiệu quả bất ngờ.
Mùa hè là thời điểm thử thách khả năng tự điều hòa của cơ thể. Dinh dưỡng đúng cách không chỉ giúp phòng tránh các bệnh “nóng trong” mà còn góp phần làm mát từ bên trong, tăng cường hệ miễn dịch, tiêu hóa và tâm trạng.
Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất: một ly nước ấm chanh đường mía thô buổi sáng, một bữa trưa thanh đạm với rau củ theo mùa, và một giấc ngủ yên lành trong căn phòng dịu mát. Mùa hè sẽ trở nên dễ chịu hơn nếu ta lắng nghe và nuôi dưỡng cơ thể bằng sự thấu hiểu và khoa học.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/giai-nhiet-mua-he-can-bang-tu-ben-trong-3154508.html
Bình luận (0)