Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và một số lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, và sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận chuyên sâu xoay quanh các trụ cột chính tạo đột phá tăng trưởng, và thảo luận bàn tròn về các vấn đề bao gồm: thể chế kinh tế, với các kiến nghị về cải cách mạnh mẽ khung pháp lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, xây dựng khu thương mại tự do, khu tự do đổi mới sáng tạo với thể chế vượt trội; nguồn nhân lực và nhân tài-đề xuất cải cách giáo dục, xây dựng chế độ công vụ mới, ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào đào tạo và quản trị nguồn nhân lực.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Các diễn giả cũng thảo luận về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số-thúc đẩy thực hiện các chính sách quốc gia đã ban hành, xây dựng chiến lược phát triển thống nhất cho giai đoạn 2026-2045; doanh nghiệp tư nhân-xác định khu vực tư nhân là động lực trung tâm cho tăng trưởng, yêu cầu có chính sách riêng, môi trường pháp lý thuận lợi, khả năng tiếp cận tài chính và kết nối thị trường quốc tế; huy động nguồn lực tài chính-đề xuất các cơ chế huy động và phân bổ nguồn vốn hiệu quả, cải thiện năng lực điều tiết tài chính công, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao năng lực thể chế-khẳng định vai trò trung tâm của Nhà nước kiến tạo và thể chế dung hợp để dẫn dắt cải cách toàn diện, bảo đảm tăng trưởng chất lượng.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển có tính chất quyết định vận mệnh của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu rất rõ ràng: đưa Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để hiện thực hóa khát vọng đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là: Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục, ổn định và bền vững trong các thập niên tới.
Trong đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới không chỉ là tham vọng, mà còn là đòi hỏi thực tiễn, nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với các quốc gia đi trước hóa giải nguy cơ tụt hậu; tăng cường năng lực nội sinh, sức chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tạo dựng vị thế xứng đáng của Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa từng có, đồng thời là thách thức to lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, phân mảng thương mại, tài chính, công nghệ gia tăng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... đang làm thay đổi tận gốc cách thức sản xuất và tiêu dùng toàn cầu.
Trong nước, dư địa từ các động lực tăng trưởng truyền thống như khai thác tài nguyên,đất đai, lao động tay nghề thấp hay thậm chí cả đầu tư công đang dần thu hẹp. Nếu không kịp thời đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu sâu sắc nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, đòi hỏi đặt ra là chúng ta phải kiến tạo được những đột phá thực chất, những thay đổi quyết liệt trong tư duy và hành động phát triển.
Hội thảo không chỉ nêu lên các vấn đề khoa học thuần túy mà còn là một diễn đàn phản biện và kết nối thực tiễn, để các ý tưởng có thể chuyển hóa thành chính sách với 6 trọng tâm cơ bản:
Thứ nhất, mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam không còn đáp ứng kỳ vọng về một nền kinh tế phát triển năng động, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Để đạt tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần thiết lập một mô hình tăng trưởng mới, tập trung vào chất lượng, hiệu suất sử dụng các nguồn lực, năng suất lao động. Mô hình này phải lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị gia tăng cao làm trung tâm.
Thứ hai, vấn đề thể chế cần được đặt ra như một điều kiện tiên quyết. Việt Nam cần một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Thứ ba, tìm kiếm và nhận diện các không gian tăng trưởng mới, những lĩnh vực và địa bàn mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiềm năng.
Thứ tư, vấn đề nguồn lực con người nói chung, nhất là đào tạo và sử dụng nhân tài mang tính quyết định trong kỷ nguyên tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong tạo lập động lực tăng trưởng mới. Việc phát triển một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, các thương hiệu Việt lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu là điều kiện sống còn nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn.
Thứ sáu, giải pháp để đa dạng hóa các công cụ tài chính, giải quyết khó khăn thách thức giữa nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng huy động nguồn lực trong nước có hạn.
![]() |
Các chuyên gia sôi nổi thảo luận tại hội thảo. |
Thông qua các phiên thảo luận, các diễn giả đã đồng thuận rằng để đạt được tăng trưởng hai con số, Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc vào các động lực truyền thống mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và năng suất cao. Cải cách thể chế, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và quản lý nhà nước là những yếu tố then chốt. Trên cơ sở các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Nguồn: https://nhandan.vn/giai-phap-dot-pha-tang-truong-kinh-te-hai-con-so-trong-ky-nguyen-moi-post877944.html
Bình luận (0)