Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải pháp từ tài chính và công nghệ thúc đẩy chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh đã trở thành một xu thế toàn cầu, ngày càng tác động rõ nét đến hoạt động của doanh nghiệp, từ sản xuất, kinh doanh đến khả năng tiếp cận vốn và thị trường.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang21/04/2025

Các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp tham dự thảo luận. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)

Các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp tham dự thảo luận. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)

Tại hội thảo “Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính-công nghệ” do BIDV và FPT phối hợp tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ hành trình chuyển đổi theo hướng bền vững.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, làn sóng chuyển đổi xanh đang tạo ra 3 nhóm áp lực chính đối với Việt Nam. Thứ nhất là áp lực nội tại đến từ biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất-kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ tổn thương như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng.

Thứ hai là áp lực từ thị trường toàn cầu, với xu hướng tiêu dùng và đầu tư “xanh hóa”, kèm theo các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn bền vững ngày càng cao. Thứ ba là áp lực từ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, nhất là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tiến sĩ Lực nhận định, hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi xanh. Tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết và hành động cụ thể liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá đầy đủ các rủi ro, cơ hội từ chuyển đổi xanh đến chuỗi cung ứng, sản phẩm hay chiến lược kinh doanh. Khó khăn về nguồn lực, thiếu thông tin, hạn chế về năng lực quản trị là những rào cản lớn khiến chuyển đổi xanh chưa trở thành một phần trong chiến lược dài hạn.

Để vượt qua những thách thức này, Tiến sĩ Lực nhấn mạnh 3 giải pháp chính. Trước tiên, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn hóa các chỉ số ESG và quy định công bố thông tin nhằm tăng tính minh bạch và khả năng so sánh. Thứ hai, cần phát triển mạnh thị trường tài chính xanh, trong đó có các sản phẩm như: trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro khí hậu… để tạo dòng vốn ổn định cho doanh nghiệp thực hiện các dự án chuyển đổi.

Cuối cùng, là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp-tổ chức tài chính-đơn vị công nghệ nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và đồng hành trong thực thi các mục tiêu bền vững.

Góc nhìn từ thực tiễn doanh nghiệp tiếp tục cho thấy nhiều trở ngại cụ thể. Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Khối dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam, cho rằng, chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà sớm muộn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì khả năng cạnh tranh và tiếp cận vốn trong tương lai.

Theo ông Khánh, doanh nghiệp Việt hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và chuẩn hóa dữ liệu ESG - điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược và tiếp cận tài chính xanh. Đồng thời, việc thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu công cụ đo lường đáng tin cậy, cùng việc chưa quen với các tiêu chuẩn công bố thông tin quốc tế như ISAE 3000, ISAE 5000, khiến không ít doanh nghiệp bị tụt hậu.

Ông nhấn mạnh, việc sử dụng dịch vụ bảo đảm từ bên thứ ba sẽ giúp tăng độ tin cậy của thông tin ESG, góp phần quan trọng trong việc xây dựng lòng tin với nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.

Ở góc độ công nghệ, ông Trần Đức Trí Quang, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Dữ liệu Công ty FPT IS (FPT), chia sẻ thêm về vai trò cốt lõi của dữ liệu trong hành trình chuyển đổi xanh. Theo ông, dữ liệu chất lượng cao là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn xanh như trái phiếu xanh, khoản vay liên kết bền vững (SLLs), hoặc ưu đãi tín dụng từ các định chế tài chính quốc tế.

Bộ nguyên tắc đánh giá chất lượng dữ liệu phát thải theo PCAF (Partnership for Carbon Accounting Financials) đã được áp dụng rộng rãi, chia dữ liệu thành 5 cấp độ từ sơ cấp, đã kiểm toán đến ước tính sơ sài. Việc doanh nghiệp chủ động thu thập dữ liệu đúng chuẩn, có thể kiểm chứng, sẽ giúp tăng độ tin cậy và giảm rủi ro trong quá trình xét duyệt tài chính.

Đại diện phía ngân hàng, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, BIDV đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh. Trong đó, ngân hàng cung cấp các sản phẩm tài chính như khoản vay xanh, trái phiếu phát triển bền vững, tài trợ thương mại xanh và dịch vụ tư vấn ESG. BIDV cũng hợp tác với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như AFD, WB, JICA, KfW… nhằm đa dạng hóa nguồn vốn xanh. Tính đến hết năm 2024, ngân hàng đã tài trợ cho hơn 1.600 khách hàng với gần 2.000 dự án xanh, tổng dư nợ đạt trên 80.000 tỷ đồng.

Dù vậy, ông Long cũng nhấn mạnh rằng, chuyển đổi xanh không thể chỉ đến từ một phía. Việc phối hợp đồng bộ giữa chính sách, tài chính và công nghệ là điều kiện tiên quyết. “Chuyển đổi xanh cần được doanh nghiệp xác định như một chiến lược dài hạn, vừa là yêu cầu của thị trường, vừa là cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai”, ông nói.


Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/giai-phap-tu-tai-chinh-va-cong-nghe-thuc-day-chuyen-doi-xanh-210471.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm