Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa vinh dự nhận Giải thưởng Bảo Sơn - giải thưởng vinh danh các công trình nghiên cứu xuất sắc mang lại nhiều giá trị trong thực tiễn.
30 năm bền bỉ
Công trình đạt giải thưởng của Giáo sư Nguyễn Đình Đức là cụm công trình “Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu và kết cấu compozite ba pha tiên tiến trong kỹ thuật.” Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu bền bỉ và đưa vào ứng dụng trong thực tế của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức trong suốt hơn 30 năm qua.
Hành trình ấy bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20, tại Phòng thí nghiệm Vật liệu compozit của Viện nghiên cứu chế tạo máy, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô – một trong những phòng thí nghiệm tiên tiến và hiện đại nhất về vật liệu compozit của thế giới lúc bấy giờ.
Với nỗ lực bền bỉ, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã phát hiện ra một cấu trúc vật liệu compozit cacbon-cacbon mới có cấu trúc không gian 3 pha với tính năng siêu bền cơ học, siêu bền nhiệt và siêu nhẹ, có vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và an ninh quốc phòng, đặc biệt trong công nghệ chế tạo tên lửa.
Sự phát hiện của Giáo sư Nguyễn Đình Đức là lời giải đáp mà nhiều nhà vật lý và công nghệ vật liệu chưa thể giải quyết được để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu compozit.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã tính toán được sự tương tác giữa nền với sợi và hạt. Các công thức xác định các mô đun đàn hồi được thể hiện ở dạng giải tích, do đó, khi thay đổi các tham số lựa chọn ban đầu, chúng ta có thể thiết kế vật liệu compozit mới có các tính chất cơ lý mong muốn.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cơ bản và thực nghiệm, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã chứng minh được khi bổ sung các hạt, đặc biệt là các hạt có kích thước nano, sẽ làm giảm mạnh các lỗ rỗng, nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu compozit như tăng đàn hồi, tăng khả năng chịu nhiệt, giảm các biến dạng dẻo và từ biến, tăng tuổi thọ của vật liệu.

Từ năm 2012, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã phối hợp với Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy – Đại học Nha Trang, ứng dụng thành công trong việc chống thấm cho đà máy tàu thủy bằng compozit nền polymer 3 pha khi bổ sung các hạt titan oxit, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế năm 2016. Từ đó, nhờ áp dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học, Viện đã nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, liên tục phát triển, đã đóng hơn 60 tàu và nhiều thiết bị bằng compozit trong lĩnh vực tàu thuyền và hậu cần nghề cá, với tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng đã nghiên cứu, tính toán dao động, ổn định tĩnh và động lực học của các kết cấu tấm, vỏ được làm từ compozit 3 pha và các kết cấu này có thể ứng dụng trong các công trình xây dựng và hạ tầng, đóng tàu, các tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời, cho đến thân vỏ các kết cấu compozit ứng dụng trong hàng không, vũ trụ, và các kết cấu chịu các điều kiện tác động phức tạp của nhiệt, điện, từ trường.
Xây dựng trường phái nghiên cứu mới
Theo đánh giá của Hội đồng xét giải thưởng Bảo Sơn năm 2024, công trình nghiên cứu compozit 3 pha có cấu trúc không gian của Giáo sư Nguyễn Đình Đức có hàm lượng tri thức, hàm lượng khoa học cũng như tính ứng dụng cao, khẳng định tầm vóc nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến, xứng đáng được vinh danh.
Hội đồng cũng nhận định điểm đặc biệt trong công trình bền bỉ của ông là không chỉ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong thực tiễn mà còn làm nên một trường phái về compozit 3 pha của Việt Nam với tên tuổi và uy tín được cộng đồng khoa học quốc tế biết đến và đánh giá cao.

Chỉ riêng trong mảng nghiên cứu vật liệu compozit 3 pha, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đào tạo thành công nhiều tiến sỹ. Hiện các học trò của ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu theo nhiều hướng ứng dụng các vật liệu compozit 3 pha tiên tiến trong công nghiệp đóng tàu hiện đại hơn và các lĩnh vực công nghiệp khác ở Việt Nam.
Trong suốt quá trình hoạt động khoa học, giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố gần 400 bài báo, công trình khoa học, trong đó có hơn 220 bài trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI. Riêng về compozit 3 pha, ông đã công bố trên 30 bài báo, công trình với hơn 20 bài trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín.
Trong 6 năm liên tiếp từ 2019 đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức liên tục lọt top 10.000 nhà khoa học có chỉ số công bố, nghiên cứu ảnh hưởng nhất thế giới, đứng thứ 78 trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ trong năm 2024. Ông vinh dự được mời tham gia vào hội đồng khoa học của các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI của cộng đồng khoa học quốc tế.
Vinh dự nhận Giải thưởng Bảo Sơn, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho hay giải thưởng là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để ông và các đồng nghiệp tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong khoa học, đem kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực đời sống của nhân dân, đất nước.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết ông sẽ tiếp tục nghiên cứu các vật liệu mới có tính năng ưu việt như pentagraphin, auxetic, các compozit được gia cường bởi các ống nano carbon (CNT), graphene... giúp tăng cường đáng kể độ bền cơ học, độ dẫn nhiệt và điện – hướng tới các ứng dụng trong lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, lưu trữ thông tin và hàng không vũ trụ và đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán kỹ thuật.
“Những nghiên cứu khoa học cao siêu nhưng lại rất gần gũi trong thực tiễn. Khi nhà khoa học đi sâu vào thực tiễn, hòa mình vào thực tiễn thì sẽ ứng dụng được các nghiên cứu, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng,” Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/giao-su-nguyen-dinh-duc-hoa-minh-vao-thuc-tien-de-nghien-cuu-co-ung-dung-cao-post1038022.vnp
Bình luận (0)