Cô Bùi Thị Cành chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh sau một tiết hoạt động trải nghiệm của lớp 5/2, năm học 2024-2025. Ảnh: NVCC |
Những bài nhạc này được đưa vào phần khởi động, củng cố bài học, giúp học sinh học một cách hào hứng hơn, dễ ghi nhớ công thức Toán học, từ đó thực hành làm Toán hiệu quả.
Dạy Toán bằng âm nhạc
“Muốn cộng số thập phân nhanh/Viết sao thẳng cột, nhớ canh hàng đều/Chữ số cùng chỗ xếp theo/Cộng như số tự nhiên thì đúng ngay!/Dấu phẩy chiếu đúng ngay hàng/Dóng thẳng cột trước - đừng thay đổi gì/Học toán ôi thích mê ly/Kết quả chính xác, bài thi mười tròn!”. Đó là lời thơ về chủ đề Phép cộng số thập phân mà cô giáo Bùi Thị Cành đã sử dụng ChatGPT để sáng tác.
Sau khi có lời thơ, cô Cành tiếp tục đặt câu lệnh để ứng dụng Suno sáng tác một bài nhạc thiếu nhi theo phong cách vui tươi, giữ nguyên lời thơ. Kết quả, cô giáo Cành đã có bài hát “Phép cộng số thập phân” để sử dụng trong tiết dạy môn Toán (chương trình lớp 5). Nhờ bài hát này, những công thức toán học khô khan đã trở thành giai điệu vui nhộn, dễ thuộc, giúp học sinh học Toán một cách hào hứng, hiệu quả.
Bài hát nêu trên là một ví dụ mà cô giáo Cành đã ứng dụng theo sáng kiến Ứng dụng công nghệ ChatGPT và Suno để chuyển đổi nội dung học tập môn Toán thành bài hát và thơ vui, giúp học sinh lớp 5 ghi nhớ kiến thức hiệu quả. Đây là sáng kiến kinh nghiệm đã được công nhận ở cấp thành phố (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũ).
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phú (phường Bình Phước) DƯƠNG THANH LÊ nhận xét: “Cô Cành sinh năm 1974, thuộc nhóm giáo viên “đứng tuổi” của trường. Tuy vậy, cô lại là người tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cô rất nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo, ham học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong công tác chủ nhiệm, cô được phụ huynh tin tưởng, yêu quý”. |
Cô giáo Cành chia sẻ về ý tưởng của mình: “Dù công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy nhưng việc kết hợp AI để chuyển đổi kiến thức học thuật thành thơ ca và âm nhạc vẫn chưa được khai thác triệt để. Điểm đột phá của sáng kiến này nằm ở việc tích hợp đồng thời 2 công nghệ AI tiên tiến là ChatGPT và Suno. Điều này giúp giáo viên không cần mất quá nhiều thời gian sáng tác mà vẫn có thể tạo ra nội dung sinh động, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học”.
Những bài thơ, bài hát này được cô sử dụng khi khởi động tiết học để tạo không khí hào hứng trước khi vào bài. Có khi, bài thơ, bài hát được sử dụng ở phần củng cố kiến thức. Trong phần kiến tạo kiến thức mới, giáo viên cũng có thể cho học sinh hát sau khi tìm ra công thức hoặc quy tắc. Đối với các tiết học “Em làm được những gì”, giáo viên sử dụng các bài hát hoặc bài thơ để tổ chức trò chơi “Nghe bài hát - viết công thức”, “Đọc thơ - đoán quy tắc”… Các hoạt động này sẽ giúp cho tiết học sinh động, hấp dẫn hơn rất nhiều so với cách dạy học thông thường.
Những cống hiến không ngừng
Không chỉ giới hạn trong môn Toán, phương pháp này hoàn toàn có thể được áp dụng vào các môn học khác như: Tiếng Việt (biến các quy tắc ngữ pháp thành bài thơ, bài hát), Lịch sử - Địa lý (chuyển đổi các sự kiện lịch sử, các câu chuyện thành ca khúc để học sinh dễ ghi nhớ niên đại, nhân vật lịch sử), Tiếng Anh (giúp họcsinh học từ vựng, mẫu câu thông qua âm nhạc).
Không chỉ dừng lại ở sáng kiến dứng dụng ChatGPT và Suno, cô Cành còn có nhiều thành tích nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chẳng hạn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cô đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để thiết kế nhiều bài giảng tương tác trực tuyến, video trên phần mềm E-learning, Canva để gửi đến học sinh ôn tập và tự học. Cô còn hỗ trợ tập huấn giáo viên trong trường sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như: Classroom, Google Meet, Azota...
Đặc biệt, phương pháp ứng dụng Mindmap vào giảng dạy của cô đã giúp học sinh học nhanh, nhớ lâu và được nhân rộng trong toàn trường từ năm học 2022-2023, mang lại hiệu quả cao. Cô còn đoạt giải Nhất bài giảng điện tử E-learning cấp thành phố và được công nhận ở cấp quốc gia trong năm học 2021-2022, đồng thời tham gia xây dựng video bài giảng được công nhận ở cấp tỉnh.
Trong suốt quá trình công tác, cô Cành đã đạt được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm học 2023-2024).
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, cô giáo Cành còn hỗ trợ nhà trường các hoạt động ngoại khóa như: dạy múa sân trường, dàn dựng tiết mục văn nghệ, bồi dưỡng Tiếng Việt cho học sinh dân tộc đoạt giải nhất toàn đoàn cấp tỉnh. Với vai trò cộng tác viên tích cực của Nhà thiếu nhi thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước cũ), cô đã gây dựng và hỗ trợ giảng dạy lớp múa dân gian, mang về nhiều giải thưởng cao cho thành phố.
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/gieo-mam-tri-thuc-bang-cong-nghe-va-am-nhac-6b426d0/
Bình luận (0)