BHG - Văn hóa đọc đang từng bước lan tỏa mạnh mẽ trong trường học, không chỉ góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập, sáng tạo nơi học sinh. Những mô hình thư viện thân thiện, ngày hội đọc sách, hay hình thức đọc sách điện tử... đã và đang là "chìa khóa vàng" để mở cánh cửa tri thức cho thế hệ tương lai.
Vào mỗi giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Tiên Yên, xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm học sinh tụm lại cùng đọc sách trong khuôn viên trường hoặc say sưa bên giá sách của thư viện thân thiện. Em Lừ Hồng Nhung, học sinh lớp 3A, chia sẻ: "Em rất thích đọc sách, báo, vì thế, thư viện nhà trường thực sự là người bạn lớn của em. Nhất là khi được đọc sách ở sân trường thoáng đãng, mát mẻ như thế này, em thấy càng dễ nhập tâm, ghi nhớ hơn".
Các em học sinh trường tiểu học Tiên Yên đọc sách trong giờ ra chơi |
Bằng nhiều hình thức như tổ chức Hội thi cấp trường “Chúng em kể chuyện theo sách”; “Ngày hội đọc sách”, Trường Tiểu học Tiên Yên đã góp phần vun bồi tình yêu với sách cho các em học sinh bằng cách tạo ra nhiều không gian để học sinh có thể tiếp cận với sách trong nhà trường. Cô giáo Ngô Hồng Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiên Yên cho biết: Thư viện trường sẽ mở cửa vào các buổi chiều để học sinh, giáo viên đọc sách, nghiên cứu tư liệu giảng dạy và mượn sách về nhà. Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng tại mỗi lớp một thư viện di động để học sinh đọc lúc ra chơi, trước hoặc sau giờ học. Đồng thời, mỗi lớp sẽ kêu gọi các em học sinh cùng nhau trao đổi sách để mỗi người đọc được nhiều sách hơn.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, học sinh không chỉ đọc sách, đọc các tài liệu giấy mà còn có thể đọc sách, báo điện tử tạo nên phương thức tiếp cận đa dạng và hấp dẫn hơn với học sinh hiện đại. Tại Trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang, văn hóa đọc được lồng ghép trong cả các buổi sinh hoạt lớp, ngoại khóa và chương trình kỹ năng sống. Các em học sinh được tạo điều kiện tiếp cận sách qua kho tài liệu số hóa, ứng dụng đọc sách online và các hoạt động tương tác sáng tạo.
Đọc sách điện tử được trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang áp dụng giúp các em học sinh tiếp cận được nhiều kiến thức |
Em Lù Thị Điếp, lớp 11, trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang thích thú bày tỏ: “Ngoài việc đọc sách giấy, em thường nghe sách qua các nền tảng số. Một số cuốn còn có bản tóm tắt bằng video rất hấp dẫn. Nhờ vậy, em vừa học được kiến thức, vừa cảm thấy thư giãn”.
Em Sèn Trung Kiên, lớp 12 trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang hào hứng: “Chúng em thường có 30 phút để sử dụng máy tính và khi được sử dụng em đều chọn một cuốn sách mới để đọc hoặc nghe. Việc đọc không chỉ giúp em học tốt hơn mà còn mở rộng vốn sống và hiểu thêm về nhiều lĩnh vực.”
Đọc sách không chỉ giúp tích lũy tri thức mà còn là cách hiệu quả để rèn luyện tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, và hình thành nhân cách sống tích cực cho học sinh. Khi sách trở thành người bạn đồng hành, học sinh có thể học hỏi một cách chủ động và hứng thú hơn.
Thầy giáo Nguyễn Phú San, hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh Hà Giang, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích học sinh trải nghiệm đa phương tiện từ sách: đọc, nghe, xem. Không chỉ tiếp cận nội dung, mà còn giúp các em rèn luyện tư duy phản biện, cảm thụ sâu sắc hơn. Sách không chỉ là tri thức, mà còn là hành trang trưởng thành”.
Sách là người bạn đồng hành đáng tin cậy, là nguồn tri thức vô tận, là ngọn đèn soi đường cho tương lai. Bằng việc đầu tư cho văn hóa đọc từ mái trường – nơi khởi đầu hành trình tri thức, các trường học ở Hà Giang đã và đang gieo mầm cho một thế hệ học sinh ham học, yêu tri thức và giàu hoài bão.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202505/gieo-mam-van-hoa-doc-tu-mai-truong-10418a4/
Bình luận (0)