ThS. Huỳnh Nhị cho rằng, việc đọc sách tạo cho người đọc vốn ngôn ngữ từ bên trong tiềm thức, phong phú và dồi dào. (Ảnh: NVCC) |
ThS. Huỳnh Nhị, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hòa Ninh (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), người sáng lập phòng đọc - thư viện sách tại nhà “Cà Chua Ngọt” đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).
Cô giáo Huỳnh Nhị còn là người đồng sáng lập thư viện Miệt Vườn, nơi để học sinh trường Hòa Ninh tham gia chương trình “Chạm sách” mỗi tháng một lần. Mỗi kỳ “Chạm sách”, cô Nhị đều kết nối các tác giả, diễn giả truyền cảm hứng đọc cho học sinh nơi xã miền sông nước này, trở thành mô hình cho nhiều địa phương giao lưu, ứng dụng.
Theo cô Nhị, hiện tại, trường có “Tiết đọc thư viện” và “Tiết học thư viện”. Đây là chủ trương của toàn trường, ở tất cả các bộ môn, song ưu tiên ứng dụng nhất vẫn là bộ môn Ngữ văn. Còn lại các bộ môn khác sẽ có sự phân bổ rải rác, với mong muốn giúp các em hình thành thói quen tự học tại thư viện.
Phương châm của trường là gieo cho học sinh tình yêu đối với sách và hướng dẫn các em cách đọc. Bên cạnh đó, một số người thường hay đọc sách còn tổ chức các tiết “trải nghiệm với sách”, kích thích sự hứng thú với sách ở các em.
Ở các buổi trải nghiệm đó, thầy cô thường sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ, tạo môi trường cho các em giao lưu với tác giả sách, hay những người có khả năng truyền cảm hứng về việc đọc, trao đổi và chia sẻ với các em ở một số lĩnh vực cần thiết để trang bị kỹ năng giải quyết khó khăn trong quá trình học tập, thậm chí trong cả định hướng tương lai. Đồng thời, Tổ Văn của cô Nhị cũng có tổ chức thêm các buổi “chạm sách”, giúp các em học sinh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau giới thiệu và bàn luận về những đầu sách thú vị mà mình yêu thích hay đang đọc.
Thư viện “Cà Chua Ngọt” của cô Huỳnh Nhị thu hút độc giả nhí. (Ảnh: NVCC) |
Việc đọc, có lẽ điều đầu tiên là chúng ta cần chọn lựa đúng loại sách?
Việc đọc trước hết phải mang lại niềm vui, tất nhiên mỗi người định nghĩa niềm vui khác nhau, nhưng nhất định một đầu sách phải khơi dậy sự thích thú trong đó thì người ta mới đọc. Sau đó là đọc để tìm kiếm phướng pháp giải quyết các vấn đề, khó khăn trong cuộc sống, tức làm cho người đọc cảm thấy được nâng cấp tư duy bản thân, cảm thấy được chia sẻ, quan tâm đúng những vấn đề mình gặp phải.
Như vậy, tùy thuộc vào mục đích đọc mà chúng ta sẽ có những thể loại sách, đầu sách phù hợp. Ví dụ, như để giải trí, mình sẽ tìm cho các bạn những quyển sách vui, không cần phải quá phức tạp; nếu để vượt qua khó khăn, tùy vào từng khó khăn mà mình sẽ giới thiệu các dầu sách thích hợp… Do đó, theo tôi, việc xác định được độ tuổi đọc, nhu cầu, mục tiêu đọc là điều rất quan trọng để kích thích văn hóa đọc phát triển.
Hoạt động “chạm sách” mà cô lên ý tưởng, thực hiện gần 20 kỳ có vẻ thu hút học sinh?
Hoạt động này giúp các em học sinh trải nghiệm mở rộng không gian tiếp xúc, tiếp cận với người có trình độ chuyên môn tốt, để bên cạnh những chia sẻ, họ còn góp phần giúp các em định hướng và hỗ trợ giải quyết vấn đề của các em.
Với tôi, hoạt động này khá sâu đối với văn hóa đọc. Để có thể tổ chức một buổi “chạm sách”, thông thường trường sẽ tiến hành 1 lần/tháng chọn ra quyển sách chủ đề để các em học sinh được tìm đọc trước, chuẩn bị nội dung và trường cũng sẽ tìm diễn giả phù hợp với chủ đề đó để có thể dễ dàng trao đổi với các em.
Diễn giả thường là những người bạn của thầy cô, hay thông qua các mối quan hệ quen biết để nhờ vả là chính. Thực tế, nhà trường cũng không có nhiều kinh phí để mời các diễn giả lớn. Đây cũng là hoạt động mang tính cộng đồng, nên phần lớn các diễn giả được mời đến đều là những người bạn có cùng sự cống hiến cũng như đề cao tinh thần phát triển cộng đồng, họ thường nhiệt tình hỗ trợ cho hoạt động này của trường.
“Chạm sách” cũng diễn ra dưới nhiều hình thức để tránh sự nhàm chán cho các em. Ví dụ như có buổi, diễn giả sẽ đứng bên trên nói về những nội dung cụ thể và sau đó các bạn sẽ đặt câu hỏi; có buổi sẽ tổ chức cho các em dưới hình thức là “thư viện sống” hay “human library”, nghĩa là các em sẽ chia ra thành từng nhóm nhỏ khoảng 5-6 người với từng diễn giả, các em sẽ chia sẻ trực tiếp câu chuyện của mình và diễn giả hồi đáp bằng những kinh nghiệm tương tự, giúp giải đáp nghi vấn của các em…
Cô Nhị trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm truyền tình yêu đọc sách cho học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Còn thư viện sách tại nhà của cô, tôi thấy đây cũng là một mô hình về văn hóa đọc khá hay?
Thư viện nhỏ này là sự cộng hưởng từ rất nhiều yếu tố. Trước hết, xuất phát từ sự đam mê sách của cá nhân mình cũng đã có một nguồn sách khá nhiều. Sau đó, từ việc tổ chức cho các em học sinh đọc sách nên được cộng đồng ủng hộ vốn sách ngày càng nhiều hơn.
Thực tế, thư viện sách tại nhà của tôi phần lớn phục vụ đối tượng trẻ nhỏ là mầm non, tiểu học là chính, vì tôi cũng có con nhỏ. Sau khi bé lớn hơn một chút, những đầu sách này bắt đầu không còn phù hợp, cũng không thể để phí, tôi mới nghĩ ra việc lập nên một thư viện để chia sẻ với những bạn đọc nhí khác chưa có điều kiện đọc.
Khởi đầu, tôi cũng có nhiều sự thuận lợi vì được cộng đồng ủng hộ tích cực và góp sách nhiều về, nên từ đó tôi cũng có một nguồn sách khá phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, trong quá trình đi dạy và được tiếp cận với đa đạng phụ huynh học sinh, với sự chia sẻ về nhiều tình trạng của con em, như bị tác động bởi các vấn đề của xã hội hiện đại, dẫn đến gặp khó khăn về ngôn ngữ, sự tập trung, hay nghiện điện thoại di động. Họ cũng bày tỏ băn khoăn và mong muốn tìm kiếm giải pháp khắc phục.
"Sách là một phương tiện phục vụ cho đời sống của chúng ta. Do vậy, phải làm sao chúng ta có thể chuyển tải những nội dung mình đã đọc, ứng dụng vào cuộc sống. Ai cũng biết chúng ta sống tử tế là điều rất cần thiết, nhưng chuyển hóa lý thuyết thành hành động thì vẫn còn là một quá trình. Như vậy, nếu chúng ta là người đọc sách, thích sách và hiểu tầm quan trọng, giá trị của sách, hãy tích cực, mạnh dạn chuyển hóa những giá trị ấy thành hành động thiết thực hằng ngày". |
Trước những điều đó, tôi cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh về việc khuyến khích các em đọc sách, vì đọc sách giúp hạn chế những tiêu cực do tác động của bên ngoài. Cộng nhiều yếu tố cùng với sự đồng thuận của phụ huynh về việc mở thư viện tại nhà, đưa các em đến học cách đọc sách, tạo một không gian sinh hoạt lành mạnh cho các em, thư viện như vậy được thành lập.
Có thể nói, thư viện hay phòng đọc tại nhà xuất phát từ những gì mình có và từ nhu cầu mà xã hội cần, từ tình thương mình dành cho các bé nhỏ, cho đến việc chữa lành cho các em đang trong độ tuổi trưởng thành chịu nhiều tác động tiêu cực của xã hội.
Phòng đọc của tôi có tên là Cà Chua Ngọt, đây thực ra cũng là tựa của một đầu sách do NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành. Quyển sách viết về một cậu bé là con của người mẹ chỉ mới 13 tuổi trót dại, do đó cả hai gọi nhau bằng chị em thay vì mẹ con. Sau này, khi cậu bé lớn lên, va chạm với cuộc sống, vừa phải dạy học ngược lại cho mẹ mình, vừa tìm cách mưu sinh để trưởng thành và đồng hành cùng mẹ.
Theo tôi, đó là một tác phẩm rất nhân văn, khơi gợi được nhiều giá trị đẹp trong cuộc sống, quan trọng nhất là tất cả nhân vật trong sách đều có khiếm khuyết nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những nét đẹp riêng, mà nếu nhận ra, chúng ta sẽ có cách vận hành cuộc sống tốt hơn. Do đó, tôi quyết định đặt tên phòng sách, hay thư viện tại nhà là Cà Chua Ngọt.
Hiện tại, riêng dòng sách dành cho trẻ từ mầm non đến tiểu học, một số dành cho tuổi teen, bên tôi có khoảng 1.500 cuốn. Đối với dòng sách dành cho người lớn mình phân loại riêng và cũng chưa có thống kê cụ thể.
Gieo tình yêu đọc sách cho người trẻ bằng sự kiên trì. (Ảnh: NVCC) |
Ngoài các sách có nội dung được tuyển chọn, còn có bí quyết nào giúp cô thu hút được các bạn trẻ đến với thư viện và tiếp xúc với sách?
Thực tế, nội dung sách hay đã là một sự thu hút rất tuyệt vời rồi, sau đó cũng cần quan tâm đến yếu tố người hướng dẫn, đây cũng là điều khá quan trọng. Bởi lẽ, người hướng dẫn giống như một chất xúc tác, giúp các con có cảm giác thoải mái, chấp nhận tương tác và ngày càng tích cực với việc đọc.
“Đọc sách tạo cho mỗi người một vốn ngôn ngữ từ bên trong tiềm thức, phong phú và dồi dào. Vì vậy, khả năng tư duy và giao tiếp ngôn ngữ của người đọc sẽ được phát triển rất tốt. Khi ngôn ngữ của bạn tốt, đó sẽ là phương tiện, lợi thế để một người chiếm lĩnh nhiều mặt trong cuộc sống". |
Đối với mọi nhu cầu trong cuộc sống, không chỉ riêng trẻ, mà ngay cả người lớn cũng đều mong muốn được thoải mái và yêu thương trong sự an toàn. Do đó, người hướng dẫn nên tạo ra được một môi trường an toàn, mà ở đó trẻ cảm thấy thoải mái, được tương tác xã hội bằng tình yêu thương.
Đây là những nhu cầu rất cơ bản của con người, như tháp nhu cầu Maslow - một mô hình tâm lý đại diện cho những hành vi, tâm lý phổ biến của con người theo mô hình 5 tầng của kim tự tháp đã mô tả rất rõ. Cụ thể, một môi trường có đầy đủ những yếu tố: an toàn, được tương tác, kết nối xã hội, được yêu thương, con người sống trong đó sẽ đạt được niềm hạnh phúc, phấn khởi và luôn mong muốn trú ngụ trong môi trường đó.
Như vậy, bên cạnh việc chọn đầu sách phù hợp cho các con, tôi sẽ tạo cho các con một môi trường đọc thật sự an toàn, có sự kết nối, tương tác bằng tình cảm yêu thương chân thật. Không phải mua kẹo bánh cho trẻ, hay dỗ dành trẻ bằng những lời ngon ngọt, mới được xem là thương yêu. Thay vào đó, việc tiếp xúc, trò chuyện với trẻ, đặc biệt trong thời đại ngày nay, mới là điều thiết thực nhất đại diện cho tình thương, bởi thực chất, trẻ em ngày nay phần lớn ít được trò chuyện và chia sẻ với cha mẹ, nhất là còn chịu áp lực khi bị áp đặt thành tích học tập.
Khi đến với phòng đọc, các bé được nói chuyện, chia sẻ thẳng thắng những gì khúc mắc hay mong muốn trong lòng. Ví dụ, khi mình giới thiệu cho bé một cuốn sách và yêu cầu bé tóm tắt khái quát nội dung của nó sau khi đọc, nếu bé từ chối và cho rằng bản thân không thể làm điều đó, thay vì ép buộc, mình sẽ nhờ bé trao đổi những nội dung bé thắc mắc hay muốn chia sẻ với mình nếu có.
Làm như vậy sẽ tạo môi trường cho bé tương tác và từng bước một phát triển chứ không áp đặt vào một khuôn mẫu nào đó, rằng đọc là phải biết về cái này, biết làm cái kia… Chính sự thoải mái, an toàn và được thấu hiểu đó là nền tảng để các bé phát triển tốt nhất, trong đó việc được thấu hiểu là mấu chốt để các bé tìm đến và chọn một nơi để đọc sách.
Nguồn: https://baoquocte.vn/gieo-tinh-yeu-doc-sach-cho-nguoi-tre-bang-su-kien-tri-311734.html
Bình luận (0)