Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngôi nhà chung của độc giả Australia

Đọc sách là một trong những hoạt động giải trí được yêu thích nhất với nhiều người dân Australia. Để mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho người dân, Australia đã xây dựng và củng cố hệ thống thư viện, với tinh thần “thư viện lớn lên cùng đất nước”.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng20/07/2025

Ở Australia, thư viện được chia thành nhiều cấp, gồm thư viện quốc gia, thư viện bang, thư viện công cộng tại mỗi vùng và thư viện tại trường học. Australia hiện đã sở hữu một hệ thống thư viện đáng nể với nhiều chức năng và hoạt động đa dạng. Mỗi hội đồng thành phố hoặc khu vực đều có những thư viện riêng.

Hoạt động chính của thư viện thường là cung cấp sách, báo, tạp chí, tài liệu âm thanh, video, tài liệu số, với wifi miễn phí. Thư viện còn có những chương trình và sự kiện như: tổ chức lớp dạy tiếng Anh, dạy vẽ, chương trình văn hóa... Sách ở thư viện đa dạng ngôn ngữ. Người đọc có thể mượn sách về đọc trong tối đa 5 tuần.

Nhiều thư viện công cộng ở Australia đang dần chuyển thành trung tâm đa năng. Ngoài việc là nơi lưu trữ, cung cấp sách báo, tài liệu, băng đĩa…, thư viện còn trở thành nơi gặp gỡ, giúp kết nối mọi người, hỗ trợ cộng đồng và phát triển văn hóa, giáo dục. Với chi phí chăm sóc trẻ em và chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng đều, nhiều bậc phụ huynh ngày càng mong muốn được sử dụng các dịch vụ miễn phí tại thư viện. Số người đặt chỗ cho những giờ kể chuyện cho trẻ mới biết đi đã tăng vọt.

CN5 Bai.jpg
Thư viện Tiểu bang New South Wales. Ảnh: Graham Jepson/Alamy

Một hình thức thư viện “mở” cũng đang được người dân Australia đón nhận là thư viện phục vụ 24/7. Người đọc sách có thể sử dụng thư viện vào mọi thời điểm trong ngày và tất cả các ngày trong tuần, thay vì chỉ sử dụng trong giờ hành chính. Hội viên có thể làm thủ tục mượn sách dưới sự giám sát của hệ thống camera. Foster là thư viện cộng đồng 24/7 đầu tiên ở bang Victoria, phục vụ cộng đồng dân cư khoảng 1.000 người ở thị trấn Foster.

Nhiều thư viện, nhất là ở các khu vực đa văn hóa, như thư viện Lionel Bowen ở bang New South Wales còn có các chương trình dành cho người nhập cư mới đến, như giúp họ học tiếng Anh, giúp kết nối với cộng đồng và tìm hiểu về cuộc sống của người dân Australia. Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh tình nguyện đến thư viện để dạy tiếng Anh cho những người mới nhập cư, giúp họ kết nối với nhau, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Để duy trì và phát triển văn hóa đọc, nhiều sáng kiến đã được Chính phủ Australia triển khai: chương trình khuyến đọc trong trường học, chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Bên cạnh hệ thống thư viện quốc gia và công cộng, nhiều tủ sách từ thiện được bố trí trên đường phố, trước cổng trường học. Hoạt động quyên góp sách cũng đóng vai trò quan trọng, tạo nên mạng lưới chia sẻ tri thức cộng đồng khắp Australia. Đây không chỉ là cách để tái sử dụng sách, mà còn là phương tiện để lan tỏa niềm vui đọc sách đến với mọi người.

Có thể nói, đối với người Australia, thư viện là một trong những nơi họ có thể thực sự được là chính mình và cũng là một trong những không gian hòa nhập nhất của xã hội. Ở nơi đây, tất cả mọi người đều được chào đón, được hỗ trợ và khuyến khích để lan tỏa niềm đam mê đọc sách; và trên hết, thư viện là nơi gắn kết trong một cộng đồng đa văn hóa.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ngoi-nha-chung-cua-doc-gia-australia-post804548.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm