Cơ sở kinh doanh bánh của chị Đỗ Thị Nguyệt Nga trên đường Phủ Liễn (TP. Thái Nguyên). |
Tại cơ sở kinh doanh bánh của chị Đỗ Thị Nguyệt Nga trên đường Phủ Liễn (TP. Thái Nguyên), các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được đặt lên hàng đầu. Quầy bán hàng gọn gàng, sạch sẽ, các loại bánh được bày trong tủ kính, có nắp đậy cẩn thận, đảm bảo không bị bụi bẩn hoặc côn trùng xâm nhập. Nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, găng tay khi phục vụ khách. Dụng cụ chế biến và khu vực sơ chế luôn được lau rửa thường xuyên. Không gian quán tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, thoáng mát, tạo cảm giác yên tâm cho người mua.
Chị Đỗ Thị Nguyệt Nga: Bản thân tôi luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATTP vì chất lượng và sự an toàn của món ăn chính là uy tín của nhà hàng, tạo lòng tin cho khách hàng.
Cơ sở kinh doanh bánh của chị Nga là 1 trong 1.640 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 629 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Với số lượng lớn như vậy, công tác quản lý, kiểm tra và nâng cao ý thức người dân trong bảo đảm ATTP đặt ra yêu cầu cấp thiết. TP. Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Các đoàn liên ngành thường xuyên thực hiện kiểm tra đột xuất. Những cơ sở không đủ điều kiện về ATTP sẽ bị đình chỉ hoạt động theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng được đẩy mạnh nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Song song với công tác quản lý, việc tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân thực hiện đúng các quy định về ATTP cũng được chú trọng. Các ngành chức năng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như phát tờ rơi, truyền thông trên các phương tiện đại chúng, tổ chức tập huấn cho người bán hàng.
Thức ăn đường phố tuy dễ tiếp cận, giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người bán thiếu ý thức vệ sinh, còn người mua dễ dãi, chủ quan. Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người, từ người chế biến đến người tiêu dùng. Người bán cần tuân thủ nghiêm các quy định vệ sinh, còn người tiêu dùng cần thay đổi thói quen ăn uống tùy tiện, nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, sạch sẽ, thoáng mát.
Người dân cũng được khuyến khích chủ động phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng môi trường thực phẩm an toàn cho cả cộng đồng.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, TP. Thái Nguyên đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát an toàn thực phẩm. Các phần mềm quản lý được triển khai đồng bộ, cho phép theo dõi, quản lý dữ liệu cơ sở sản xuất, kinh doanh và phản ánh của người dân. Những tiến bộ này không chỉ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin minh bạch, thuận tiện trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn.
ATTP không chỉ là yêu cầu quản lý, mà còn là danh dự và trách nhiệm của mỗi cơ sở kinh doanh. Chỉ khi người bán thật sự đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu và người tiêu dùng chủ động lựa chọn thông minh, thì “thương hiệu” thức ăn đường phố mới thật sự bền vững trong lòng người dân.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/giu-gin-thuong-hieu-bang-thuc-pham-an-toan-6800739/
Bình luận (0)