Học sinh Trường TH&THCS A Xing trải nghiệm không gian trưng bày những giá trị văn hoá đặc sắc của người Vân Kiều và Pa Kô -Ảnh: K.S
Trường TH&THCS A Xing có trên 80% học sinh là người DTTS. Trong những năm học qua, nhà trường đã tập trung thực hiện các giải pháp về chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học phù hợp đặc điểm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bên cạnh thực hiện các biện pháp “nâng cao chất lượng mũi nhọn”, nhà trường tập trung thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua và hoạt động ngoại khoá như tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tìm hiểu, chăm sóc, bảo tồn các di tích lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc ở địa phương.
Với ý tưởng giáo dục học sinh thông qua trải nghiệm thực tế, kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa cộng đồng và môi trường học đường, được sự hỗ trợ của Dự án Plan cũng như chính quyền địa phương, nhà trường đã xây dựng một không gian trưng bày những giá trị văn hoá đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô kết hợp phòng đọc Gạc Ma. Đến đây, học sinh cảm nhận một không gian văn hoá của dân tộc mình được thu nhỏ và tìm hiểu được những nét đẹp khác, những phương diện khác qua nhiều cuốn sách hay.
Mô hình này đã sưu tầm được hơn 60 hiện vật khác nhau với phong phú và đa dạng mẫu mã và hình thức. Đa số các hiện vật được làm nguyên liệu đặc trưng từ tre, nứa do chính những nghệ nhân ở địa phương chế tác, sản xuất như: các dụng cụ phục vụ đời sống, các loại nhạc cụ dùng trong lễ hội, trang phục của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Về trang phục, trang sức gồm có: áo, sấn nam, nữ, vòng cổ ; nhạc cụ như: chiêng, kèn, sáo, đàn, tù và, trống...; dụng cụ săn bắt: nỏ, nơm, a noác, a ruồng...; dụng cụ sinh hoạt như: a đư, caria, a điên, tứp, tu rung truôi, tẩu thuốc, mô hình nhà sàn...
“Không gian văn hóa này được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh nhà trường thường gọi là “Góc nhỏ quê hương” trong lòng trường học. “Góc nhỏ quê hương” này góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nơi mà học sinh không chỉ học kiến thức mà còn được “sống trong văn hóa”.
Là cầu nối giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng, phát huy vai trò của người lớn tuổi, nghệ nhân địa phương trong giáo dục truyền thống. Tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giáo dục kỹ năng sống gắn liền với văn hóa dân tộc”, Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Xing Nguyễn Mai Trọng cho hay.
Khi biết tin nhà trường xây dựng không gian văn hoá dân tộc, em Hồ Thị Bích, người dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS A Xing đã về nhà thông báo cho bố mẹ. Nhận thấy đây là hoạt động ý nghĩa, bố mẹ em đã cùng con đến trường đóng góp một số vật dụng truyền thống thường dùng trong gia đình như: gùi, típ cơm...
“Thời gian tới, em sẽ tiếp tục cùng các bạn tìm hiểu thêm về các sản phẩm truyền thống, nhờ ông bà, cha mẹ hướng dẫn làm những vật dụng để đóng góp vào không gian trưng bày văn hóa của trường, đồng thời, tích cực tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ dân ca Vân Kiều, Pa Kô để biểu diễn trong các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại trường và địa phương. Em nghĩ nếu mỗi bạn trong trường đều đóng góp một ít hiện vật thì không gian văn hóa này sẽ ngày càng phong phú và sống động hơn”, Bích vui vẻ nói.
Không gian trưng bày văn hoá đặc sắc của Trường TH&THCS đã tạo môi trường học tập sinh động, gần gũi, giúp học sinh hiểu hơn về cội nguồn, phong tục tập quán, nghề truyền thống của ông cha. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của học sinh và cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Em Hồ Trứp Thị Hạnh, lớp 9A, Trường TH&THCS A Xing chia sẻ: “Là một học sinh dân tộc Vân Kiều, em cảm thấy rất vui và tự hào khi nhà trường có một không gian trưng bày những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Em cũng rất thích khi được tìm hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc khác, điều đó giúp em thêm hiểu biết, thêm yêu quý sự đa dạng văn hoá của đất nước mình. Qua không gian văn hóa này, em học được cách trân trọng cội nguồn, yêu quê hương, tự hào về bản sắc dân tộc mình, biết tôn trọng, có ý thức chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình trong trường học và cả cuộc sống hằng ngày”.
Trong quá trình sưu tầm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay xây dựng mô hình thì nhà trường đã nhận được sự quan tâm ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã cùng các thầy, cô giáo từ khâu thiết kế, lắp đặt đến sưu tầm hiện vật để trang trí hoàn thiện góc trưng bày tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc thu hút học sinh đến tìm hiểu và phát triển nét văn hóa của dân tộc mình.
Hiệu trưởng TrườngTH&THCS A Xing Nguyễn Mai Trọng cho biết thêm: “Để phát triển không gian trưng bày những giá trị văn hoá đặc sắc của người Vân Kiều và Pa Kô, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục sưu tầm, bổ sung các hiện vật còn thiếu để hoàn thiện một mô hình với đầy đủ các hiện vật có giá trị và có bề dày lịch sử. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng lưu giữ, bảo tồn và duy trì những nét đặc sắc mang tính truyền thống ở mô hình này”.
Kô Kăn Sương
Nguồn: https://baoquangtri.vn/goc-que-huong-trong-truong-hoc-193946.htm
Bình luận (0)