Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng: Các ngân hàng đã sẵn sàng

Bên cạnh việc sẵn sàng nguồn vốn cho vay đối tượng khách hàng ưu tiên, các ngân hàng đang chủ động có các chính sách hỗ trợ khách hàng chịu tác động từ chính sách thuế mới của Chính phủ Hoa Kỳ, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số.

Báo Bình DươngBáo Bình Dương26/05/2025

Nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương

 Gói tín dụng kịp thời

Sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tháng 4 vừa qua, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng bảo đảm hiệu quả, thực chất. Theo đó, các NHTM có tiềm lực vốn lớn như NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM Cổ phần Quân đội (MB), NHTM Cổ phần Quốc tế (VIB)… đã sẵn sàng tham gia vào gói tín dụng quy mô lớn này.

Hiện tại, các ngân hàng đang tham gia tài trợ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Cụ thể, Vietcombank đã tham gia tài trợ Dự án đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, sân bay quốc tế Long Thành. Trong khi đó, VIB tài trợ các dự án hạ tầng, sản xuất, truyền tải điện; gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV. Đại diện VIB cho biết ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi, thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, khẳng định ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là về lãi suất, nhưng cần rõ ràng về trách nhiệm trong việc cho vay để các ngân hàng yên tâm mạnh dạn triển khai. Theo ông Lê Quang Vinh, Tổng Giám đốc Vietcombank, ngành ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ DN, nhất là DN chuyển đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo, cần xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.

Bên cạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay đối tượng khách hàng ưu tiên nói trên, các ngân hàng cũng đang chủ động có chính sách hỗ trợ sớm cho khách hàng chịu tác động từ chính sách thuế mới của Chính phủ Hoa Kỳ. Với những DN bị ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế này, một số ngân hàng kiến nghị cần có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Lãnh đạo chi nhánh các ngân hàng tại Bình Dương như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB cho biết hiện các chi nhánh đang chờ văn bản chỉ đạo cụ thể từ hội sở để triển khai chính sách đến các DN, người vay có nhu cầu vốn tín dụng.

Hợp lực triển khai

Theo lãnh đạo các ngân hàng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một trong những động lực thúc đẩy thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của toàn ngành ngân hàng nói chung và của các ngân hàng nói riêng trong năm 2025.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết đây là gói tín dụng có cơ chế ưu đãi với thời gian tối thiểu 2 năm. Nguồn vốn không lấy từ ngân sách Nhà nước hay nguồn nước ngoài mà hoàn toàn do các NHTM huy động và tự cân đối bằng cách giảm chi phí, lãi suất và kéo dài kỳ hạn cho vay. Đến nay, đã có 21 NHTM đăng ký tham gia đủ hạn mức 500.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD, nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số, hai lĩnh vực then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà. Cụ thể, 4 NHTM Nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi ngân hàng 20.000 tỷ đồng, 5 ngân hàng quy mô nhỏ hơn đăng ký mỗi ngân hàng 4.000 tỷ đồng. “Đặc biệt, cho vay hạ tầng thường là những dự án quy mô vốn lớn nên buộc các NHTM phải cùng tài trợ chứ không phải một ngân hàng có thể tham gia. Hiện nay, có nhiều dự án lớn quy mô quốc gia, chưa kể các dự án khác đang rất cần nguồn lực đầu tư”, ông Đào Minh Tú nói.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, việc đầu tư cho hạ tầng và công nghệ số mang tính nền tảng, có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Chính phủ đề ra trong năm nay. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần đặt ra, đó là so với các gói tín dụng khác, gói 500.000 tỷ đồng này có 2 đặc điểm: Một là đã cho vay ưu đãi, dù ưu đãi nhiều hay ít đều phải xác định rõ đối tượng cần đầu tư, cần vay ưu đãi để tập trung nguồn lực. Hai là, trong lĩnh vực công nghệ số, việc lựa chọn đúng thành phần, dự án cần đầu tư cũng là yêu cầu cấp thiết.

Yếu tố thứ hai là triển khai hạ tầng bao giờ thời gian cũng dài, 5 năm, 10 năm, trong khi các NHTM chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, phải có cơ cấu và tính toán được câu chuyện bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Mặt khác, cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này.

 Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với các bộ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… để xác định cụ thể danh mục dự án, đối tượng vay ưu đãi phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Trong những ngày tới, ngành ngân hàng sẽ triển khai gói tín dụng theo đúng tiến độ và định hướng đề ra”.

(Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

THANH HỒNG

Nguồn: https://baobinhduong.vn/goi-tin-dung-500-000-ty-dong-cac-ngan-hang-da-san-sang-a347654.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm