
Các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP của huyện chủ yếu là sữa chua, sữa tươi, bánh sữa các loại; giò đà điểu... đến từ các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Thái Hòa, Sơn Đà, Yên Bài.
Các sản phẩm được Hội đồng chuyên môn của huyện xem xét, chấm điểm dựa trên Bộ tiêu chí OCOP hiện hành, bao gồm các yếu tố về chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc, giá trị cộng đồng và khả năng phát triển thị trường.
Qua đánh giá cho thấy, các sản phẩm đều đáp ứng đủ tiêu chí để được UBND huyện quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2025. Trong đó, có 4 sản phẩm tham gia đánh giá lại (theo quy định sản phẩm được công nhận có hiệu lực 36 tháng, sau đó sẽ phải đánh giá để công nhận lại); còn lại là các sản phẩm tham gia đánh giá lần đầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên, Chương trình OCOP đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Chương trình OCOP còn thúc đẩy thực hiện hiệu quả tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện Ba Vì đã đề nghị các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng, chú trọng mẫu mã, bao bì sản phẩm; UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa Chương trình OCOP, hỗ trợ chủ thể phát triển và quảng bá sản phẩm.
Trước đó, tính đến hết năm 2024, toàn huyện Ba Vì công nhận 186 sản phẩm OCOP, chủ yếu là sản phẩm từ sữa, gà đồi, thịt đà điểu, rau củ, khoai lang, miến dong và sản phẩm làng nghề thuốc Nam. Sau khi được công nhận, các sản phẩm đều cải tiến bao bì, kiểm định chất lượng định kỳ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố và huyện tổ chức.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ba-vi-co-them-32-san-pham-ocop-703547.html
Bình luận (0)