Đại diện UBND thành phố Hải Phòng đề nghị, Bộ Tài chính nghiên cứu, thống nhất quan điểm nhiệm vụ ở cấp huyện chuyển về cấp xã, chỉ nhiệm vụ nào xã không thực hiện được mới chuyển về cấp tỉnh.
Địa phương kiến nghị giao thẩm quyền cho địa phương sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đưa quan điểm, không có công thức chung trong việc chuyển nhiệm vụ giữa các cấp. Hơn nữa, mỗi địa phương lại có đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, có thể bám vào nguyên tắc “phân cấp triệt để xuống địa phương”, “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
“Tỉnh làm tốt hơn thì để ở tỉnh, xã làm tốt hơn thì chuyển về xã”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm (Bộ Tài chính) làm rõ thêm, về phân cấp, phân quyền, Bộ Tài chính đặt ra ba vấn đề, phân cấp, phân quyền đã đủ mạnh chưa; có bị sót việc khi thực hiện phân cấp, phân quyền không và phân cấp phân quyền phải gắn với năng lực thực hiện.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức-biên chế (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Triết cho rằng, về lĩnh vực tài chính, khi xem chuyển nhiệm vụ giữa các cấp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp phải căn cứ vào các luật gốc (như Luật tổ chức chính quyền địa phương).
Đại diện Bộ Nội vụ thống nhất quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tinh thần là cấp nào thực hiện hiệu quả nhất thì phân công, quan trọng là “không được bỏ sót nhiệm vụ”.
Về thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, quan điểm của Bộ Tài chính là thoái vốn hay không thoái vốn phải phụ thuộc tình hình thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để tham mưu theo hướng có lĩnh vực, doanh nghiệp phải tiếp tục thoái vốn nhưng cũng có lĩnh vực, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tỉ suất sinh lời cao thì nhà nước nghiên cứu, thậm chí điều chỉnh tăng vốn tại các doanh nghiệp này.
Một vấn đề nhiều địa phương quan tâm là phương án xử lý, quản lý tài sản công sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Đại diện UBND Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời xem xét, điều chỉnh mô hình kho bạc nhà nước đồng bộ với địa phương sau sáp nhập để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý tài chính, ngân sách giữa các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, kho bạc và chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu, báo cáo Chính phủ ưu tiên sắp xếp cho một số ngành, lĩnh vực (y tế, giáo dục, xây dựng, công trình công cộng…).
Phần tài sản còn lại sau sắp xếp, cho phép các địa phương kêu gọi đầu tư, triển khai dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và có hướng dẫn nếu phát sinh vướng mắc từ các địa phương…
Khi sáp nhập tỉnh, hệ thống kho bạc, thuế, hải quan đều có sự điều chỉnh phù hợp với địa giới hành chính của các địa phương.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/phan-cap-triet-de-cho-dia-phuong-khi-sap-xep-linh-vuc-tai-chinh-theo-mo-hinh-2-cap-703620.html
Bình luận (0)