UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để tham mưu UBND thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn.
Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Trả lời báo chí về lộ trình triển khai, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu chính sách, báo cáo Thành uỷ, thông qua HĐND thành phố để thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện xe xăng, dầu sang xe điện.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
"Các chính sách hỗ trợ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hoà, trên nền tảng các số liệu tổng hợp, rà soát, thống kê chi tiết cho khoảng 450.000 xe máy chạy xăng trong Vành đai 1. Thành phố cũng thiết lập các chính sách bổ trợ như thu đổi xe xăng sang xe điện, chi phí liên quan việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới sẽ được hỗ trợ gần như 100%", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn nhấn mạnh thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, đúng nhóm người sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1 cũng như những người thường xuyên di chuyển vào khu vực này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội cho hay với chính sách chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.
Hà Nội dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ khoảng 8-12 chỗ, nghiên cứu xe điện 4 chỗ để trung chuyển trong Vành đai 1. Các phương tiện khác bên ngoài muốn vào Vành đai 1 sẽ chuyển hoá theo mạng lưới trong Vành đai 1. Bên cạnh đó, các phương tiện vận tải hành khách công cộng được gia tăng, đẩy nhanh các tuyến đường sắt đô thị.
Thành phố cũng sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư...
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến hết năm 2024, Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy, khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Phương tiện tại Hà Nội tăng 4-5%/năm, nhanh gấp 11-17 lần tốc độ mở rộng đường. Ô tô cá nhân tăng khoảng 10%/năm, vượt hơn 30 lần tốc độ gia tăng quỹ đất giao thông. Hoạt động giao thông, với lượng phương tiện chạy bằng xăng dầu lớn, là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, việc cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 là giải pháp cần thiết nhằm giảm ô nhiễm môi trường Thủ đô. Tuy nhiên, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc cấm xe máy chạy xăng sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực tới đời sống người dân. Thời gian từ nay đến 1/7/2026 chỉ còn gần 1 năm, Hà Nội phải khẩn trương hành động và có một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng... |
|
Nguồn: https://baolangson.vn/ha-noi-nghien-cuu-ho-tro-chuyen-doi-450-000-xe-may-xang-trong-vanh-dai-1-5053229.html
Bình luận (0)