Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí”

(Dân trí) - Là người từng trực tiếp lãnh đạo cơ quan chủ quản của báo điện tử Dân trí, GS.TS Nguyễn Thị Doan kỳ vọng về một hành trình gắn liền với sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Báo Dân tríBáo Dân trí14/07/2025

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập báo điện tử Dân trí, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Với tư cách là người từng trực tiếp lãnh đạo cơ quan chủ quản của báo điện tử Dân trí trong giai đoạn đặc biệt, bà chia sẻ nhiều câu chuyện, góc nhìn và kỳ vọng về một hành trình báo chí gắn liền với sứ mệnh “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Hai “thương hiệu” đi trước thời đại của báo Dân trí

Thưa Giáo sư, trong giai đoạn báo điện tử Dân trí còn là cơ quan trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, Hội đã có những chủ trương và định hướng như thế nào để phát triển tờ báo, đặc biệt trong việc lan tỏa tinh thần khuyến học, khuyến tài?

- Tôi bắt đầu về làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2016, khi đó báo đã hoạt động được một thời gian rồi. Cho tới năm 2020, khi báo còn trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, trong giai đoạn mới, chúng tôi đã kế thừa và tiếp tục nhấn mạnh những định hướng để báo thực hiện.

Trước hết, báo phải có trách nhiệm tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Đây là nhiệm vụ hàng đầu.

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 1

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan (Ảnh: Hải Long).

Thứ hai, báo cần lan tỏa kịp thời những tấm gương học tập tiêu biểu - từ thầy cô giáo, học sinh các cấp, những người lao động trong các lĩnh vực đến những người làm công tác khuyến học - nhằm cổ vũ, động viên và nhân rộng điển hình, tất nhiên là với tinh thần công bằng và khách quan.

Thứ ba, thông qua hai nhiệm vụ tuyên truyền nói trên, mục tiêu xa hơn là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đó là định hướng chiến lược, lâu dài của Hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ tư, báo có vai trò hết sức quan trọng trong việc kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là những người dạy giỏi, cũng như huy động nguồn lực giúp đỡ các trường sư phạm - nơi đào tạo thế hệ nhà giáo tương lai.

Ngoài ra, một nhiệm vụ lớn khác là báo cần tổ chức tốt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - một giải thưởng có tầm quốc gia và có sức lan tỏa quốc tế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cuối cùng, là nhiệm vụ xây dựng và phát triển chương trình Nhân ái. Dưới sự chỉ đạo của Hội, báo đã làm rất tốt việc kết nối những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ học sinh nghèo, bệnh nhân khó khăn, xây cầu, dựng nhà, xây trường…

Và dĩ nhiên, báo còn phải làm tốt nhiệm vụ phổ biến thông tin kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước, để từ đó cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao hiểu biết và thúc đẩy các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên toàn quốc.

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 2
“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 3
“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 4

Có thể thấy, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và chương trình Nhân ái là những “di sản” nổi bật từ thời kỳ báo còn thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa và sức sống của hai “thương hiệu” này?

- Đúng vậy, đây là hai điểm nhấn rất quan trọng của báo điện tử Dân trí, góp phần làm tăng uy tín của Hội Khuyến học Việt Nam.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thể hiện một tầm nhìn đi trước thời đại của Hội Khuyến học Việt Nam và báo điện tử Dân trí. Từ năm 2005, khi công nghệ thông tin còn chưa bùng nổ như bây giờ, báo điện tử Dân trí đã được giao tổ chức một giải thưởng khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ, thúc đẩy đổi mới.

Người đặt nền móng và tổ chức giải thưởng này rất thành công là nhà báo Phạm Huy Hoàn – lúc đó là Tổng Biên tập. Ông tổ chức giải với mục tiêu rất rõ, quy trình khoa học, cách làm sáng tạo, thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, môi trường, y dược, nông nghiệp…

Đây không phải là giải thưởng mang tính hình thức. Giải thưởng có chiều sâu, đánh giá đúng người, đúng tài năng, tôn vinh đúng chỗ. Nhiều sản phẩm, công trình được vinh danh tại đây đã ứng dụng thực tiễn trong nước và có công trình đã được áp dụng ở nước ngoài. Giải tạo ra một môi trường để các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, thắp lên khát vọng đổi mới vì đất nước.

Điều tôi thấy đáng quý là giá trị của giải thưởng này vẫn còn nguyên vẹn sau gần 20 năm, và thậm chí ngày càng lan tỏa. Đến nay, những định hướng mà Hội giao cho báo từ năm 2005 như tổ chức giải “Tự học thành tài”, “tôn vinh người làm khoa học”… giờ đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Ngày ấy, Hội đã có những người rất tâm huyết trong Ban Thường trực Hội như cố GS. TSKH Nguyễn Huy Hiệu, GS.TS Phạm Tất Dong..., những con người ấy đã đưa ra những định hướng rất đúng, rất đủ, đi trước thời đại.

Về chương trình Nhân ái, đây là một chương trình giàu tính nhân văn, vận hành minh bạch theo phương châm “một đồng đến là một đồng đi”. Mỗi tuần, báo đều công khai số tiền bạn đọc ủng hộ và chuyển đến các hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều người bệnh được cứu sống, nhiều em nhỏ có cơ hội đến trường nhờ vào những bài viết lay động lòng người trong chuyên mục này.

Cầu Nhân ái, Nhà Nhân ái, Trường Nhân ái… đều là những “dấu chân” đẹp mà có lẽ không có nhiều tờ báo duy trì và phát triển chương trình thời gian dài như vậy.

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 5
“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 6
“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 7

Trong thời gian gắn bó với báo, bà có những kỷ niệm đặc biệt nào với tờ báo và đặc biệt là với nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập thời kỳ đó?

- Trước khi tôi về Hội Khuyến học, tôi đã rất chú ý đến báo điện tử Dân trí. Các chuyên mục như Giáo dục, Nhân tài Đất Việt, Gương sáng - Khuyến học, Nhân ái… đều để lại ấn tượng sâu sắc. Các bài viết sắc sảo, trung thực, phản ánh sát thực tế, có chiều sâu và tạo cảm xúc. Đặc biệt là các bài trong mục Nhân ái, nhiều bài khiến tôi xúc động.

Từ những bài viết ấy, tôi đã nghĩ rằng hẳn đội ngũ phóng viên của Dân trí phải là những người có năng lực, có tính chiến đấu, trung thực và đam mê với nghề. Sau này có dịp tiếp xúc, làm việc với các bạn phóng viên Dân trí, tôi nhận thấy nhận định ban đầu của mình không sai.

Về ông Phạm Huy Hoàn, ông là nhà báo tôi rất ngưỡng mộ. Lúc làm Tổng Biên tập, ông là người dũng cảm, quyết đoán, sắc sảo và có tầm nhìn. Có những cuộc họp không ai dám lên tiếng, ông là người dám nói, dám bảo vệ quyền lợi cho tờ báo Dân trí và các báo. Ông thực sự là người đã đặt nền móng vững chắc cho báo điện tử Dân trí phát triển mạnh mẽ như hôm nay.

Tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu

Là cơ quan từng trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, Dân trí luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục - vốn là trọng tâm trong sứ mệnh “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Bà đánh giá như thế nào về cách mà Dân trí đã thể hiện vai trò của mình trong việc đồng hành cùng chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua các nội dung giáo dục?

- Giáo dục là lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống của toàn xã hội, không dễ để làm báo về giáo dục một cách sâu sắc, chính trực và có trách nhiệm. Nhưng Dân trí làm được điều đó.

Có thể nói, mảng giáo dục của báo điện tử Dân trí tham gia rất tích cực vào công cuộc phản biện chính sách. Tôi theo dõi thì thấy hễ có chính sách, văn bản hay chương trình mới nào trong ngành giáo dục được ban hành là ngay lập tức Dân trí đã có bài viết phân tích, bình luận, phản ánh dư luận một cách rất kịp thời.

Không phải kiểu chỉ trích cực đoan hay chạy theo xu hướng, mà là phản biện có cơ sở, có tâm và có tầm, nghĩa là vừa trung thực, vừa xây dựng. Điều đó cực kỳ quan trọng trong giáo dục, nơi mà mỗi chính sách dù nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, giáo viên, và cả gia đình các em.

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 8
“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 9

Bên cạnh tính phản biện, tôi đánh giá cao vai trò lan tỏa giá trị tích cực trong các bài viết về giáo dục. Dân trí không quên việc tôn vinh những người thầy, người cô tận tụy ở vùng sâu vùng xa, hay những em học sinh nghèo hiếu học, đầy nghị lực. Chính những câu chuyện ấy đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu học tập, khơi dậy lòng trân trọng tri thức trong cộng đồng.

Báo cũng lồng ghép rất tốt các mục tiêu giáo dục vào chương trình Nhân ái. Báo không chỉ viết về những hoàn cảnh khó khăn mà còn trực tiếp đứng ra vận động xây trường, trao học bổng, giúp các em có cơ hội tiếp tục đến trường.

Tôi từng đến thăm những điểm trường mà Dân trí và bạn đọc đã chung tay xây dựng, những suất học bổng đã nâng đỡ các em học sinh nghèo… và tôi thực sự xúc động. Bởi giáo dục không chỉ cần tiếng nói phản biện, mà còn cần những hành động thiết thực để nâng đỡ ước mơ.

Nhìn lại hành trình 20 năm phát triển của báo điện tử Dân trí, bà có đánh giá gì về những chuyển mình quan trọng gần đây của tờ báo, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ?

- Tôi đánh giá cao sự tiên phong và bản lĩnh chuyển đổi số rất sớm của Dân trí - một bước đi thể hiện tầm nhìn dài hạn của các thế hệ lãnh đạo báo. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Tổng biên tập báo hiện nay là ông Phạm Tuấn Anh. Ông Phạm Tuấn Anh là con người của đổi mới, mạnh dạn chuyển hướng và có tư duy về thương hiệu.

Hiện nay, Dân trí là một trong những tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng thông tin.

Chính nhờ định hướng này mà Dân trí không chỉ trụ vững trong môi trường số hóa mà còn vươn lên trở thành một trong những tờ báo điện tử uy tín, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên cả nước. Thương hiệu Dân trí hôm nay là một thương hiệu mạnh nhờ nội dung sâu sắc, phản biện sắc sảo, và tinh thần dấn thân vì cộng đồng mà tờ báo đã duy trì nhất quán suốt nhiều năm qua.

“Hai thương hiệu đi trước thời đại của báo điện tử Dân trí” - 10

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Doan làm việc với Đảng ủy, Ban biên tập, cán bộ báo điện tử Dân trí tháng 2/2020 (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh đó, điểm mạnh làm nên bản sắc của Dân trí còn là đội ngũ những người làm báo. Trong suốt hai thập kỷ qua, Dân trí đã xây dựng được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên lành nghề, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm và có tinh thần chiến đấu rất cao.

Dân trí cần tiếp tục chăm lo yếu tố con người, đầu tư đào tạo đội ngũ, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nhân tài. Có con người tốt thì mới có nội dung tốt. Mà nội dung tốt thì mới giữ được niềm tin độc giả - thứ tài sản lớn nhất của một tờ báo.

Từ góc nhìn của nguyên lãnh đạo cơ quan chủ quản báo điện tử Dân trí, bà kỳ vọng gì ở tờ báo trong giai đoạn phát triển sắp tới?

- Tôi luôn kỳ vọng Dân trí tiếp tục giữ vững tinh thần tiên phong, sáng tạo và bứt phá, đặc biệt là trong những chương trình có sức lan tỏa xã hội lớn như diễn đàn ESG, các giải thể thao phong trào, và cả những mảng báo chí đang rất cần góc nhìn sâu sắc như tài chính công hay quản trị nhà nước.

Tôi cũng mong tờ báo tiếp tục khẳng định bản sắc riêng bằng việc phát triển các nội dung gắn với bốn trụ cột phát triển đất nước hiện nay: thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, và đổi mới trong xây dựng, thi hành pháp luật. Đây là những lĩnh vực không chỉ quan trọng, mà còn là trách nhiệm của báo chí hiện đại nếu muốn thực sự đồng hành cùng quốc gia.

Báo Dân trí về trực thuộc Bộ Nội vụ là một bước ngoặt tích cực, và tôi mong rằng đây sẽ là một mái nhà vững chắc, lâu dài cho sự phát triển của tờ báo. Dù ở đâu, tôi hy vọng Dân trí vẫn giữ được cốt cách ban đầu: một tờ báo vì dân trí, vì tài năng đất Việt, và vì những số phận cần được nâng đỡ. Đó là điều tôi luôn tâm niệm, và tôi tin nhiều bạn đọc cũng cảm nhận được.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tháng 4/2005, trang tin điện tử Dân trí ra đời như một chuyên trang của báo Khuyến học và Dân trí – mở đầu hành trình xây dựng tờ báo điện tử tiên phong.

Cùng năm, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được phát động, góp phần phát hiện hàng trăm tài năng đổi mới sáng tạo cho đất nước.

Ngày 15/7/2008, Dân trí chính thức được cấp phép là báo điện tử độc lập.

Năm 2020, báo chuyển về Bộ LĐ-TB&XH, và từ 1/3/2025, trở thành cơ quan ngôn luận thuộc Bộ Nội vụ.

Trải qua hai thập kỷ không ngừng đổi mới giữa làn sóng công nghệ và truyền thông, Dân trí giữ vững bản sắc “vì dân sinh – vì tri thức – vì cộng đồng”, thu hút hơn 162 triệu độc giả toàn cầu trong năm qua.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hai-thuong-hieu-di-truoc-thoi-dai-cua-bao-dien-tu-dan-tri-20250714094954475.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm